Chuyên gia dự đoán về loại vũ khí Triều Tiên có thể điều đến biên giới Hàn Quốc
Mỹ nâng cấp vũ khí, biến “chim ăn thịt” F-22 thành “sát thủ đáng gờm” / Vũ khí laser Nga đi trước Mỹ một bước?
Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) hôm qua tuyên bố sẽ triển khai các đơn vị cấp trung đoàn và hoả lực cần thiết đến khu công nghiệp Kaesong và khu du lịch núi Kumgang nhằm mục đích phòng vệ giữa lúc căng thẳng với Triều Tiên đang leo thang.
Ở Kaesong
Nhận định về lời đe doạ của Bình Nhưỡng, theo các chuyên gia, Triều Tiên có khả năng sẽ điều động các đơn vị pháo binh sử dụng pháo tự hành 170 mm, và bệ phóng rocket đa nòng 240 mm đến Kaesong.
Những vũ khí này có thể tạo ra mối đe doạ trực tiếp đối với khu vực thủ đô Seoul của Hàn Quốc, vốn nằm cách khu phi quân sự DMZ khoảng 50km.
Trên thực tế, pháo tự hành có tầm bắn 54km và có thể bắn 2 phát/phút. Trong khi đó, bệ phóng 240 mm có thể bắn khoảng 40 phát/phút, với tầm bắn 60 km hoặc xa hơn.
Cũng theo chuyên gia, đơn vị cấp trung đoàn của Triều Tiên thường có khoảng 2.000 quân.
Shin Jong-woo, nhà phân tích cấp cao của Diễn đàn an ninh quốc phòng Hàn Quốc tại Seoul, cho biết: "Những vũ khí này có thể sử dụng bệ phóng di động (TEL), khiến chúng khó bị phát hiện và đánh chặn hơn. Việc này mang lại lợi thế trong trường hợp phát động các cuộc tấn công bất ngờ".
Trước đó, khi chưa thành lập khu công nghiệp Kaesong, Sư đoàn 6, Sư đoàn 64 và Lữ đoàn pháo binh 62 của quân đội Triều Tiên đã đóng quân ở Kaesong và các khu vực lân cận.
Sau khi khu công nghiệp được thành lập, các đơn vị này đã lùi vị trí đồn trú về phía sau khoảng 16km.
Lữ đoàn 62 được trang bị pháo 170 mm và bệ phóng 240 mm.
Trong khi đó, Sư đoàn 6 - đơn vị từng tiến vào khu vực thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 - có thể vận hành xe tăng "Chonma-ho" và các phương tiện bọc thép khác.
Kaesong từ lâu đã địa điểm có ý nghĩa quan trọng đối với quân đội Triều Tiên cho đến khi Seoul và Bình Nhưỡng thành lập tổ hợp công nghiệp chung vào năm 2003.
Khu công nghiệp này bị đình chỉ vào năm 2016 sau các vụ khiêu khích hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Một trong những toà nhà chính trong khu công nghiệp là Văn phòng Liên lạc chung vừa bị Triều Tiên cho phát nổ hôm 16/6.
Năm ngoái, Triều Tiên đã trình làng một số loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới, bao gồm phiên bản “làm lại” từ Iskander của Nga và Hệ thống Tên lửa Chiến thuật (ATACMS) của Mỹ. Nhưng những vũ khí này có thể sẽ không được triển khai đến biên giới, vì có tầm bắn khá xa.
Iskander phiên bản Triều Tiên có tầm bắn lên tới 600 km, trong khi ATACMS của Triều Tiên có tầm bắn khoảng 400km.
Ở núi Kumgang
Tại khu vực này, Triều Tiên có thể sẽ triển khai một đơn vị hải quân chịu trách nhiệm vận hành các tàu ngầm tại cảng Jangjon gần đó.
Cảng Jangjon từng có một căn cứ quân sự trước khi được trưng dụng làm cửa ngõ chính dẫn đến khu nghỉ mát dành cho khách du lịch Hàn Quốc trên núi Kumgang.
Căn cứ tàu ngầm dừng hoạt động vào năm 2003, nhiều năm sau khi các chương trình du lịch được triển khai vào năm 1998.
Đến năm 2008, chương trình này bị đình chỉ sau khi một khách du lịch Hàn Quốc bị lính Triều Tiên bắn chết với cáo buộc xâm phạm khu vực cấm.
“Rất có thể Triều Tiên sẽ phá huỷ các địa điểm tham quan ở khu vực này, rồi điều động xe tăng và rocket đến đó”, ông Shin nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Một cuộc tập trận của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap