Quốc tế

Đằng sau kho vũ khí khổng lồ của Hamas

Dù bị phong tỏa nghiêm ngặt suốt 14 năm, Hamas vẫn có thể xây dựng một kho vũ khí khổng lồ, khiến Israel ít nhiều choáng váng những ngày qua.

Tiêm kích MiG-35 của Nga gần như đã sẵn sàng tham chiến / Bí ẩn 3 "loài người ma" để lại giọt máu trong chúng ta

Chỉ trong chưa đầy hai tuần từ khi giao tranh bùng phát, Hamas đã bắn hơn 4.000 rocket vào Israel. Một số rocket đã vượt qua lưới phòng không Vòm Sắt, đi vào sâu lãnh thổ Israel, với độ chính xác cao chưa từng có, nếu so với 3 lần xung đột quân sự trước đó.

Rocket của Hamas thậm chí đã bắn đến tận Tel Aviv, trung tâm hành chính của nhà nước Do Thái. Hamas cũng sử dụng thiết bị bay không người lái và thiết bị lặn dưới nước để tấn công các mục tiêu của Israel.

Những cuộc tấn công vừa qua của Hamas là màn phô diễn kho vũ khí mà tổ chức này đã liên tục mở rộng bất chấp bị Israel và Ai Cập phong tỏa nghiêm ngặt suốt 14 năm, theo AP.

Các chuyên gia nhận định dù không thể so sánh được với năng lực quân sự của Israel, việc liên tục thách thức sức mạnh hỏa lực vượt trội của Israel là cách để Hamas gửi đi thông điệp chính.

Từ vũ khí thô sơ tới rocket tầm xa

Từ khi Hamas thành lập năm 1987, phe quân sự trong tổ chức này đã liên tục lớn mạnh. Theo cáo buộc của Israel, từ lực lượng dân quân nhỏ, nhóm này giờ đã trở thành một "quân đội bán chính quy".

Những ngày đầu thành lập, nhóm vũ trang này thường xuyên tiến hành các vụ bắn giết, bắt cóc người Israel. Trong cuộc xung đột năm 2000, Hamas đã tiến hành vô số vụ đánh bom liều chết khiến hàng trăm thường dân Israel thiệt mạng.

Khi bạo lực lan rộng, Hamas bắt đầu sản xuất một loại rocket thô sơ có tên "Qassam". Loại rocket Qassam đời đầu này hoạt động bằng đường nóng chảy, chúng thường bay vô định, tầm bắn chỉ vài km, đa số rơi ngay trong Dải Gaza và ít gây thiệt hại cho Israel.

kho vu khi cua Hamas anh 1

Một nhóm chiến binh Hamas. Ảnh: Reuters.

Sau khi Israel rút quân khỏi Dải Gaza năm 2005, Hamas đã thành công tạo ra một hệ thống tiếp vận bí mật từ hai nhà bảo trợ chủ chốt là Iran và Syria. Từ biên giới Ai Cập, một lượng lớn rocket tầm xa, chất nổ, kim loại và máy móc được chuyển vào Dải Gaza.

Các chuyên gia cho biết tên lửa ban đầu được vận chuyển tới Sudan. Từ đây, chúng được xe tải chở xuyên biên giới vào Ai Cập, và sau đó chuyển lậu thông qua hệ thống đường ngầm bên dưới bán đảo Sinai.

Năm 2007, khi Hamas buộc chính quyền dân sự Palestine rời khỏi Dải Gaza để trực tiếp nắm quyền kiểm soát, Israel và Ai Cập đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt với vùng đất này.

Dẫu vậy, buôn lậu vũ khí vào Hamas vẫn tiếp tục. Sau khi Mohammed Morsi, chính trị gia Hồi giáo và là đồng minh của Hamas, được bầu làm tổng thống Ai Cập năm 2012, dòng chảy vũ khí buôn lậu vào Gaza tăng mạnh.

 

Hamas đã tích trữ được một số loại rocket do nước ngoài sản xuất có tầm bắn xa hơn, như Katyusha hay Fajr-5 - loại do Iran cung cấp và từng được lực lượng này sử dụng trong cuộc chiến với Israel năm 2008 và 2012.

Tự sản xuất vũ khí

Với việc cựu Tổng thống Morsi bị quân đội lật đổ năm 2012, nhà chức trách Ai Cập đã triệt phá hàng trăm đường hầm buôn lậu vũ khí vào Dải Gaza. Trước tình hình đó, Hamas phải chuyển sang tự sản xuất vũ khí.

"Iran đã đặt nền móng cho việc sản xuất tên lửa ở Gaza, họ cung cấp kiến thức, công nghệ. Nhưng giờ thì người Palestine hoàn toàn tự chủ. Hiện nay, đa phần tên lửa mà chúng ta thấy được sản xuất ở Gaza, thường là có thêm sáng tạo công nghệ (của Hamas)", Fabian Hinz, chuyên gia về các loại vũ khí được sử dụng ở Trung Đông, cho biết.

Tháng 9/2020, hãng thông tấn Al Jazeera đăng tải một đoạn phim tài liệu, cho thấy các chiến binh Hamas đã lắp ráp thành công một loại tên lửa của Iran với tầm bắn lên đến 80 km, đầu đạn mang theo lượng thuốc nổ nặng 175 kg.

Các chiến binh Hamas được cho là đã thu được một số tên lửa mà Israel từng bắn vào Gaza nhưng không phát nổ. Họ sau đó tháo rời những tên lửa này để lấy vật liệu nổ bên trong. Hamas thậm chí tái sử dụng các ống nước cũ làm thân tên lửa.

 

kho vu khi cua Hamas anh 2

Rocket Qassam do Hamas sản xuất. Ảnh: Reuters.

Để sản xuất rocket, các nhà khoa học và kỹ sư của Hamas chế tạo thuốc nổ từ phân bón, chất oxy hóa và các hóa chất khác. Nhiều nguyên vật liệu được nhập lậu vào Gaza thông qua những đường hầm bí mật vẫn đang hoạt động.

Hamas công khai ca ngợi Iran vì đã hỗ trợ lực lượng này. Các chuyên gia tin rằng Tehran hiện chủ yếu cung cấp cho Hamas các bản thiết kế và hướng dẫn sử dụng vũ khí, thử nghiệm động cơ và một số lĩnh vực kỹ thuật chuyên môn khác.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Iran cung cấp viện trợ khoảng 100 triệu USD cho các nhóm vũ trang ở Palestine mỗi năm.

 

Thông điệp của Hamas

Quân đội Israel ước tính, trước khi xung đột nổ ra, Hamas có khoảng 7.000 rocket với nhiều tầm bắn khác nhau, một số có tầm bắn bao trùm toàn bộ lãnh thổ Israel.

Trong khi đó, Financial Times dẫn lời các chuyên gia nhận định số rocket và đạn pháo cối Hamas sở hữu lên đến 20.000-30.000 quả.

Ngoài ra, Hamas có trong tay khoảng 300 tên lửa chống tăng và 100 tên lửa phòng không các loại, cùng hàng chục thiết bị bay không người lái. Hamas có quân số khoảng 30.000 tay súng, cùng 400 lính biệt kích hải quân.

Trong cuộc xung đột năm 2014, Hamas đã tung ra những vũ khí mới như thiết bị bay tấn công không người lái, thiết bị lặn không người lái, cùng một loại rocket với tầm bắn 250 km có tên "Ayyash". Dù vậy, Israel tuyên bố những vũ khí mới đó đã bị vô hiệu hóa, hoặc không thể tấn công trực diện vào lãnh thổ người Do Thái.

kho vu khi cua Hamas anh 3

Hamas bắn rocket từ Dải Gaza. Ảnh: AP.

 

Nhưng hai tuần qua, tình thế dường như đã khác rất nhiều so với cuộc chiến 7 năm trước.

"Quy mô các cuộc tấn công của Hamas lớn hơn nhiều, trong khi độ chính xác cũng được cải thiện đáng kể. Điều khiến tôi bị sốc là họ có thể làm được điều đó giữa vòng vây hãm (của Israel)", giáo sư Mkhaimar Abusada, chuyên gia về khoa học chính trị từ Đại học Al-Azhar, cho biết.

Quân đội Israel cho biết chiến dịch không kích hiện nay đã giáng một đòn mạnh vào năng lực nghiên cứu của Hamas, phá hủy các cơ sở sản xuất và cất giấu vũ khí của tổ chức này.

Dù vậy, các quan chức Israel thừa nhận họ không thể ngăn Hamas tiếp tục bắn rocket vào lãnh thổ nhà nước Do Thái.

 

Khác với các loại tên lửa dẫn đường, rocket thường thiếu chính xác, đa phần bị hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel bắn chặn. Tuy nhiên, việc liên tục thách thức sức mạnh hỏa lực vượt trội của Israel là cách để Hamas gửi đi thông điệp chính.

"Mục tiêu của Hamas không phải là hủy diệt ở quy mô quân sự đối với Israel. Nói cho cùng, những quả rocket cũng chỉ là công cụ để nâng cao vị thế (của Hamas) và viết lại luật chơi", chuyên gia Hinz bình luận.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm