Máy bay mới – tâm điểm triển lãm hàng không lớn nhất châu Á
Mỹ tăng thuế đối với máy bay sản xuất ở Châu Âu / Israel lại đặt bẫy như vụ Syria bắn hạ máy bay Nga?
Cổng vào Trung tâm Triển lãm Changi ở Singapore, nơi Singapore Airshow 2020 diễn ra từ ngày 11 tới 16/2, được lắp đặt một số máy quét thân nhiệt. Thay vì bắt tay nhau, nhiều người tham dự sự kiện hàng không và quốc phòng lớn nhất châu Á này cúi đầu chào hoặc vẫy tay.
Khu trưng bày máy bay có khoảng 30 chiếc được sản xuất ở 7 nước, gồm Ý, Pháp, Mỹ, Brazil, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Các máy bay này thuộc 3 hạng mục: quân sự, dân dụng và lưỡng dụng (cả quân sự và dân sự).
Các máy bay trưng bày được thuộc 15 thể loại, bao gồm máy bay thương mại, máy bay chiến đấu, máy bay huấn luyện quân sự, máy bay tiếp liệu trên không, máy bay không người lái, máy bay trực thăng, máy bay tuần thám biển…
Đông đảo quan chức quốc phòng, doanh nhân trong lĩnh vực hàng không, chuyên gia, du khách nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, dừng chân lâu hơn trước những chiếc máy bay lần đầu tiên xuất hiện ở châu Á hoặc Đông Nam Á với những tính năng chưa từng có, cũng như những mẫu phi cơ đã đi vào hoạt động và mới được nâng cấp với những tính năng đặc biệt.
Prime ISP – Con mắt của quân đội
Prime ISP (do Công ty Blackshape của Ý sản xuất) lần đầu tiên ra mắt công chúng là tại Singapore Airshow 2020. Đây là loại máy bay quân sự nửa không người lái (UAV) nửa có người lái. Tức là có thể điều khiển tự động bằng hệ thống máy tính hoặc do một phi công lái.
Được thiết kế cho các nhiệm vụ tuần tra, giám sát, bảo vệ lực lượng nên Prime ISP được coi là “con mắt của quân đội”, truyền trực tiếp hình ảnh, video, dữ liệu cho trung tâm điều khiển mặt đất. Mặt khác, có thể dùng Prime ISP để huấn luyện vận hành UAV vừa hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí.
Người học đứng trên mặt đất toàn quyền điều khiển Prime ISP theo ý mình, nhưng với sự có mặt của một phi công giỏi trong buồng lái. Hai người có thể phản hồi trực tiếp, tương tác với nhau qua hệ thống liên lạc tích hợp hoặc bộ phát vệ tinh.
Bình thường, viên phi công chỉ quan sát bảng điều khiển, kết quả vận hành máy bay của học viên. Nhưng nếu thấy học viên trên mặt đất thao tác sai (do non kinh nghiệm, thiếu kiến thức, liên lạc gián đoạn, phần mềm lỗi…), có thể khiến chiếc UAV gặp nạn, hư hỏng, viên phi công sẽ chuyển sang nắm quyền điều khiển, biến máy bay không người lái thành có người lái, để chủ động xử lý tình huống.
“Với tính năng độc đáo “nửa nọ nửa kia” và bước đột phá về quản lý rủi ro như vậy, chúng tôi hy vọng Prime ISP sẽ giúp thay đổi hệ thống đào tạo UAV tiêu chuẩn trong thập kỷ mới”, ông Luciano Belviso - người sáng lập, giám đốc điều hành Blackshape nói.
Prime ISP có thùng nhiên liệu chống nổ, dù cứu hộ máy bay, càng đáp 3 chân có thể thu lại, kích hoạt bằng điện, bộ điều khiển cánh quạt ở ghế sau và “sẽ được xuất xưởng từ quý I năm nay, tại thị trường Đông Nam Á là thông qua nhà phân phối Asia Security Technology (một công ty có trụ sở ở Singapore) và giá khá là “mềm”, ông Belviso cho biết.
Blackshape còn một sản phẩm nữa cũng thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn là Gabriel BK 160 – loại máy bay 2 chỗ ngồi dùng để huấn luyện phi công dân sự cũng như quân sự.
Có khung làm bằng sợi carbon, buồng lái kính hiện đại, cần điều khiển đôi, dù cứu hộ, 2 thùng nhiên liệu chống nổ, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến (điều khiển bay đa năng, giám sát động cơ, cảnh báo mất tốc độ, phát định vị khẩn cấp…), Gabriel BK 160 giúp học viên phi công nhanh chóng hoàn thiện kỹ năng bay mà không phải nỗ lực quá sức, cũng như giảm thiểu nguy cơ mất an toàn.
“Gabriel BK 160 có một tính năng rất hay là camera. Nó cho phép giảng viên nhìn thấy phản ứng, biểu hiện trên gương mặt của học viên, nắm bắt đúng tâm lý, khả năng phản xạ của họ để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp”, ông Shalom Shaphyr, một phi công kỳ cựu người Israel, Chủ tịch Công ty Sky Media, cho biết.
Theo ông Shalom, Gabriel BK 160 đã được quân đội và các hãng hàng không ở nhiều nước sử dụng, như Ý, Hà Lan, Canada…
Hãng Dassault Aviation của Pháp lần đầu tiên giới thiệu Dassault Falcon 6X tại một triển lãm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tại Singapore Airshow 2020, chiếc máy bay kềnh càng này chưa góp mặt phiên bản hoàn thiện, chỉ có mô hình cabin.
Dassault Falcon 6X là loại chuyên cơ thương mại cỡ lớn (có cabin cao nhất và rộng nhất trong dòng máy bay này), tầm xa (tầm bay 10.186 km), có tốc độ tối đa 685 km/h, sử dụng động cơ Pratt & Whitney Canada PW800. Chuyến bay đầu tiên dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021.
Hành khách trên Dassault Falcon 6X có thể thoải mái làm việc hoặc nghỉ ngơi trên các chuyến bay yên ắng thẳng tuột từ Los Angeles tới Geneva, từ Sao Paulo tới London, từ Bắc Kinh tới San Francisco, từ Moscow tới Singapore…
E195-E2 - Máy bay thân thiện với môi trường
E195-E2 là loại máy bay mới nhất và lớn nhất trong dòng E-JetE2 của Công ty Embraer (Brazil). Loại máy bay tầm trung chở được 146 hành khách này có độ phát thải và tiếng ồn bên ngoài thấp nhất.
Sử dụng động cơ thế hệ mới, công nghệ điều khiển điện tử thế hệ 4, E195-E2 giảm đốt nhiên liệu được 17,3%.
Chương trình phát triển dòng E-JetE2 có tổng chi phí 1,7 tỷ USD và chuyến bay đầu tiên diễn ra vào tháng 5/2016.
Theo Ban tổ chức Singapore Airshow 2020, triển lãm năm nay (gồm nhiều hoạt động như trưng bày phi cơ, biểu diễn nhào lộn trên không, tổ chức diễn đàn doanh nghiệp…) thu hút sự tham gia của khoảng 930 công ty từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 45.000 người tham dự với mục đích thương mại.
Có 5 đội bay biểu diễn thuộc Không quân Singapore (sử dụng chiến đấu cơ F15 và trực thăng tấn công Apache), Không quân Trung Quốc (đội bay Bát Nhất), Không quân Thái Bình Dương của Mỹ (máy bay tiêm kích thế hệ năm F22 Raptor), Thủy quân lục chiến Mỹ (máy bay chiến đấu đa nhiệm tàng hình F35B) và Không quân Mỹ (máy bay ném bom B52 Stratofortress).
End of content
Không có tin nào tiếp theo