Chuyên gia Nga: Mỹ sẽ không thể thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400
Khám phá kho "vũ khí hiện đại" của Iran / Cảnh báo 'sắc lẹm' của quan chức Iran về thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân
Nhận định trên của Tiến sĩ Ivan Timofeev, Giám đốc chương trình của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) chia sẻ với hãng tin RIA mới đây.
Trước đó, hôm 15/2, trong một tuyên bố trên báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ sau kết quả cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ông Blinken đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bất hòa khi Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ) |
“Ngoại trưởng Mỹ hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ngoài ra, ông Blinken cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
“Cho đến khi lời kêu gọi này có hiệu lực, bởi vì các hệ thống đã được mua từ Nga, chúng đã được đưa vào sử dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ sẽ cần phải đưa ra một số nỗ lực phi thường để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ về điều này. Ví dụ, cung cấp cho họ một hệ thống tên lửa phòng không Patriot thay thế. Và sau đó, nếu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400 ngay bây giờ và hủy thực hiện các hợp đồng và nghĩa vụ khác với Moscow, họ sẽ phải trả tiền phạt. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, điều này là không có lợi cả về mặt kinh tế và chính trị, bởi vì Washington không cung cấp bất cứ điều gì để đổi lại”, ông Timofeev bình luận.
Theo ông Timofeev, vẫn chưa rõ Washington có sẵn sàng cung cấp hệ thống Patriot cho Ankara hay không, bởi một trong những lý do khiến phía Thổ Nhĩ Kỳ mua các tổ hợp S-400 của Nga là họ không thể mua Patriot từ Mỹ.
“Mỹ thậm chí đã áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không đưa ra bất cứ điều gì có lợi để đáp lại, không có gì cụ thể. Nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là một chính trị gia thực tế và thực dụng, ông ấy có quan điểm khác về điều này”, Tiến sĩ Timofeev nhấn mạnh.
Mới đây, hôm 3/2, Trợ lý An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 làm suy yếu sự gắn kết và hiệu quả của NATO. Đồng thời, ông Sullivan chỉ ra mong muốn của chính quyền mới của Mỹ là “thiết lập mối quan hệ mang tính xây dựng” giữa Washington và Ankara.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 15/1 đã tuyên bố nước này đang thảo luận để mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 thứ 2 của Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, hợp đồng mua bán chính thức dự kiến sẽ được ký kết trong vòng vài tuần tới, tuy nhiên quyết định cuối cùng chỉ được đưa ra trong quá trình thảo luận về các điều khoản cụ thể.
Đầu tháng 1, Giám đốc Cơ quan mua sắm Quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir ra thông báo cho biết các hệ thống tên lửa S-400 đầu tiên được giao cho Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng đưa vào vận hành.
Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga trị giá 2,5 tỉ USD từ năm 2017. Đây là một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới và có thể bắn trúng các mục tiêu cách xa tới 400 km.
Lô hàng đầu tiên đã được phía Nga giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2019. Gần cuối tháng 11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã thử hệ thống phòng không S-400 tại một căn cứ quân sự ở tỉnh Ankara, sử dụng máy bay quân sự, trong đó có chiến đấu cơ F-16 của Mỹ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, Ankara sẽ triển khai S-400 từ mùa xuân năm 2020 sau khi lắp đặt hoàn chỉnh và quá trình đào tạo nhân sự hoàn tất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo