Không thể tin nổi khi B-52 và F-15 rụng đuôi, mất cánh vẫn về căn cứ an toàn
Hai tàu chiến Mỹ chở tên lửa hành trình tới vùng biển gần Iran / Tên lửa Buk-M1 Ukraine bắn hạ oanh tạc cơ chiến lược siêu thanh Tu-22M3 Nga
Những trường hợp "vượt khó" vô cùng hy hữu dưới đây cho thấy chất lượng chế tạo và tính năng kỹ chiến thuật cực tốt của máy bay ném bom và tiêm kích do Mỹ sản xuất.
Vụ việc đầu tiên diễn ra vào ngày 10/1/1964, chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52H số hiệu 61-023 do phi công thử nghiệm Chuck Fisher cùng phi hành đoàn 3 người điều khiển đã gặp nạn ở độ cao 4.200 m, phía trên dãy núi Sangre de Christo, phía Bắc bang New Mexico.
Chiếc B-52 này đang ghi lại số liệu để đánh giá xem việc bay ở độ cao thấp với tốc độ lớn và thực hiện các động tác thao diễn phức tạp sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến khung máy bay.
Không may thử nghiệm đã diễn ra theo một kịch bản chẳng ai nghĩ tới, khi một luồng nhiễu động không khí đã xuất hiện và đã xé toạc phần cánh đuôi đứng ra khỏi thân chiếc B-52.
Chiếc B-52H vẫn tiếp tục bay mặc dù bị mất phần cánh đuôi đứng
Đây là một sự cố cực kỳ nghiêm trọng, đa phần các phi công sẽ lựa chọn giải pháp nhảy dù nhằm đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, ở trường hợp này, phi hành đoàn đã bình tĩnh và xử lý rất tốt tình huống, thăng bằng của máy bay vẫn được duy trì mà không cần cánh đuôi đứng.
Sáu giờ sau đó, với sự trợ giúp từ mặt đất, phi công Fisher đã lập nên kỳ tích lần đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại là hạ cánh thành công chiếc B-52 "tàn tật" mà không bị thêm một thiệt hại nào khác.
Thành công của chiếc B-52 khi hạ cánh trong điều kiện mất cánh đuôi đứng được cho là có tác động không nhỏ tới ý tưởng thiết kế máy bay tàng hình B-2 Spirit sau này.
Chiếc tiêm kích F-15D của phi công Zivi Nedivi hạ cánh an toàn sau khi xảy ra vụ va chạm
Sự kiện hy hữu khác xảy ra vào năm 1983, trong một cuộc diễn tập giữa 2 chiếc F-15D và 4 chiếc A-4N của Không quân Israel trên bầu trời sa mạc Negev, chiếc F-15 Eagle số hiệu 957 có tên "Markia Shchakim" do phi công Zivi Nedivi điều khiển đã va chạm mạnh với chiếc A-4 Skyhawk.
Nedivi cho biết lúc đó ông chưa biết chuyện gì xảy ra mà chỉ cảm thấy choáng váng và nhìn thấy quả cầu lửa cực lớn khi chiếc A-4 nổ tung. Sau đó, viên phi công nhận ra rằng máy bay của mình hỏng nặng khi một lượng lớn nhiên liệu bị rò rỉ từ phía cánh phải.
Mặc dù được phép nhảy dù nhưng Nedivi quyết định cứu máy bay, do khói lửa trùm kín phần thân phải nên ông không nhận ra chiếc F-15 chỉ còn một bên cánh.
Chiếc F-15 bị mất thăng bằng nghiêm trọng và lộn vòng. Trước tình hình đó, Nedivi khởi động thùng nhiên liệu phụ, tăng tốc, tái kiểm soát tình hình, cố gắng lết về sân bay gần nhất cách đó 16 km.
Cận cảnh phần cánh phải của chiếc F-15D đã bị xé toạc khỏi thân
Tới căn cứ, Nedivi hạ thấp đuôi và hạ cánh với tốc độ khoảng 480 km/h, gấp đôi vận tốc tiêu chuẩn, dù cho móc đuôi (dùng trong trường hợp hạ cánh khẩn cấp) bị giật bay mất, ông vẫn xoay trở giúp chiếc F-15 dừng lại chỉ cách rào chắn an toàn phía cuối đường bằng có 10 m.
Sau khi rời buồng lái, viên phi công này mới biết rõ chuyện gì xảy ra với chiếc F-15 của mình. Các kỹ sư chế tạo ra chiếc F-15 này thậm chí còn không tin nổi điều đã diễn ra cho tới khi họ được nhìn tận mắt.
Khi nghe tin, nhà sản xuất McDonnell Douglas khẳng định không thể có chuyện F-15 tiếp đất chỉ với một cánh cho đến khi xem ảnh. Theo các chuyên gia, ngoài thao tác của phi công, nhờ cả vào lực nâng của cửa hút gió và thân máy bay mà chiếc chiến đấu cơ này đã lập được kỳ tích độc nhất vô nhị trên.
Sau đó chiếc F-15D được sửa chữa và lại tiếp tục phục vụ trong Không quân Israel. Thậm chí, đến ngày 19/11/1985, nó còn lập chiến công bắn hạ một tiêm kích MiG-23 của Syria.
End of content
Không có tin nào tiếp theo