Israel tiết lộ ưu điểm dùng chổi lau nhà vệ sinh F-35I
Iron Sting của Israel có thể thay đổi cục diện chiến trường / S-400 của Nga phát hiện F-35 của Israel chuẩn bị tấn công Syria
Hình ảnh được công bố bởi trang Aviationist cho thấy chi tiết về quá trình vệ sinh vỏ ngoài tiêm kích tàng hình F-35I của Không quân Israel, đây là một trong những công đoạn quan trọng nhằm bảo đảm khả năng tàng hình và tác chiến của phi cơ.
Nhân viên vệ sinh F-35I bằng chổi lau nhà. |
Thiếu tá Eddie, sĩ quan kỹ thuật Phi đoàn số 116 chuyên vận hành tiêm kích tàng hình F-35I nói: "Cần bảo đảm máy bay sạch sẽ vì khả năng tàng hình rất quan trọng.
Vẻ ngoài sẽ cho thấy phi cơ được bảo dưỡng và giữ sạch như thế nào. Bên cạnh đó, chất lượng hình ảnh từ cảm biến và camera có thể suy giảm nếu chúng không được vệ sinh đúng cách".
Sau khi thực hiện mỗi chuyến bay, vỏ ngoài F-35I, cũng như các loại máy bay khác, đều bị bào mòn bởi bụi và ma sát với không khí. Điều này khiến kỹ thuật viên mặt đất phải kiểm tra kỹ từng bề mặt và đường viền trên phi cơ, nhằm phát hiện hư hại hoặc vết trầy xước.
Thiếu tá Eddie cho biết thêm: "Có một số quốc gia sử dụng máy lau rửa khổng lồ cho phi cơ. Chúng tôi không như vậy, không quân Israel luôn lau chùi thủ công với loại xà phòng đặc biệt".
Điều gây bất ngờ theo tuyên bố của vị thiếu tá này là tất cả các tiêm kích thuộc Không quân Israel đều được vệ sinh theo cách thủ công, đó là binh sĩ dùng chổi lau nhà cọ rửa vài tuần một lần, tùy vào chủng loại và kích thước.
Công việc vệ sinh chiến đấu cơ như F-35I được coi là thử thách lớn nhất và chỉ được tiến hành khoảng 3 tháng một lần, mỗi lần kéo dài hai ngày. Thiếu tá Eddie cho biết thêm: "Ba kỹ thuật viên được giao nhiệm vụ này, kèm theo đó là một sĩ quan giám sát".
Do được thiết kế với lớp phủ tàng hình bên ngoài nên bất kỳ sự bào mòn và trầy xước cũng đều ảnh hưởng đến khả năng tàng hình của máy bay trước hệ thống phòng không của đối phương.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Israel lựa chọn phương pháp thủ công để vệ sinh máy bay bởi trong quá trình vệ sinh, kỹ thuật viên có thể thực hiện trong từng ngóc ngách và phát hiện ra sự cố trên thân vỏ. Công việc mà những hệ thống vệ sinh tự động không thể phát hiện được, ông Eddie cho biết thêm.
Không quân Israel (IAF) là lực lượng không quân thứ hai trên thế giới sau Mỹ đưa loại máy bay chiến đấu tàng hình F-35 vào hoạt động. Các nhà lãnh đạo của IAF tuyên bố, điều này đã cho phép Israel có được ưu thế trên không ở Trung Đông trong 40 năm tới.
Theo Tư lệnh IAF Amikam Norkin, tính năng tiên tiến hàng đầu thế giới của dòng máy bay này sẽ giúp Israel có đủ năng lực để giải quyết "những thách thức liên tục phát triển và biến động phức tạp" trong khu vực.
Chương trình F-35 đã gây ra sự tranh cãi to lớn vì thiết kế phức tạp của chúng đã làm cho loại máy bay này trở thành dòng chiến đấu cơ đắt thuộc tốp đầu thế giới. Mặc dù vậy, giới chức lãnh đạo Không quân Israel nhấn mạnh, giá thành đi đôi với chất lượng bởi hiệu quả hoạt động của nó thật ấn tượng.
F-35 được thiết kế khí động học tối ưu, một lớp sơn được chế tạo bằng công nghệ hấp thụ sóng radar mang tính cách mạng giúp cho nó có khả năng năng tàng hình rất mạnh, khiến hầu hết các radar hiện đại trên thế giới đều khó phát hiện ra.
Ông Amikam Norkin khẳng định, tiêm kích F-35 có thể thoát khỏi mắt thần của các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất trên thế giới như các hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất hiện nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo