Quốc tế

Nga lo máy bay bị S-400 Thổ bắn hạ

Người Nga bày tỏ lo ngại khi tình hình tại Idlib nóng lên, lực lượng không quân-vũ trụ nước này có thể thành mục tiêu của S-400 Thổ Nhĩ Kỳ.

"Cú đánh" của Saudi Arabia vào nền kinh tế Nga dần mất tác dụng? / Radar Container tới Kaliningrad giúp Nga theo dõi toàn bộ châu Âu

Người Nga hoảng sợ thái quá?

Trang Reporter của Nga cho rằng mặc dù nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí ngừng bắn tại Idlib của Syria nhưng nhiều khả năng thỏa thuận sẽ không thể kéo dài.

Lực lượng Nga-Thổ sẽ bắt đầu tuần tra chung trên tuyến đường M4 từ ngày 15/3 tới nhưng cả phía Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đều cho thấy quyết tâm của riêng mình.

Trang báo Nga đánh giá việc quân đội Syria với sự yểm trợ của lực lượng không quân-vũ trụ (VKS) của Nga giành lại quyền kiểm soát khu vực Nam Idlib là một thắng lợi đáng kể về mặt quân sự và chính trị.

Tuy nhiên, Ankara không cho thấy có ý định rút lui khỏi khu vực phía Bắc Idlib khi tiếp tục tung thêm nhiều vũ khí và binh lực đến đây.

Nga lo may bay bi S-400 Tho ban ha
Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tăng cường vũ khí và binh lực tới Idlib

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan cũng đã lên tiếng cảnh báo sẽ phản ứng cứng rắn trước bất kỳ nỗ lực nào của Damascus. Ông nói: “Trong quá trình này, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có quyền đáp trả lại bất kỳ cuộc tấn công nào từ phía chế độ (Damascus), kể cả bằng sức mạnh tổng lực”.

Về phần mình, Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố đất nước ông muốn thấy các bên “can thiệp” Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi Syria, và nếu cần, sẽ sử dụng sức mạnh. Tờ báo Nga nhấn mạnh, những kẻ “xâm lược” không có ý định rút đi, thậm chí còn “cắm rễ” ở những khu vực chủ chốt của Syria như khu vực phía Bắc giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ hay khu vực phía Đông có các vùng đất của người Kurd và các mỏ dầu.

Tờ Reporter cho rằng tình thế này khiến thỏa thuận ngừng bắn có thể chấm dứt bất kỳ khi nào ngay khi một bên cảm thấy sẵn sàng thay đổi cán cân lực lượng để có lợi cho mình.

Người Nga dự báo (cũng có thể là cảnh báo) nhiều khả năng Syria sẽ là bên chủ động nhằm đẩy các lực lượng chiếm đóng ra khỏi đất nước một cách hoàn toàn. Khi đó, Reporter nhận định, rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào việc bên nào chiếm ưu thế trên không trong quá trình tấn công.

Nga lo may bay bi S-400 Tho ban ha
Quân đội Syria có quyết tâm và có quyền giải phóng quê hương mình

Thời gian qua, các lực lượng Syria bị bất ngờ trước các đòn tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) TAI Anka của Thổ Nhĩ Kỳ. Người Thổ đã rất hiệu quả khi phá hủy các vũ khí trang thiết bị của quân đội Syria.

 

Theo Reporter, Nga và Thổ đang trong một cuộc đua khi cố đếm xem thiệt hại của đối phương trong chiến dịch “Lá chắn mùa Xuân” của Thổ ở Idlib. Ankara khẳng định đã phá hủy 8 hệ thống tên lửa phòng không Pantsir của quân đội Syria, trong khi Moscow phủ nhận và cho rằng trong số 4 hệ thống này của Syria ở Idlib chỉ có 2 hệ thống bị thiệt hại. Trong khi đó, Syria tuyên bố đã bắn hạ 20 UAV của Thổ Nhĩ Kỳ bằng tên lửa Buk-M2E.

Reporter cho rằng “tin xấu” hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ đã dễ dàng bắn hạ các máy bay chiến đấu của Syria mặc dù phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá tương đối yếu. Vấn đề sẽ càng tồi tệ hơn khi bắt đầu từ tháng 4 tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 hiện đại do Nga sản xuất.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng thẳng thừng: “S-400 giờ là của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục học cách sử dụng chúng. Các tổ hợp này đã sẵn sàng được sử dụng trong tháng 4. Hôm qua tôi cũng đã nói, nếu Mỹ cung cấp tên lửa phòng không Patriot thì chúng tôi cũng sẽ mua”.

Nga lo may bay bi S-400 Tho ban ha
S-400 Thổ có thể bắn hạ cả máy bay Nga?

Tờ Reporter cho rằng việc bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ trước khi kết thúc chiến tranh có thể là “trò đùa ác ý” đối với đồng minh Syria, và với chính bản thân Nga. Trong trường hợp tình hình tại Idlib nóng lên, lực lượng không quân Syria và VKS của Nga tăng cường hoạt động, các phi công Nga có thể đối mặt nguy hiểm khi bay trên các máy bay cùng loại với Syria.

Chuyên gia Igor Konashenkov của Nga cho rằng khi đó sẽ không có hệ thống nhận dạng nào giúp được họ vì hệ thống này không có ở S-400. Theo chuyên gia Nga, hệ thống nhận dạng “địch-ta” là riêng biệt cho mỗi quốc gia. Ngay cả trên các mẫu vũ khí xuất khẩu của Nga trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự, hệ thống này cũng không được cài đặt.

 

Tờ báo Nga nhấn mạnh thêm, có thể công chúng Nga sẽ không thể biết tới những sự cố như vậy bởi vì Nga có luật bảo mật tổn thất trong thời bình. Về mặt chính thức, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện không trong tình trạng chiến tranh.

Tình thế mong manh

Giới phân tích quốc tế cũng có chung nhận định về sự mong manh của thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib. Theo đó, thỏa thuận này trên thực tế đã chia Idlib thành hai phần. Khu vực chiến sự phía Nam đường cao tốc M4 chạy qua tỉnh Idlib nối từ phía Đông sang Tây sẽ được các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad kiểm soát.

Trong khi đó, khu vực phía Bắc đường cao tốc M4 sẽ nằm dưới tầm kiểm soát của các nhóm phiến quân đối lập, trong đó chủ yếu là các phần tử chiến binh thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham và lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã đưa hàng nghìn binh sĩ tới Idlib kể từ đầu tháng 2 vừa qua.

Đề cập tới những phần tử thánh chiến được Ankara hậu thuẫn đang cố thủ tại khu vực Idlib, phía Nga và Syria bảo lưu quan điểm rằng “các nhóm khủng bố này” phải bị ngăn chặn.

 

Hãng thông tấn Tass dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định quân đội chính phủ Syria và các lực lượng hậu thuẫn hợp pháp với chính quyền Damascus sẽ nỗ lực loại bỏ các phần tử phiến quân và khủng bố ở khu vực này.

Nga lo may bay bi S-400 Tho ban ha
Thổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan (trái) tại Moscow hôm 5/3

Giám đốc Chương trình chống khủng bố và cực đoan tại Viện Trung Đông ở Washington (Mỹ), Charles Lister nhận định, tuyên bố của bà Zakharova đã ám chỉ rằng thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được tại Moscow hôm 5/3 có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Hay nói cách khác, lệnh ngừng bắn này dường như vô nghĩa sau những diễn biến mới xuất hiện gần đây tại “mặt trận Idlib”.

Giới quan sát nhận định rằng những xung đột lợi ích chủ chốt giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chưa được hóa giải triệt để sau thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib, do Ankara không từ bỏ mục tiêu hỗ trợ cho các nhóm phiến quân đối lập chống lại chính quyền Assad.

Một khi những khác biệt đó còn tồn tại, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể vẫn đối mặt với nguy cơ leo thang xung đột tiếp theo ở Idlib.

 

Truyền thông khu vực cũng có chung đánh giá khi cho rằng khác biệt cơ bản giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong vấn đề Idlib chưa được giải quyết sau thỏa thuận ngừng bắn. Khác biệt đó tồn tại từ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định quyết tâm sát cánh cùng Tổng thống Syria loại bỏ các phần tử “khủng bố” khỏi Idlib, trong đó có một số nhóm vũ trang được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Iran cũng có thể tác động tới lệnh ngừng bắn mới. Các nhóm được Iran hậu thuẫn như phong trào Hezbollah đang chiến đấu chống lại các lực lượng đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ tại nhiều địa điểm chiến lược quan trọng.

Hezbollah có thể tiếp tục châm ngòi cho những căng thẳng thông qua các đợt tấn công nhằm vào lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm