DNVN - Molniya là lớp tàu tên lửa tấn công nhanh sở hữu năng lực chống hạm khá mạnh, tuy nhiên nhược điểm của nó lại nằm ở khả năng tự bảo vệ không cao.
Tàu hộ vệ tên lửa Molniya Dự án 1242 (phiên bản nội địa phục vụ trong Hải quân Nga) hay Dự án 1241.8 (dành riêng cho xuất khẩu) mặc dù chỉ có lượng giãn nước trên 500 tấn nhưng lại được trang bị hỏa lực chống tàu tương đương với những khinh hạm 2.000 - 3.000 tấn.
Tuy nhiên chính vì lượng giãn nước nhỏ nên để tạo lập sức mạnh tấn công, các chiến hạm này bắt buộc phải hy sinh một số tính năng khác trong đó có năng lực phòng không, chỉ trông chờ được vào 2 pháo bắn nhanh AK-630M cùng tên lửa vác vai SA-N-10.
Nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu tác chiến, để nâng cao khả năng tự bảo vệ của tàu Molniya trước những cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình chống hạm, Hải quân Nga đã tiến hành thay thế 2 pháo AK-630M bằng 1 module hệ thống Palma.
Phương án này giúp cho khả năng phòng thủ của tàu Molniya được nâng lên gấp bội, tên lửa 9M311 Sosna-R cùng pháo AO-18KD sẽ tạo ra chiếc lá chắn 2 lớp, kéo dài gấp đôi tầm đánh chặn.
Hai vũ khí trên nhận lệnh từ hệ thống điều khiển hỏa lực quang điện 3V-89 bao gồm kênh truyền hình và ảnh nhiệt cùng máy đo xa kết hợp kênh điều khiển laser, cho tốc độ phản ứng khá nhanh.
Tuy nhiên Palma cũng có nhược điểm là phải phụ thuộc hoàn toàn vào kênh quang điện tử, hiệu quả tác chiến giảm rõ rệt trong điều kiện sương mù hay đêm tối, thêm vào đó tên lửa đánh chặn không được trang bị đầu dò chủ động, dễ dẫn tới quá tải cho hệ thống chỉ huy, khó khăn khi tham chiến cùng lúc với nhiều mục tiêu.
Ngoài ra việc trang bị Palma cũng tương đối phức tạp, yêu cầu phải tạo khoang điều khiển phía dưới, đấu nối đường điện, bố trí cơ cấu trục xoay, nạp đạn... hơn nữa khi bắn pháo kèm phóng tên lửa lại rất dễ gây nhòe bộ phận quang học, thậm chí đã có trường hợp pháo 30 mm bắn rơi luôn tên lửa Sosna-R.
Do vậy nếu điều kiện cho phép, các quốc gia đang trang bị lớp tàu chiến này có thể tính tới một hệ thống CIWS khác, đó là SeaRAM.
SeaRAM là hệ thống vũ khí phòng thủ tầm ngắn cho chiến hạm do Đức và Mỹ hợp tác sản xuất, chính thức đi vào phục vụ từ năm 2008. Ưu điểm của SeaRAM nằm ở tính độc lập rất cao, trọng lượng và kích thước gọn nhẹ, dễ dàng tích hợp cho tàu chiến cỡ nhỏ.
Tên lửa RIM-116B là loại bắn - quên nhờ đầu dò hồng ngoại kết hợp với việc dẫn đường đa kênh trong giai đoạn đầu, có tốc độ phản ứng rất nhanh trước các mối đe dọa cũng như tham chiến được với nhiều đối tượng cùng lúc.
Nhược điểm của SeaRAM nằm ở giá thành khá cao, không có pháo đi kèm, tích hợp lên tàu Molniya ít nhiều sẽ gặp khó khăn trong việc đồng bộ với những khí tài khác, vướng phải một số điều kiện ngoài kỹ thuật...
Tóm lại, Palma hay SeaRAM đều có ưu và nhược điểm riêng nhưng chúng sẽ làm gia tăng vượt bậc năng lực phòng thủ của các tàu tên lửa Molniya, đây là hai phương án mà các quốc gia đang sử dụng lớp chiến hạm này nên cân nhắc.
Phong Vũ (Tham khảo Wikipedia)