Hệ thống chiến đấu 'cách mạng' AI của Mỹ: Siêu phẩm Hollywood
Chiến hạm Pháp cố 'gây nhiễu' S-400 tại Crimea / Nga bỏ tàu ngầm Lada thay tàu mới vượt trội
Vào hồi cuối tháng 8, giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc đã hết lời ca ngợi những thành tựu trong phát triển trí thông minh nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) của quân đội Mỹ. Theo đó, các hệ thống máy tính đã đánh bại phi công F-16 trong 5 trận không chiến ảo, trong khuôn khổ cuộc thử nghiệm đối đầu do Cơ quan Nghiên cứu dự án Quốc phòng tiềm năng (DARPA) tổ chức.
Giám đốc chương trình DARPA Dan Jaworsek cho biết trong cuộc phỏng vấn sau cuộc thi rằng, các phi công Mỹ không bao giờ tin tưởng bất kỳ loại mô phỏng và mô hình nào nhưng khi kết thúc chương trình này, DARPA đã có cơ hội để xem AI đã trưởng thành đến đâu.
Theo ông, cuộc đấu này không có nghĩa là một chiến thắng tuyệt đối cho các cỗ máy, nhưng rõ ràng là trí tuệ nhân tạo của quân đội Mỹ “đã đến lúc hoàn thiện”.
Tuy nhiên, liệu đây có phải là sự lạc quan thái quá hay không và sự thực về các hệ thống chiến đấu được coi là “đi trước thời đại” của Mỹ là như thế nào?
Theo tin đưa của Tạp chí “Tin tức Quốc phòng” (Defense News), trí tuệ nhân tạo trong quân sự của Quân đội Hoa Kỳ chỉ là sự hư trương thanh thế, không giống như những gì người ta thấy trong phim ảnh của Hollywood - đây là nhận xét của chính các phóng viên Mỹ.
Tại Căn cứ Liên hợp Không-Hải quân Mỹ Joint Base Andrews nằm ở Quận Prince George's – tiểu bang Maryland, các phóng viên đã được cho xem hoạt động của “hệ thống điều khiển chiến đấu mang tính cách mạng” của Quân đội Hoa Kỳ, trong đó máy tính là thành tố chính giúp đầu não chỉ huy đưa ra quyết định trên chiến trường.
“Trung tâm điều khiển hiển thị một hình ảnh kỹ thuật số về chiến trường, có vẻ như nó cho thấy một bức tranh gần như toàn cảnh về khả năng của cả Mỹ và đối phương” - bài báo viết.
Tuy nhiên, tài liệu chỉ ra rằng, cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có tên gọi của hệ thống là mang tính “cách mạng”, còn sự vận hành của nó thì chẳng có gì là “cách mạng”, thậm chí còn là sự thụt lùi.
Các hệ thống chỉ huy chiến đấu của Mỹ vẫn chưa có khả năng tự động hóa cao |
Vấn đề ở chỗ, khác với những bộ phim của Hollywood mà chúng ta thường thấy quân đội làm việc trên các máy tính hiện đại với giao diện đồ họa phong cách cực chất và “chỉ với một cú nhấp chuột” có thể mở bản đồ các cơ sở tên lửa của Nga hoặc dữ liệu hoạt động của quân đội Mỹ trong thời gian thực, để đưa ra quyết định cực nhanh, trên thực tế, “Hệ thống chiến đấu cách mạng” của Mỹ hoạt động như bị “sa lầy trong quá khứ”.
Theo phản ánh của phóng viên, các sĩ quan chỉ huy-điều hành làm việc theo phương pháp… thủ công với các luồng dữ liệu, làm rõ thông tin từ các đơn vị quân đội khác bằng… điện thoại và truyền tải thông tin đến cấp quản lý cao hơn bằng cách… tạo ra các trang trình chiếu PowerPoint số lượng vô tận.
Ấn phẩm cho biết, với cách làm việc này chỉ huy cấp cao hơn của họ mất bao nhiêu thời gian mới đọc xong mớ tài liệu và liệu họ có thể ra quyết định được nhanh chóng hay không? Đây là cách làm việc chẳng có gì liên quan đến tính cách mạng hay trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, các nhà báo đã được xem một trong những kịch bản có thể xảy ra của một cuộc tấn công nhằm vào Hoa Kỳ, khi đất nước bị tấn công bằng tên lửa hành trình do các mục tiêu giả không người lái mô phỏng. Ở đây, có thể thấy rõ vai trò của trí tuệ nhân tạo.
“Điểm sáng” của chương trình là ở chỗ: Trí tuệ nhân tạo [tức các hệ thống trinh sát, giám sát] tự động thu thập dữ liệu về các mục tiêu và truyền dữ liệu về trung tâm điều khiển thông qua các kênh liên lạc 4G và 5G.
Tuy nhiên, đây là một kịch bản được xây dựng từ trước, không phải là một tình huống bất ngờ phát sinh. Do đó, hoạt động thực tế của các hệ thống này ra sao vẫn là một câu hỏi đang để ngỏ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo