Quốc tế

Không thể xóa sổ COVID-19, các nước Đông Nam Á sẽ sống chung với virus như thế nào?

Một số quốc gia Đông Nam Á đã thừa nhận không thể xóa sổ COVID-19 và chuẩn bị để người dân bước vào giai đoạn coi COVID-19 là “bệnh đặc hữu”, theo đó nhấn mạnh đến việc sống chung với virus và khuyến khích trách nhiệm cá nhân.

Lầu Năm Góc bất lực nhìn Taliban bay trên Black Hawk / Mỹ gây bất ngờ với tuyên bố trang bị tên lửa AGM-183A

Malaysia

Malaysia đã dịch chuyển sang chiến lược chống COVID-19 mới khi Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế của nước này đang chuẩn bị để người dân bước vào giai đoạn "bệnh đặc hữu" của COVID-19 [bệnh đặc hữu (endemic) được định nghĩa là bệnh xuất hiện và thường lây lan trong dân số ở một khu vực địa lý nhất định mà không có các yếu tố đầu vào bên ngoài – ND], tức là người dân Malaysia sẽ phải học cách và thực hiện trách nhiệm cá nhân.

Malaysia đang chuẩn bị để bước sang giai đoạn "bệnh đặc hữu" của Covid-19. Ảnh: Reuters
Malaysia đang chuẩn bị để bước sang giai đoạn "bệnh đặc hữu" của COVID-19. Ảnh: Reuters

Tân Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob đã dành 2 tuần đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình nhấn mạnh rằng, các đột biến của virus SARS-CoV-2 xuất hiện đồng nghĩa với việc dịch COVID-19 sẽ tiếp tục lây lan thậm chí với tỷ lệ tiêm vaccine cao.

Ngày 1/9, Bộ trưởng Y tế mới được bổ nhiệm Khairy Jamaluddin không lãng phí thời gian mà bắt tay ngay vào việc vạch ra các kế hoạch dài hạn nhằm đối phó với COVID-19 sau 1 năm các lệnh phong tỏa ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin từng hy vọng sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng với chiến dịch tiêm vaccine của Malaysia nhưng các chuyên gia cho rằng điều này đã không còn trở nên khả thi do sự xuất hiện của các ca đột phá giữa những người đã được tiêm vaccine và bản chất đột biến của virus. Cựu Thủ tướng Malaysia trước đó đặt ra kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế vào cuối tháng 10 sau khi Malaysia tiêm chủng cho toàn bộ người trưởng thành.

Ông Khairy, người từng là Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia trong nội các của cựu Thủ tướng Muhyiddin, đã dẫn dắt chương trình tiêm chủng của Malaysia trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ cao nhất thế giới.

Hiện nay, với vai trò là Bộ trưởng Y tế, ông Khairy được giao phụ trách cả 2 mảng là phản ứng của cơ quan y tế trước dịch bệnh và chương trình tiêm chủng.

 

Bộ trưởng Y tế Khairy đã vạch ra một kịch bản sống chung với COVID-19 thông qua việc yêu cầu xét nghiệm thường xuyên, đeo khẩu trang bắt buộc và cách ly tại nhà với những người mắc bệnh.

"Chúng ta cần chấp nhận thực tế rằng mặc dù chúng ta đưa đại dịch này vào tầm kiểm soát thì sẽ đến thời điểm COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu và vì thế, chúng ta phải thực hiện các biện pháp để sống chung với virus", ông Khairy nhận định.

Nhận định của Bộ trưởng Y tế cũng được Thủ tướng Ismail tán thành. Ngày 2/9, Thủ tướng Malaysia đã thông báo về việc mở "bong bóng đi lại" với đảo Langkawi ở phía bắc bắt đầu từ 16/9. Mặc dù thông tin chi tiết chưa được thông báo nhưng kế hoạch này dự kiến sẽ chỉ giới hạn với du khách nội địa đã được tiêm vaccine đầy đủ.

"Bộ Y tế được giao nhiệm vụ trình một kế hoạch mới cho tình hình đại dịch và bệnh đặc hữu bên cạnh việc tuân thủ các quy trình vận hành tiêu chuẩn", Thủ tướng Ismail cho biết. Ông Khairy cam kết sẽ có một bộ quy tắc y tế dễ dàng thực hiện và phổ biến rộng khắp tới người dân. Các chuyên gia y tế đánh giá động thái này là kịp thời và sự dịch chuyển trong thông điệp này sẽ nhanh chóng được người dân tiếp nhận.

"Những thay đổi trong những bằng chứng khoa học gần đây cho thấy việc đạt được miễn dịch cộng đồng là bất khả thi. Theo quan điểm của tôi, công chúng không có vấn đề gì trong việc hiểu về tình hình này", nhà dịch tễ học Malaysia thuộc Đại học Putra Malaysia - Malina Osman nhận định.

 

Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Y tế cộng đồng Malaysia Zainal Ariffin Omar cho biết với Straits Times rằng, các chuyên gia đã đề xuất nên dịch chuyển sang giai đoạn giảm nhẹ tác động của dịch bệnh trước đó.

Malaysia ghi nhận số ca mắc kỷ lục là 20.988 trường hợp ngày 2/9 với đường cong dịch bệnh đã đi ngang ở những khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine cao như Thung lũng Klang trong khi tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo cấp số nhân ở những khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine thấp hơn.

Số ca tử vong ngày 2/9 ở nước này là 249 trường hợp với 80 ca ở bên ngoài các bệnh viện. Việc sử dụng các Phòng Chăm sóc Tích cực ở Malaysia hiện ở mức 90%. Khoảng 85,1% người trưởng thành Malaysia đã nhận được ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19 trong khi 65,1% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ.

Indonesia

Chính phủ Indonesia trong những tuần gần đây dường như đã có sự dịch chuyển trong trọng tâm chống COVID-19 khi chuyển từ việc đối phó với COVID-19 như một đại dịch sang một bệnh đặc hữu.

 

Nước láng giềng Singapore đã bắt đầu thực hiện điều này và Malaysia cho biết quốc gia này cũng sẽ thực hiện theo hướng đi đó từ cuối tháng 10.

Các chuyên gia y tế cho rằng Indonesia vẫn còn một chặng đường dài để đánh bại đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters
Các chuyên gia y tế cho rằng Indonesia vẫn còn một chặng đường dài để đánh bại đại dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết ngày 23/8 rằng, chính phủ đang xây dựng các quy tắc để "sống chung với COVID-19" và điều này bao gồm cả việc tăng cường tỷ lệ tiêm vaccine cũng như cải thiện tỷ lệ xét nghiệm và truy vết tiếp xúc.

Indonesia đã chật vật trong việc đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng qua chiến dịch tiêm vaccine, một nỗ lực bị kéo lùi bởi làn sóng lây nhiễm mới từ tháng 6, chủ yếu do biến thể dễ lây nhiễm Delta gây nên.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại quốc gia này đã phần nào dịu đi khi số ca mắc giảm xuống dưới 10.000 và số ca tử vong giảm xuống dưới 1.000, mặc dù Indonesia vãn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực với hơn 4,1 triệu ca mắc và hơn 134.000 ca tử vong. Nước này cũng vẫn có tỷ lệ tử vong hàng ngày cao nhất trên toàn cầu.

Hiện nay, 31% dân số trong số 208 triệu người đủ điều kiện của Indonesia - quốc gia đông dân thứ tư thế giới, đã nhận được mũi vaccine đầu tiên trong khi gần 18% dân số được tiêm vaccine đầy đủ - vẫn rất xa mục tiêu 70% dân số được tiêm vaccine mà chính phủ đặt ra để đạt được miễn dịch cộng đồng.

 

Dù vậy, bất chấp việc tăng cường tỷ lệ tiêm vaccne, nguồn cung vaccine hạn chế trên toàn cầu đồng nghĩa với việc đạt được miễn dịch cộng đồng của Indonesia sẽ kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu, vốn đặt ra vào cuối năm nay.

Các chuyên gia y tế cho biết Indonesia vẫn còn một chặng đường dài để vượt qua đại dịch. Chuyên gia Hermawan Saputra thuộc Hiệp hội Chuyên gia Y tế Cộng đồng Indonesia cho biết, nguồn cung vaccine vẫn hạn chế va không thể cung cấp cho các khu vực xa xôi ngoài đảo Java như Kalimantan, Sulawesi và Papua.

"Thậm chí dù nỗ lực hết sức, Indonesia chỉ có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào năm 2022 tới 2023", chuyên gia này đánh giá.

Chuyên gia Hermawan cho rằng Indonesia phải chuẩn bị cho thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định hướng lại COVID-19 là một bệnh đặc hữu. Một cách để thực hiện điều này đã đưa ra các chương trình phù hợp dựa trên cộng đồng để kiểm soát sự lây lan của virus.

"Để ngăn chặn đại dịch kéo dài ở Indonesia, chúng ta cần thúc đẩy nhiều sáng kiến dựa trên cộng đồng hơn trong việc cung cấp sự hỗ trợ ban đầu. Nếu ai đó mắc bệnh, cộng đồng của họ có thể kết nối với các cơ sở y tế và trong trường hợp tình trạng bệnh ít nghiêm trọng hơn, những người mắc bệnh có thể được cung cấp sự hỗ trợ, từ hậu cần tới sức khỏe tinh thần".

 

Bà Masdalina Pane thuộc Hiệp hội các nhà dịch tễ học Indonesia cho biết, điều kiện để dịch COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu là các quốc gia phải đưa số ca mắc xuống dưới mức 20 ca/100.000 người và tỷ lệ tử vong dưới 1/100.000 người. Các nước cũng phải duy trì tỷ lệ dương tính dưới 5% và tỷ lệ nhập viện chỉ là 5/100.000 người.

Vào ngày 3/9. số ca mắc ở Indoneisa là 20,99/100.000 người và tỷ lệ tử vong là 1,75/100.000 người. Tỷ lệ dương tính là 10,36% trong khi tỷ lệ nhập viện là 12,32/100.000 người, Bộ Y tế Indonesia cho hay.

Theo chuyên gia này, Indonesia có thể giảm sự phụ thuộc vào nguồn vaccine, kit xét nghiệm, thuốc điều trị và thiết bị y tế, chẳng hạn như máy thở bằng cách tự sản xuất.

"Chừng nào chúng ta vẫn còn phụ thuộc vào các nước khác, tình hình vẫn sẽ khó khăn", bà Pane nhận định.

Bước vào giai đoạn bệnh đặc hữu cũng yêu cầu mọi người có trách nhiệm hơn với sức khỏe của chính mình. Cộng đồng "cũng phải làm phần việc của mình" và xét nghiệm bất kỳ khi nào có triệu chứng.

 

Singapore

Singapore sẽ tiếp tục giai đoạn chuẩn bị mở cửa trở lại, dựa vào chiến lược tiêm vaccine và xét nghiệm để kiểm soát tình hình COVID-19 giữa bối cảnh số ca mắc tăng vọt gần đây. Trong một thông báo mới cập nhật về tình hình COVID-19 ngày 3/9, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong cho biết sẽ không có kế hoạch nới lỏng hay thắt chặt các biện pháp hạn chế trong giai đoạn này khi Singapore dịch chuyển sang sống chung với dịch bệnh.

Singapore sẽ tiếp tục dựa vào chiến dịch tiêm vaccine và xét nghiệm để kiểm soát tình hình dịch Covid-19. Ảnh: Lim Yaohui
Singapore sẽ tiếp tục dựa vào chiến dịch tiêm vaccine và xét nghiệm để kiểm soát tình hình dịch COVID-19. Ảnh: Lim Yaohui

Lực lượng tác chiến chống COVID-19 đa bộ, đơn vị mà ông Wong là đồng chủ tịch sẽ thắt chặt các biện pháp chỉ như "một phương sách cuối cùng" nhằm đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải.

Singapore sẽ không nới lỏng các biện pháp vào thời điểm chuyển giao này khi tính tới độ trễ về thời gian giữa sự bắt đầu các ca mắc và giai đoạn bệnh diễn biến nghiêm trọng, ông Wong cho hay.

Singapore ghi nhận 216 ca mắc mới trong cộng đồng ngày 3/9, trong đó có 109 ca không xác định nguồn lâu. Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Wong cho rằng sự gia tăng gần đây về số ca mắc không phải là điều bất ngờ bởi nhiều người ra ngoài hơn sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế trước đó.

 

Tuy nhiên, Singapore cũng đã ở trong một giai đoạn mới với độ phủ vaccine cao. Chính phủ sẽ tiếp tục giám sát tình hình và mở rộng hệ thống xét nghiệm cũng như tỷ lệ tiêm chủng của đất nước.

Về sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây nhiễm, Bộ Y tế Singapore sẽ bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường cho 2 nhóm, bao gồm những người bị suy giảm miễn dịch từ mức độ trung bình tới nghiêm trọng và những người từ 60 tuổi trở lên cũng như những người trong các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết, 85% dân số người này đã được tiêm vaccine đầy đủ.

Bộ trưởng Tài chính Wong nhấn mạnh: "Chúng ta đã đạt được tỷ lệ tiêm vaccine rất cao. Chúng ta là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine, và giờ chúng ta nên trở thành một quốc gia đi đầu cả về xét nghiệm, nơi mà việc xét nghiệm trở thành một cách sống".

Ông Wong cho rằng, mọi người, bao gồm cả những người đã tiêm vaccine đầy đủ, nên tự xét nghiệm thường xuyên bằng bộ kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) như một "trách nhiệm xã hội". Singapore đang có các chiến lược thông qua việc phân phối các bộ kit xét nghiệm ART tới từng hộ gia đình, đánh giá các bộ kit xét nghiệm mới để bán tại các cửa hàng bán lẻ và các nền tảng thương mại điện tử, cũng như mở rộng các địa điểm xét nghiệm để khiến người dân dễ dàng tiếp cận cũng như tự xét nghiệm hơn.

 

Bộ trưởng Y tế Ong cho rằng, trách nhiệm cá nhân và sự linh hoạt của cộng đồng là "những hàng rào phòng thủ xen kẽ" nhằm kiểm soát tình hình bởi hiện nay chính phủ đang hạn chế thắt chặt các biện pháp.

"Tôi nghĩ hầu hết chúng ta, nếu không muốn nói là tất cả chúng ta đều không muốn quay lại (các biện pháp hạn chế - ND). Vì thế, chúng ta phải dựa vào các hàng rào phòng thủ xen kẽ này".

Những "hàng rào phòng thủ trên" gồm có tiêm vaccine, tuân thủ các biện pháp an toàn, đeo khẩu trang đúng cách, không lan truyền những thông tin sai lệch và một số biện pháp khác.

Ông Wong khẳng định: "Giai đoạn tiếp theo của cuộc hành trình này phụ thuộc lớn vào nhận thức và trách nhiệm xã hội của mọi người. Vì thế, hãy tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh bạn".

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm