Quốc tế

Hệ thống phòng không "bản sao Patriot" của Ukraine có khiến Nga "giật mình"?

Quân đội Ukraine vẫn đang trên con đường NATO hóa khi cố gắng chế tạo những vũ khí theo tiêu chuẩn của khối quân sự này.

Ít nhất 5 UAV Bayraktar TB2 đã bị hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S của Nga ở Syria phá hủy / UAV cảm tử của Mỹ "bất lực" trước tổ hợp phòng không giả Pantsir-S Nga

Mặc dù có trong biên chế các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300V1 hay S-300PS nhưng Ukraine vẫn tỏ ra đặc biệt ưa thích Patriot do Mỹ chế tạo.

Lý do giải thích bắt nguồn từ việc những hệ thống S-300 của Ukraine là phiên bản cũ, tính năng kỹ chiến thuật có nhiều hạn chế so với các tổ hợp đang phục vụ trong Quân đội Nga.

Cho dù có trải qua nâng cấp thì số vũ khí trên cũng chỉ cải thiện được phần nào năng lực chiến đấu của mình chứ không thể “lột xác” trở thành một tổ hợp phòng không hiện đại.

Trong khi đó, việc nghiên cứu chế tạo một phiên bản S-300 mới của riêng Ukraine, tương tự cách mà Kiev đang làm với pháo phản lực phóng loạt hay tên lửa đạn đạo chiến thuật tỏ ra khá tốn kém, nhưng chưa có gì bảo đảm sẽ tạo ra được vũ khí vượt trội.

Không chỉ có vậy, Quân đội Ukraine đang từng bước được “NATO hóa” nhằm sẵn sàng cho việc gia nhập khối quân sự này trong tương lai, bởi vậy giải pháp hợp lý hơn chính là chế tạo một tổ hợp hoàn toàn mới.

Truyền thông Ukraine mới đây cho biết, phòng thiết kế Yuzhnoye đang nghiên cứu phát triển hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới có tên Kilchen, vũ khí này được cho là có nhiều điểm tương đồng với Patriot của Mỹ.

Báo chí Ukraine tự tin khẳng định hệ thống phòng không này đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn của NATO, có thể chống lại đa dạng các loại mục tiêu trên không khác nhau, bao gồm cả máy bay chiến đấu được áp dụng công nghệ tàng hình.

Chi tiết đáng chú ý nhất nằm ở chỗ Kilchen có một trạm radar được thiết kế đặc biệt với khả năng quan sát khu vực xung quanh trong bán kính 400 km, và bản thân tên lửa đánh chặn có thể vươn tới cự ly 280 km, thông số rõ ràng cực kỳ ấn tượng.

Tuy nhiên như những gì thường xảy ra ở Ukraine, vẫn chưa có nguyên mẫu sản xuất thực sự, nhưng đã có nhiều bức ảnh đồ họa rất đẹp mắt được giới thiệu.

Điều thú vị tiếp theo nằm ở chỗ khung gầm xe mang phóng tự hành của Kilchen không phải sản phẩm của nhà máy Kremenchug KrAZ hiện đang trong tình trạng phá sản mà lại là xe MAN của Đức.

Trước thực tế trên, không chỉ người Nga mà chính các chuyên gia Ukraine cũng tỏ ra rất nghi ngờ về dự án này, cơ hội thực hiện thành công của nó bị đánh giá là rất nhỏ, căn cứ vào những gì từng xảy ra trong quá khứ.

Đã nhiều lần xảy ra trường hợp ngân sách quốc phòng được phân bổ cho các dự án vũ khí mới được sử dụng cho một mục đích khác, do vậy không có gì đảm bảo điều tương tự sẽ không xảy ra thêm một lần nữa.

Có thể nhắc lại một số ví dụ điển hình như pháo tự hành Bogdana cỡ 155 mm, tên lửa đạn đạo chiến thuật Grom 2... vẫn đang trong tình trạng chưa thể chế tạo hàng loạt vì cần phải hoàn thiện thêm.

Bên cạnh đó, ngoài hình dáng tương đối giống thì tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa Kilchen của Ukraine bị cho là chưa được tích hợp công nghệ đánh chặn bằng động năng nổi tiếng như đạn MIM-104F của phiên bản Patriot PAC-3.

Nhưng bất chấp những vấn đề còn tồn tại, hệ thống phòng không mới nhất của Ukraine chắc chắn vẫn khiến giới chức quân sự Nga phải theo dõi với con mắt lo ngại bởi nó có thể đe dọa nghiêm trọng đến máy bay hay tên lửa của họ.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm