Quốc tế

Tên lửa Hetz-4: Vũ khí đánh chặn của Israel trong thập kỷ tới

Theo Bộ Quốc phòng Israel, hệ thống phòng không Hetz-4 sẽ sử dụng các tên lửa đánh chặn thế hệ mới và dần thay thế các tổ hợp tên lửa cũ là Hetz-2 trong thập kỷ tới.

Nga chuẩn bị tấn công quy mô lớn bằng 40 tên lửa hành trình vào Syria từ Biển Đen / Patriot mất thị phần tại châu Âu

Israel và Hoa Kỳ đã bắt đầu phát triển tổ hợp tên lửa Hetz-4 (hay Arrow-4), dự kiến sẽ thay thế cho các hệ thống phòng thủ Hetz-2 và Hetz-3, vốn được chế tạo cách đây hai thập kỷ. Theo đó, Hetz-4 sẽ bổ sung vào lớp lá chắn tiếp theo trong hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng của Israel trong tương lai.

Phát triển tên lửa đánh chặn thế hệ mới

Thông tin về việc phát triển tổ hợp tên lửa Hetz-4 được công bố sau cuộc điện đàm hồi tháng 2-2021 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Các phương tiện truyền thông Israel sau đó bình luận rằng, đây được xem là một thông điệp cảnh báo rõ ràng của Mỹ và Israel đối với các đối thủ trong khu vực, như Iran.

Tổ hợp tên lửa Hetz-4 do Israel và Mỹ phát triển. Ảnh: iai.co.il.

Jacob Ghalifat, giám đốc công ty tiếp thị của Tập đoàn Israel Aerospace Industries, nhà thầu chính của dự án trên cho biết: “Tổ hợp tên lửa Hetz của Israel Aerospace Industries, là một trong những vũ khí đánh chặn tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới, sẽ tiếp tục được nâng cấp nhằm gia tăng sức mạnh tác chiến. Với phiên bản Hetz-4, nó sẽ trở thành hệ thống tên lửa đánh chặn tiên tiến nhất trên thế giới và gia tăng mức độ bảo vệ nhà nước và người dân Israel”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cho biết, hệ thống này sẽ được thiết kế để “bảo vệ Israel khỏi các mối đe dọa thường xuyên ở Trung Đông và trên toàn thế giới, cũng như để tự vệ trong trường hợp xảy ra chiến tranh trong tương lai”.

Các nhà phát triển Israel và Mỹ cũng trông đợi về khả năng hệ thống mới có thể chống lại các mối đe dọa cả trong khí quyển và trên tầng bình lưu. Trước đó, tổ hợp Hets-2 của Israel được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo có tầm bay tới 3.000km, còn tổ hợp Hets-3 được thiết kế để đánh chặn tên lửa trong không gian vũ trụ ở khoảng cách 400km đến 2.500km và ở độ cao lên tới 100km.

Tổ hợp Hetz-2 được đưa vào trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Israel năm 2000, lần đầu tiên nó được sử dụng trong chiến đấu vào tháng 3-2017. Quá trình phát triển Hetz-3 bắt đầu vào năm 2009. Hetz-3 được chuyển giao vào năm 2017 và vào tháng 3 cùng năm. Nó được sử dụng để đánh chặn tên lửa phòng không phóng từ Syria. Hetz-3 đã được thử nghiệm thành công ở Alaska vào tháng 7-2019.

Mua thêm vũ khí

 

Theo các điều khoản hợp tác với Mỹ, Israel sẽ nhận được 500 triệu USD tài trợ hằng năm cho hệ thống phòng không đa tầng của mình. Theo đó, hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng của Israel cũng bao gồm các hệ thống Iron Dome (Vòm sắt) và David's Sling, được thiết kế để đánh chặn tên lửa tầm ngắn, tầm trung và đạn cối.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt của Israel.

Trong khi đó, Không quân Israel dự định sử dụng tài trợ quân sự của Mỹ để mua máy bay chiến đấu, tàu chở dầu và trực thăng của Mỹ, với tổng trị giá lên tới 9 tỷ USD. Theo Defense news, Tel Aviv hy vọng sẽ che lấp khoảng trống trên không và tạo ra lợi thế quân sự trước bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào trong khu vực.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, Israel sẽ sử dụng cả các cơ chế tài chính hiện có và các khoản vay mới. Khoản đầu tiên sẽ đến từ nguồn tài trợ quân sự nước ngoài hằng năm do Washington cung cấp, theo một biên bản ghi nhớ năm 2016 giữa Mỹ và Israel.

Quyết định này vốn bị hoãn lại do những bất đồng về việc tài trợ một phần các giao dịch mua bằng các khoản vay. Bộ Tài chính Israel đã phản đối kế hoạch này. Tuy nhiên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz và Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel, tướng Aviv Kohavi ủng hộ quyết định này.

Về máy bay chiến đấu, Israel đang cân nhắc mua phiên bản F-35 và F-15EX. Điều này là khá rõ khi Không quân Israel đã sử dụng phiên bản F-35I Adir của mình để đánh bại các mục tiêu của Iran ở Syria, cũng như các mục tiêu ở Lebanon và nhiều vùng lãnh thổ khác trong khu vực.

 

Về máy bay tiếp dầu, Israel hiện đang sử dụng những chiếc Boeing 707. Theo đó, Lực lượng không quân nước này nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải mua khoảng 6 chiếc máy bay vận tải chiến lược và tiếp nhiên liệu trên không KC-46, do Boeing phát triển. Việc mua thêm các phương tiện này sẽ cung cấp thêm năng lực và khả năng tiếp nhiên liệu, mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay chiến đấu của Không quân Israel.

Ngoài ra, Israel cũng đang tìm cách thay thế đội máy bay trực thăng đã già cỗi. Không quân nước này đang cần những chiếc trực thăng có khả năng cất cánh thẳng đứng, cơ động với lực lượng mặt đất và thiết bị quân sự thông thường trong các khu vực xung đột, cũng như hỗ trợ các lực lượng hoạt động đặc biệt và hỗ trợ phi công bị bắn rơi. Theo đó các trực thăng như CH-47F và Sikorsky CH-53K được xem xét và lên kế hoạch mua sắm.

Các chuyên gia tin rằng, việc hợp tác chế tạo tổ hợp tên lửa đánh chặn Hetz-4, cũng như mua thêm các máy bay mới của Mỹ sẽ làm tăng khả năng tác chiến của các lực lượng vũ trang Mỹ và Israel. Đồng thời tăng lợi thế của Israel trong cuộc chiến chống lại bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào trong khu vực.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm