Quốc tế

Mỹ nghiên cứu tích hợp thiết bị laser không gây chết người và vi sóng cho MQ-9 Reaper

Nhằm mở rộng và nâng cao tính năng vũ khí cũng như thành phần lực lượng sử dụng, các chuyên gia Hải quân Mỹ đang nghiên cứu tích hợp các loại vũ khí phi sát thương phi truyền thống cho các máy bay không người lái cỡ nhỏ và các phương tiện có người lái.

Nga cung cấp vũ khí mới cho Belarus / Mỹ với chiến lược bán vũ khí 'hết đát' cho đồng minh

“Tử thần” MQ-9

MQ-9 Reaper (còn gọi là Predator B) là một máy bay không người lái (Unmanned Aerial Vehicle - UAV) có khả năng điều khiển từ xa hoặc thực hiện các hoạt động bay độc lập, được phát triển bởi General Atomics Aeronautical Systems (GA-ASI) chủ yếu cho Không quân Mỹ (USAF). Trước Chiến dịch Iraqi Freedom, MQ-9 - UAV đầu tiên được thiết kế cho nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát tầm cao - được chuyển thành một máy bay không người lái “sát thủ” thực sự với biệt danh “Tử thần” (“Reaper”).

MQ-9 Reaper là một máy bay lớn hơn, nặng hơn và có khả năng hoạt động tốt hơn so với General Atomics MQ-1 Predator (“Thú săn mồi”) trước đó; nó có thể được điều khiển bởi cùng một hệ thống mặt đất được sử dụng để điều khiển MQ-1. Reaper có động cơ phản lực cánh quạt 950 mã lực (712 kW) (so với động cơ piston 115 mã lực (86 kW) của Predator), cho phép Reaper mang tải trọng vũ khí gấp 15 lần và hành trình với tốc độ gấp khoảng 3 lần so với MQ-1.

Số lượng UAV sử dụng cho mục đích quân sự ngày càng tăng; Nguồn: wikimedia.org
Số lượng UAV sử dụng cho mục đích quân sự ngày càng tăng; Nguồn: wikimedia.org

MQ-9 Reaper được giám sát và điều khiển bao gồm cả việc sử dụng vũ khí bởi kíp vận hành của Trạm Kiểm soát Mặt đất (Ground Control Station - GCS). Ngoài Không quân Mỹ, Reaper cũng được sử dụng trong lực lượng Hải quan, lực lượng Bảo vệ Biên giới Mỹ, và quân đội của 11 quốc gia khác. Tính đến tháng 9/2016, Không quân Mỹ đã vận hành 195 MQ-9 Reaper, và có kế hoạch duy trì hoạt động MQ-9 vào những năm 2030; hiện nay, theo PBS International, chỉ riêng ở Mỹ, hơn 7.000 máy bay không người lái khác nhau đang được sử dụng cho các mục đích quân sự.

Nhu cầu không mới

Trong lịch sử, quân đội được chọn hoặc sử dụng vũ lực gây chết người hoặc hoàn toàn không sử dụng vũ lực. Việc sử dụng quân đội chính quy thiếu trang bị và huấn luyện thích hợp cho các nhiệm vụ như kiểm soát bạo loạn và kiểm soát dân sự thường dẫn đến kết quả đẫm máu và bị ảnh hưởng về mặt chính trị. Một thế hệ vũ khí phi sát thương mới và sự xuất hiện của những chiếc máy bay không người lái nhỏ có thể tích hợp chúng tạo ra những lựa chọn mới cho các lực lượng chiến tranh vùng xám và các lực lượng đặc biệt, đặc nhiệm...

Một robot có thể giải tán những kẻ bạo loạn bằng tia laser không gây chết người hoặc thiết bị vi sóng sẽ là một giải pháp tuyệt vời. Lầu Năm Góc đang muốn trang bị vũ khí phi sát thương, bao gồm vũ khí năng lượng định hướng như tia laser công suất thấp và chùm vi sóng, cũng như các vũ khí quen thuộc hơn, như lựu đạn gây choáng và bom thối… cho các máy bay không người lái cỡ nhỏ và các phương tiện có người lái, các phương tiện mặt đất có người lái và robot, cũng như tàu chiến mặt nước và dưới nước của hải quân.

Chức năng của các UAV sẽ không ngừng được mở rộng, từ trinh sát đến chiến đấu và thực thi pháp luật; Nguồn: wikimedia.org
Chức năng của các UAV sẽ không ngừng được mở rộng, từ trinh sát đến chiến đấu và thực thi pháp luật; Nguồn: wikimedia.org

Những vũ khí này, được gọi là Intermediate Force Capability (tạm dịch là “Khả năng Cưỡng bức mức trung bình”), bao gồm: tia laser làm lóa mắt đối thủ; bom, đạn không gây sát thương cỡ 12-40 mm, bao gồm các thiết bị “tác động trực tiếp, chớp sáng, tác nhân kiểm soát bạo động, thiết bị làm liệt cơ bằng điện đối với người và tạo mùi hôi”; thiết bị phát âm thanh tầm xa; vũ khí năng lượng định hướng như vũ khí vi sóng công suất cao, và các Công nghệ Từ chối Chủ động (Active Denial Technologies - ADT).

 

Đặc biệt hấp dẫn là ý tưởng phát triển “mô-đun quang từ trường cao” để tác động lên hệ thống thần kinh của con người. Đề xuất cũng đề cập đến việc sử dụng máy bay không người lái để phát các thông điệp và cảnh báo tầm xa, cũng như truy cập các thiết bị an ninh bảo vệ để ngăn cản mọi người di chuyển vào các khu vực được chỉ định. Lầu Năm Góc muốn vũ khí có thể đặt trên các phương tiện nhỏ, có thể tích dưới 1 m3 và nặng không quá 45 kg; không đòi hỏi nhiều năng lượng vận hành cũng như phát nhiệt đến mức cần thiết bị làm mát phức tạp (nhiệt độ phải từ -55-1250C); có giá hàng chục nghìn thay vì 1 triệu USD.

Tích hợp vũ khí phi sát thương cho UAV

Giai đoạn I của dự án có nhiệm vụ phát triển “các kích thích không gây chết người” và theo Hải quân Mỹ, sẽ không nhất thiết phải thử nghiệm với đối tượng là con người hoặc động vật. Giai đoạn II nhằm tích hợp các loại vũ khí phi sát thương này trên các phương tiện chiến thuật nhỏ có người lái cũng như máy bay không người lái. Văn phòng Năng lực Cưỡng bức mức Trung bình Liên quân (Joint Intermediate Force Capabilities Office - JIFCO, trước đây là Tổng cục Vũ khí Phi sát thương Joint Non-Lethal Weapons Directorate) của Lầu Năm Góc phải tạo một bộ các mô hình vũ khí và hiệu ứng chống con người và một bộ đầy đủ các mục tiêu thử nghiệm và vật liệu tại nhiều phòng thí nghiệm khác nhau của Bộ Quốc phòng.

Mỹ đang có chương trình tích hợp vũ khí phi sát thương cho các thiết bị mặt đất, mặt nước và UAV; Nguồn: wikimedia.org
Mỹ đang có chương trình tích hợp vũ khí phi sát thương cho các thiết bị mặt đất, mặt nước và UAV; Nguồn: wikimedia.org

Nếu các dự án thành công, không chỉ quân đội sẽ sử dụng các loại vũ khí phi sát thương phi truyền thống mới. Các lực lượng tiềm năng khác bao gồm Bộ Tư pháp, Bộ An ninh Nội địa, và thậm chí cả Hải quan và An ninh Biên giới... Theo giới chức Hải quân Mỹ, “các cơ quan thực thi pháp luật dân sự địa phương có những loại nhiệm vụ cụ thể này để hỗ trợ cả nhiệm vụ tự vệ và tấn công để thực thi pháp luật cũng như giảm thiểu các hành động khủng bố”…

Dự án mang tính khả thi cao - súng máy và tên lửa chống tăng đã được các đơn vị lực lượng đặc nhiệm gắn trên máy bay không người lái, xe tăng robot và các phương tiện chiến thuật có người lái, việc gắn các thiết bị như laser không quá khó, nếu các nhà khoa học có thể thu nhỏ chúng đủ để phù hợp với một nền tảng nhỏ. Hải quân cho biết, những máy bay không người lái không gây chết người này sẽ được sử dụng trong phạm vi các chiến dịch quân sự (Range of Military Operations - ROMO), bao gồm các hoạt động tác chiến thông thường, cũng như chiến tranh phi truyền thống và các hoạt động duy trì trật tự, chống bạo loạn...

 

Thực tế những vũ khí phi sát thương này cũng có thể được sử dụng bởi cơ quan thực thi pháp luật làm nảy sinh một khả năng khác - thay vì gọi cảnh sát chống bạo động, nhà chức trách có thể gọi máy bay không người lái chống bạo động. Câu hỏi được đặt ra là liệu vũ khí phi sát thương có thể được sử dụng trên các chiến trường thông thường hay không khi các chính phủ cho rằng vô hiệu hóa tốt hơn là tiêu diệt các lực lượng đối lập. Theo một số chuyên gia, dù bằng cách nào, sự xuất hiện của bầy máy bay không người lái - đám robot nhỏ áp đảo mục tiêu - kết hợp với vũ khí phi sát thương thu nhỏ làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh trong tương lai - nơi vũ lực gây chết người không phải là lựa chọn duy nhất./.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm