Quốc tế

Hàng viện trợ châm ngòi cuộc đối đầu căng thẳng tại biên giới Venezuela

Cuộc chiến giành ghế lãnh đạo hợp pháp tại Venezuela, với những cuộc biểu tình của hàng nghìn người, sự can thiệp của ngoại giao quốc tế và các lệnh trừng phạt dầu mỏ, đang tập trung vào việc vận chuyển lô hàng viện trợ tại khu vực biên giới.

“Thượng đỉnh Trump - Kim đưa Việt Nam trở thành tâm điểm địa chính trị” / Trung Quốc liên hệ với phe đối lập Venezuela để bảo vệ lợi ích?

Hàng viện trợ châm ngòi cuộc đối đầu căng thẳng tại biên giới Venezuela - 1

Chính quyền Venezuela đưa xe chở dầu và hai container chặn cây cầu Las Tienditas nối Venezuela và Colombia để ngăn hàng viện trợ. (Ảnh: RT)

Với những nỗ lực nhằm thách thức Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro và tiếp quản chính quyền hợp pháp tại Venezuela, phe đối lập đã tập kết lô hàng viện trợ gồm lương thực và dụng cụ y tế tới biên giới Colombia và Venezuela.

Mục đích của phe đối lập là đưa lô hàng viện trợ từ nước ngoài vào Venezuela và động thái này đã đẩy họ vào tình thế đối đầu với chính quyền Maduro khi tổng thống đương nhiệm không muốn tiếp nhận lô hàng viện trợ. Các thủ lĩnh đối lập cho rằng quyết định của Tổng thống Maduro đã làm xấu đi hình ảnh của ông, đồng thời để ngỏ khả năng thiết lập một hệ thống cứu trợ tại Venezuela - nơi nền kinh tế bị đình trệ khiến nhiều người dân rơi vào cảnh đói kém, ốm đau nhưng không thể tiếp cận với thuốc men.

Chính quyền Maduro đã dựng một hàng rào tuy thô sơ nhưng hiệu quả tại cây cầu nối biên giới Venezuela với Colombia. Động thái này khiến nỗ lực viện trợ phải tạm dừng, đồng thời đẩy phe đối lập và thủ lĩnh Juan Guaido, người tự xưng là tổng thống lâm thời của Venezuela, vào thế bế tắc.

Hàng viện trợ châm ngòi cuộc đối đầu căng thẳng tại biên giới Venezuela - 2

Người biểu tình phản đối chính quyền Maduro. (Ảnh: New York Times)

Phe đối lập nhận ra rằng với mỗi ngày trôi qua mà hàng viện trợ chưa được đưa qua biên giới, động lực để giành được sự tin tưởng từ người dân Venezuela cũng như sự công nhận của các chính phủ nước ngoài càng giảm xuống. Việc trì hoãn đưa hàng viện trợ qua biên giới cũng đồng nghĩa với việc Venezuela sẽ quay trở lại nguyên trạng ban đầu khi Tổng thống Maduro vẫn nắm quyền kiểm soát đất nước.

“Cả đất nước vẫn đang chờ xem ông Guaido sẽ làm gì tiếp theo. Liệu đây có tiếp tục là phong trào lớn nữa hay không phụ thuộc phần lớn vào ông ấy”, Carlos Andres Taborda, một thành viên phe đối lập tại thị trấn Urena ở biên giới Venezuela, nói khi tham gia tuần hành đòi chính quyền tiếp nhận hàng viện trợ.

Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido ngày 13/2 tiếp tục đẩy diễn biến sự việc lên cao trào khi tuyên bố với các phóng viên rằng ông sẽ mở một “hành lang nhân đạo” nhằm cho phép đưa hàng viện trợ vào Venezuela trước ngày 23/2.

Cam kết của ông Guaido, chủ tịch quốc hội Venezuela, càng làm gia tăng căng thẳng tại khu vực biên giới, đồng thời dấy lên kỳ vọng từ cả hai phía. Tuy vậy, rào cản ở phía trước vẫn còn, theo New York Times.

Bài toán của phe đối lập

Hàng viện trợ châm ngòi cuộc đối đầu căng thẳng tại biên giới Venezuela - 3

Các binh sĩ Venezuela đứng gác trên cầu ở biên giới Colombia. (Ảnh: Reuters)

Tại một nhà kho được canh gác cẩn mật ở thành phố Cucuta, Colombia - nơi hàng viện trợ được tập kết trong gần một tuần, các công nhân đã đóng gói các dụng cụ y tế, dầu thực vật, bột mì, đậu và gạo. Vẫn còn nhiều hàng viện trợ đang được chuẩn bị tại Miami và Houston (Mỹ) để chờ chuyển đi.

Cách đó không xa, hàng rào cải tiến của chính quyền Maduro đã được dựng chắn ngang lối đi trên cầu, ngăn không cho phương tiện qua lại.

Freddy Bernal, đặc phái viên của Tổng thống Maduro tại khu vực biên giới Tachira của Colombia, gọi hàng viện trợ là “rác rưởi” và “thậm chí không đủ nuôi sống một khu ổ chuột”. Đứng giữa 6 vệ sĩ mặc áo chống đạn, ông Bernal tuyên bố hàng viện trợ chính là một âm mưu nhằm gây bất ổn cho chính quyền Maduro. Ông Bernal cũng nói rằng không có gì căng thẳng ở biên giới và mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường.

Gaby Arellano, nghị sĩ đối lập phụ trách vận chuyển lô hàng viện trợ tại Colombia, cho biết một trong những mục tiêu đặt ra là buộc quân đội, lực lượng vẫn đang trung thành với chính quyền đương nhiệm, phải lựa chọn giữa một bên là Tổng thống Maduro và một bên là cứu sống người dân Venezuela.

“Sức ép từ dư luận sẽ làm lay chuyển quân đội, đó là những gì chúng tôi đang nỗ lực”, bà Arellano nói.

Trong những ngày gần đây, các nghị sĩ đối lập đã tới Mỹ, Brazil và Colombia để trao đổi với các chính quyền địa phương về việc thiết lập các nhà kho tương tự như ở Cucuta trước thời hạn 23/2. Tại Cucuta, các thành viên của phe đối lập cho biết họ đang cân nhắc các phương án để đưa lô hàng viện trợ vào Venezuela.

Hàng viện trợ châm ngòi cuộc đối đầu căng thẳng tại biên giới Venezuela - 4

Ông Guaido tuyên bố sẽ mở hành lang đưa hàng viện trợ vào Venezuela. (Ảnh: Reuters)

Omar Lares, cựu thị trưởng đối lập lưu vong tại Cucuta, cho biết một kịch bản được tính đến là nhiều người sẽ vây quanh một xe tải chở hàng viện trợ bên phía Colombia, sau đó hộ tống xe này đi qua cầu. Đám đông khác gồm vài nghìn người sẽ tập trung bên phía Venezuela để phá hàng rào an ninh, di chuyển các container đang được dùng để chặn trên cầu và hộ tống lô hàng viện trợ vào lãnh thổ Venezuela.

“Một nhóm ở đây, một nhóm ở kia và chúng tôi sẽ tạo thành một dây chuyền lớn bằng người”, ông Lares cho biết.

Tuy vậy, một số nhà quan sát vẫn tỏ ra nghi ngờ về những hệ quả xảy ra nếu phe đối lập không thực hiện đúng cam kết về việc chuyển hàng viện trợ. Một số người Venezuela thậm chí đã dừng mua thuốc men vì hy vọng rằng hàng viện trợ từ Mỹ sẽ sớm đi qua biên giới và đến tay họ.

“Phe đối lập đã tạo ra sự kỳ vọng rất lớn nhưng họ vẫn chưa có kế hoạch để thực sự đạt được kỳ vọng đó. Hơn nữa, phe đối lập và Mỹ vẫn chưa rõ rằng liệu số viện trợ này, ngay cả khi được cho phép đưa vào Venezuela, có tác động đáng kể tới cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Venezuela hay không”, David Smilde, nhà phân tích về Venezuela tại Phòng Mỹ Latinh Washington, nhận định.

Kỳ vọng ngày càng cao về hàng viện trợ đã khiến phe đối lập vốn rạn nứt trở nên gắn kết hơn, đồng thời tạo ra thách thức đầu tiên cho Tổng thống Maduro trong nhiều năm. Trong bối cảnh đó, ông Guaido đã nổi lên như một nhà lãnh đạo và hành lang viện trợ đã mở ra cho phe đối lập một dự án chung để thúc đẩy.

Vũ khí - khí tài
Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm