Quốc tế

Nga - Mỹ sẽ phát triển vũ khí nào sau hậu hiệp ước INF?

Dưới đây là một số loại vũ khí Mỹ và Nga có thể sẽ phát triển sau khi 2 nước này lần lượt tuyên bố từ bỏ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Rosoboronexport bắt đầu dự án nâng cấp phiên bản súng AK mới / Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2: Mỹ- Hàn chấm dứt tập trận chung chủ chốt

Việc Mỹ và Nga lần lượt tuyên bố từ bỏ Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), theo giới quan sát, có thể thúc đẩy việc tái triển khai các vũ khí đã có nhưng bị Hiệp ước cấm, và một thế hệ tên lửa mới dùng cho cuộc chiến tranh quy ước hoặc hạt nhân sẽ sớm xuất hiện.
Nga - My se phat trien vu khi nao sau hau hiep uoc INF?
Đầu đạn W-76-2 sẽ được bàn giao cho hải quân Mỹ để triển khai lên các tàu ngầm tên lửa đạn đạo cuối năm 2019. Ảnh: defensenews.com

Nước Mỹ chưa sẵn sàng cho hậu INF?

Việc rút khỏi Hiệp ước INF có thể sẽ thúc đẩy sự hồi sinh các tên lửa đã có và sự ra đời của một thế hệ tên lửa mới, không chỉ ở châu Âu để chống lại tên lửa của Nga mà còn ở cách xa nửa vòng trái đất tại châu Á.
Theo Popular Mechanics, Mỹ đã chuẩn bị hồi sinh tên lửa hành trình BGM-109G Gryphon - thuộc biên chế của Không quân Mỹ và từng được bố trí khắp Tây Âu, có tầm bắn lên đến 2.400 km và có thể mang một đầu đạn hạt nhân W84 với đương lượng nổ lên tới 150 kiloton.
Tên lửa này sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn F107-WR-400, có tốc độ cận âm 880 km/h, được thiết kế nhằm mục đích phá hủy hệ thống tên lửa đạn đạo di động RSD-10 Pioner (SS-20 Saber) của Liên Xô.
Loại vũ khí tiếp theo nhiều khả năng hồi sinh là tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung MGM-31 Pershing II, có tầm bắn 1.770 km, tích hợp đầu đạn hạt nhân W85 rất tiên tiến, cùng động cơ kiểm soát vector lực đẩy mang lại khả năng siêu cơ động chẳng thua gì tên lửa không đối không và không thể đánh chặn. Pershing II còn được lắp đặt đầu dò radar hình ảnh công nghệ số vô cùng tiên tiến, được nhận định là đã đi trước thời đại hàng chục năm cho độ chính xác cực kỳ cao và gần như không thể gây nhiễu bằng các tổ hợp tác chiến điện tử thông thường.
Một vũ khí khác Mỹ có thể được triển khai trở lại là phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa hành trình JASSM-XR. Bay thấp, JASSM-XR có thể có cơ hội tốt hơn để vượt qua lưới lửa phòng không đối phương. Tổng thống Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ chi nhiều tiền hơn Nga để phát triển tên lửa mà không cần đạt thỏa thuận quốc tế mới sau khi Washington rút khỏi INF. Mỹ có thể phát triển một tên lửa đạn đạo tầm trung mới. Quá trình này có thể sẽ không mất nhiều thời gian, tuy nhiên, có một vấn đề là niềm tin vào chính phủ Mỹ của các đồng minh đang ở mức thấp nhất và việc triển khai các tên lửa tầm trung của Mỹ tại châu Âu vào những năm 1980 từng dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối lớn.
Đáng chú ý, Mỹ đã bắt đầu chế tạo một loại vũ khí hạt nhân mới có ký hiệu W76-2 tại bang Texas và tháng 10/2019, một số lượng nhỏ loại vũ khí này sẽ được biên chế cho hải quân Mỹ. Đây là một biến thể của loại vũ khí hạt nhân nguyên thủy W76-1 được phóng từ tàu ngầm của hải quân Mỹ. Mỹ không tiết lộ chi tiết về W76-2 nhưng các chuyên gia cho rằng, sức công phá của nó khoảng 5-7 kiloton, được lắp vào tên lửa đạn đạo Trident D-5 hiện hành, có tiềm năng dùng cho một loại hình chiến tranh hạt nhân mới - xung đột hạt nhân tầm chiến thuật.
Sự ra đời của W-76-2 được cho là nhằm phù hợp với chiến lược hạt nhân mới của Mỹ, để cho Nga thấy, Mỹ có khả năng đáp trả các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật chứ không để xung đột leo thang đến các loại vũ khí có mức độ hủy diệt cao hơn như W-76-1 (100 kiloton), buộc Nga phải nghĩ rằng, họ không có bất kì lợi thế nào khi sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, những người chỉ trích chính sách hạt nhân của Mỹ lại cho rằng, vũ khí hạt nhân vẫn luôn là vũ khí hạt nhân, bất kể sức công phá như thế nào. Nếu một bên tham chiến sử dụng, đối phương cũng có lí do để dùng đến loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này - điều dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực.
Lợi thế đi trước của người Nga

Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi INF, ngày 6/2, tên lửa RS-24 Yars - cỗ máy răn đe hạt nhân đáng sợ nhất của Nga, đã được phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk và bắn trúng mục tiêu với độ chính xác cực cao. RS-24 Yars là hệ thống tên lửa chiến lược liên lục địa của Nga di động hoặc phóng từ silo. RS-24 Yars có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân tấn công các mục tiêu độc lập ở khoảng cách 12.000 km, được thiết kế để lẩn tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Ở pha cuối, đầu đạn đủ sức lao vào mục tiêu với tốc độ 24.500km/h nên gần như không thể đánh chặn.
Nga - My se phat trien vu khi nao sau hau hiep uoc INF?-Hinh-2
Tên lửa Iskander của Nga có tầm bắn trên 500 km. Ảnh Sputnik

Năm 1976, Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung di động RSD-10 Pioneer (có chiều dài 16,5m, đường kính 1,8m, trọng lượng lên tới 37,1 tấn) với tầm bắn khoảng 5.000 km đã tạo nên mối đe dọa lớn cho các nước phương Tây. Loại tên lửa này được trang bị tới 3 đầu đạn hạt nhân với sức công phá 150 kiloton mỗi đầu, có thể độc lập tấn công các mục tiêu khác nhau. Theo một số nhà quan sát, trong trường hợp Mỹ "xé bỏ" INF, việc Nga tái biên chế loại tên lửa hạt nhân RSD-10 có thể là điều xảy ra trong tương lai gần mặc dù sẽ mất rất nhiều công sức nâng cấp và sửa đổi để phù hợp với chiến tranh hiện đại.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga ngày 5/2 đặt thời hạn cho các lực lượng chức năng nước này trong 2 năm tới phải chế tạo xong hệ thống Kalibr phóng từ mặt đất được trang bị tên lửa hành trình tầm xa, phiên bản của hệ thống Kalibr phóng trên biển, cũng như chế tạo hệ thống phóng tên lửa mặt đất với tên lửa siêu thanh tầm xa. Tên lửa hành trình Kalibr đã gây tiếng vang sau khi đánh trúng vào mục tiêu của IS ở Syria cách xa 1.500km trong một cuộc tấn công hồi tháng 10/2018. 4 tàu chiến lớp Buyan-M đã phóng 26 tên lửa hành trình 3M-14T Kalibr vượt 1.500 km và tiêu diệt chính xác 11 mục tiêu của lực lượng khủng bố IS.
Nga - My se phat trien vu khi nao sau hau hiep uoc INF?-Hinh-3
Động cơ tên lửa tầm trung RD-171MV. Ảnh Sputnik

Một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga hôm 23/2 tiết lộ, nước này có kế hoạch phát triển phiên bản tên lửa hành trình Kalibr-M được phóng đi từ mặt đất, dài 6,2m đường kính 0,43 m trọng lượng của đầu đạn sẽ chạm mốc 1 tấn, được thiết kế để phá hủy các cơ sở trên bộ, có thể mang cả đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân, tầm tấn công 4.500 km. Việc phát triển phiên bản Kalibr được phóng đi từ mặt đất sẽ không mất nhiều thời gian bởi tên lửa tầm xa Kalibr từ lâu đã được đưa vào hoạt động trong Hải quân Nga, chỉ cần thay đổi hệ thống điều khiển và thay thế phần mềm.
Ngành chế tạo tên lửa của Nga cũng đã tiết lộ thông tin Kalibr phiên bản phóng từ mặt đất có thể được phát triển và đưa vào sản xuất hàng loạt vào cuối năm nay. Tên lửa hành trình này có khả năng triệt hạ mục tiêu ở khoảng cách 2.600 km; trong khi bay, Kalibr liên tục thay đổi chiều cao và phương hướng, khiến đối phương khó lòng phát hiện. Ở giai đoạn bay cuối, nhờ tầng tăng tốc bổ sung, tên lửa này có thể bay ở tốc độ siêu âm đến 2,7-2,9M. Điểm đặc biệt của loại tên lửa này là nó có thể phóng trong mọi điều kiện thời tiết, theo từng phát hoặc cả loạt; có thể mang được cả đầu đạn hạt nhân và thông thường nặng tới 500kg; có thể phóng từ tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay, thậm chí từ container.
Iskander-M (định danh NATO là SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn, sử dụng nhiên liệu rắn của Nga. Iskander có khả năng tự hành tàng hình bằng kỹ thuật plasma - tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả. Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương không thể đánh chặn. Loại tên lửa đạn đạo ưu việt này có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2 km/giây (Mach 6-7) và tầm bắn lên tới gần 500km.
Sức mạnh của Iskander đã được kiểm chứng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày với Gruzia năm 2008 - khi một tên lửa Iskander đã đánh một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori, phá hủy một lúc 28 chiếc. Hiện Nga có các kế hoạch nâng cấp những đặc tính hoạt động để hệ thống Iskander-M có thể hoạt động trong bất kỳ điều kiện thời tiết và có thể xâm nhập bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nào, có thể tiếp nhận những tên lửa mới với nhiều loại đầu đạn khác nhau và có thể hoạt động như một phần của mạng lưới hỏa lực và trinh sát.
Một loại tên lửa khác có thể được chuyển đổi sang phóng trên mặt đất là tên lửa siêu thanh Kinzhal của máy bay đánh chặn MiG-31, có tốc độ Mach 8; có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách trên 2.000 km. Kizhal có thể tác chiến hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết, có thể đánh trúng mục tiêu bất kể thời gian ngày hay đêm và dù là mưa gió hay sấm chớp. Theo Sputnik, ngày 8/2, Tập đoàn vũ trụ quốc gia Nga Roscosmos cho biết, đã hoàn thành lắp ráp động cơ RD-171MV đầu tiên cho tên lửa tầm trung không có đối thủ cạnh tranh trên thế giới và tầm bắn 5.000 km. Ít nhất là vùng Alaska của Mỹ và toàn bộ lãnh thổ châu Âu đều trong phạm vi tác chiến của những loại tên lửa này.
Theo Reuters và TASS, kênh truyền hình nhà nước Russia-1 của Nga đã liệt kê các cơ sở quân sự của Mỹ mà Nga sẽ nhắm đến trong trường hợp nổ ra một cuộc tấn công hạt nhân, và cho rằng tên lửa siêu thanh mà Nga đang phát triển có khả năng đánh trúng các mục tiêu này trong vòng chưa đầy 5 phút. Lầu Năm Góc sẽ là một trong những mục tiêu quan trọng nhất bởi đây là trụ sở chỉ huy của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân. Một số nhà phân tích nhìn nhận đây là một chiến thuật để Nga lôi kéo Mỹ ngồi vào bàn đàm phán về cán cân chiến lược giữa hai cường quốc - điều mà Moscow lâu nay thúc đẩy.
Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Mỹ, Nga đối thoại để "đảo ngược" quyết định rút khỏi INF và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới. Theo một số nhận định, một cuộc chạy đua vũ trang hiện nay hoàn toàn bất lợi cho Nga trong bối cảnh nền kinh tế nước này đã có dấu hiệu đi xuống trong vài năm gần đây, buộc nước này cắt giảm nhiều chi tiêu quốc phòng. Bài học chạy đua vũ trang với Mỹ khiến Liên Xô thất thế vẫn hiện hữu. Nga và Mỹ vẫn duy trì mối quan hệ song phương, hai quốc gia này ngoài cạnh tranh thì vẫn chịu những chi phối của nhau. Vì vậy, sau vụ nắn gân giữa hai cường quốc hạt nhân, rất có thể Nga sẽ có bước đi cần thiết để kéo Mỹ trở lại bàn đàm phán nhằm tiếp tục duy trì INF.
Vũ khí - khí tài
Theo kienthuc.net.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm