Quốc tế

Đã rõ lý do vũ khí phương Tây bị hỏng hàng loạt tại Ukraine

Huấn luyện kém, sử dụng không đúng cách là nguyên nhân gây ra tỷ lệ hỏng hóc cao trong số vũ khí hạng nặng NATO cung cấp cho Ukraine.

Loại tên lửa đặc biệt cho S-400 để tấn công mặt đất / Nga không thể gây nhiễu đạn pháo Mỹ

Nguyên nhân

Tờ National Interest dẫn bản báo cáo của các quan chức quốc phòng và đại diện của các nhà sản xuất vũ khí lớn của phương Tây cho biết, thời gian huấn luyện hạn chế của Ukraine trong việc sử dụng vũ khí hạng nặng tiên tiến của NATO và việc sử dụng không đúng cách một số phần cứng là nguyên nhân gây ra tỷ lệ hỏng hóc cao.

Trích dẫn ví dụ về Panzerhaubitze 2000, loại pháo tự hành cỡ 155 mm do Đức sản xuất, tờ báo này chỉ ra rằng lính pháo binh Ukraine chỉ được huấn luyện sử dụng pháo hạng nặng trong 5 tuần , so với 4 tháng mà binh lính Đức có được.

Cùng với huấn luyện, bảo trì cũng là một vấn đề lớn tiếp theo tại Ukraine, khi các nhà sản xuất hệ thống vũ khí phương Tây đảm bảo rằng những vũ khí của họ sẽ hoạt động tốt nếu được bảo trì đúng cách và đúng thời gian.

Lính Ukraine vận hành lựu pháo M777 Mỹ cung cấp.

Lính Ukraine vận hành lựu pháo M777 Mỹ cung cấp.

"Nếu họ quan tâm đến phần điện tử đúng cách, nó sẽ hoạt động rất tốt", Armin Papperger, Giám đốc điều hành hãng Rheinmetall của Đức, nhà sản xuất Panzerhaubitze 2000, nói khi bình luận về các báo cáo về việc pháo của công ty ông bốc cháy hoặc cần được nạp thủ công sau khi hệ thống tự động của họ bị hỏng.

Theo báo cáo, việc lạm dụng thiết bị đến mức hỏng hóc là một vấn đề tiếp theo, khi một binh sĩ Ukraine vận hành AHS Krab, loại pháo tự hành 155 mm do Ba Lan sản xuất, nói rằng chiếc Crab của anh ta đã được sử dụng nhiều đến mức nòng của nó bị rách.

Các gã khổng lồ vũ khí lớn của phương Tây bao gồm Rheinmetall, Lockheed Martin và BAE Systems đã đạt được lợi nhuận tăng vọt và ghi nhận việc cung cấp sản xuất các hệ thống vũ khí cho Ukraine, thừa nhận rằng họ coi Ukraine là nơi thử nghiệm các sản phẩm của họ.

Một chỉ huy pháo binh Ukraine cho biết các loại pháo hiện đại hơn của phương Tây đang phục vụ cho quân đội Ukraine hoạt động rất thất thường và cần sửa chữa, với hơn 30% không hoạt động và có mặt tại xưởng sửa chữa bất cứ lúc nào, so với khoảng 15% của loại cũ.

 

Việc tái kiểm soát lãnh thổ rất hạn chế và tổn thất khủng khiếp về nhân lực và trang thiết bị mà quân đội Ukraine phải gánh chịu trong cuộc phản công mùa hè đã khiến các quan chức phương Tây nghĩ ra nhiều cách giải thích cho thất bại.

Trong đó một số quan chức đổ lỗi cho chiến thuật của Ukraine và đảm bảo rằng nếu Kiev sử dụng hiệu quả hàng chục tỷ USD vũ khí từ phương Tây thì quân đội của họ sẽ đạt được thành công.

Điều mà hầu hết các nhà quan sát phương Tây đã không đề cập đến là ưu thế về pháo binh, không quân và tình báo của Nga, những yếu tố mà quân đội tiền tuyến đã thấy rõ từ rất lâu trước khi cuộc phản công bắt đầu.

Không như mong đợi

Nói về hiệu quả của vũ khí phương Tây tại Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho rằng, vũ khí phương Tây chuyển giao cho Ukraine không hoạt động như mong đợi trên chiến trường, trong khi vũ khí Nga chứng minh được tính hiệu quả.

 

"Trong điều kiện thực tế, vũ khí của chúng tôi cho thấy độ tin cậy và hiệu quả. Trong khi đó, các khí tài được quảng cáo rộng rãi của phương Tây cho thấy chúng còn lâu mới hoàn hảo trong thực tế", Bộ trưởng Shoigu nói.

Mỹ và NATO đã cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí, thiết bị và đạn dược trị giá hơn 100 tỷ USD. Phương Tây cũng cung cấp những xe tăng hiện đại cho quân đội Ukraine nhằm giúp Kiev mở chiến dịch phản công quy mô lớn.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 14/8 đã công bố gói viện trợ an ninh mới cho Ukraine, bao gồm đạn phòng không, đạn pháo, thiết bị chống thiết giáp và thiết bị rà phá bom mìn bổ sung. Gói viện trợ mới trị giá 200 triệu USD.

"Nga bắt đầu cuộc chiến này và có thể kết thúc cuộc chiến bất cứ lúc nào bằng cách rút lực lượng khỏi Ukraine và ngừng các cuộc tấn công khốc liệt. Cho đến khi kịch bản đó xảy ra, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine", Ngoại trưởng Blinken tuyên bố.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm