Quốc tế

Nga quá tự tin về năng lực vũ khí mới

Ban lãnh đạo Nga tự tin vượt trội trong lĩnh vực chế tạo vũ khí mới, ám chỉ khả năng không còn coi vũ khí hạt nhân là tấm bùa hộ mệnh.

Top 3 vũ khí nguy hiểm nhất Nga từng bán cho Iran khiến Mỹ "đau đầu" / HTS 'triển lãm' vũ khí thu được khi Idlib nóng bỏng

Rào chắn cuối cùng mong manh

Quyền Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 17/1 cáo buộc chính sách "gây hấn" của Mỹ khiến căng thẳng toàn cầu gia tăng, đồng thời lưu ý sự miễn cưỡng của Mỹ trong việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).

Phát biểu tại cuộc họp báo thường niên, ông Lavrov cho hay cuộc họp trong tuần này giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước về ổn định chiến lược đã không đạt được bất kỳ kết quả cụ thể nào. Ông cho rằng Mỹ đã cản trở Nga thúc đẩy việc gia hạn New START, dự kiến hết hiệu lực vào năm 2021.

Ông Sergei Lavrvo tại cuộc họp báo thường niên ngày 17/1
Ông Sergei Lavrvo tại cuộc họp báo thường niên ngày 17/1

Hiệp ước này được Nga và Mỹ ký kết từ năm 2010 dưới thời Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama. New START hạn chế Mỹ và Nga triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân cùng nhiều điều khoản ràng buộc khác. Hiệp ước sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021, song thỏa thuận này bao gồm khả năng gia hạn thêm 5 năm nữa sau thời điểm đó.

Sau sự sụp đổ của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước này, New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa Washington và Moscow. Nếu New START bị “khai tử”, đây là sẽ là lần đầu tiên trong 50 năm qua không có một hiệp ước nào giới hạn vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.

Nga nhiều lần cảnh báo rằng việc New START đổ vỡ sẽ loại bỏ rào chắn cuối cùng ngăn cản một cuộc chạy đua vũ trang. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy Trung Quốc tham gia cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Nga qua tu tin ve nang luc vu khi moi
Tổng thống Mỹ B. Obama (trái) và Tổng thống Nga D. Medvedev ký New START tại Praha ngày 8/4/2010

Trong phát biểu ngày 17/1, ông Lavrov mô tả ý tưởng này là thiếu thực tế. Ông nhấn mạnh Bắc Kinh đã từ chối thảo luận về cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình, vốn có quy mô nhỏ hơn nhiều so với của Mỹ hay Nga. Ông Lavrov cũng cho rằng việc Mỹ hối thúc Nga khuyến khích Trung Quốc thay đổi lập trường là không hợp lý. Ông nói: "Chúng tôi tôn trọng lập trường của Trung Quốc và sẽ không thuyết phục Trung Quốc thay đổi nó".

Bên cạnh đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nhấn mạnh hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh trong chính sách đối ngoại "có tác dụng giữ ổn định quan trọng đối với thế giới". Ông Lavrov cho rằng Nga và Trung Quốc có quan điểm tương đồng đối với các vấn đề quốc tế, điều này phản ánh trong một loạt văn kiện chung.

Theo ông, hai nước đang hợp tác chặt chẽ tại Liên hợp quốc, luôn tìm cách hỗ trợ lẫn nhau và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Hai nước đang nỗ lực ngăn chặn các cường quốc phương Tây áp đặt những quyết định đơn phương, nơi cần tới sự đồng lòng.

Nga qua tu tin ve nang luc vu khi moi
Nga tự tin chung sống cạnh một Trung Quốc không ngừng gia tăng kho vũ khí hạt nhân?

Về phần Bắc Kinh, cũng trong ngày 17/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) cho hay nước này giữ vững quan điểm sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới của Nga để tạo ra tiến triển mới trong quan hệ song phương.

Ông Cảnh Sảng nêu rõ: "Trung Quốc gửi lời chúc mừng động thái này và tin tưởng chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mishustin sẽ đạt được những thành tựu mới trong công cuộc phát triển đất nước. Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác với Nga trong khuôn khổ các cuộc hợp thường kỳ giữa thủ tướng hai nước, thúc đẩy quan hệ Trung-Nga và làm sâu sắc hợp tác thực chất trong một loạt lĩnh vực".

 

Nga đang quá tự tin?

Theo nhận định của trang Sputnik mới đây, xét theo mọi khía cạnh, trong những năm tới, Trung Quốc sẽ mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, Sputnik dẫn lời chuyên gia Richard Weitz - Giám đốc Trung tâm phân tích chính trị-quân sự thuộc Viện Hudson (Mỹ), chuyên gia Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai - cho rằng vẫn có hy vọng Bắc Kinh sẽ tham gia các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Trang báo Nga lần lại sự kiện lịch sử vào ngày 15/1/1955, ban lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định tạo ra kho vũ khí hạt nhân. Theo ước tính của các chuyên gia quân sự, Trung Quốc hiện có khoảng 290 đầu đạn hạt nhân. Mặc dù số lượng này không thể sánh với Nga và Mỹ nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục hiện đại hóa và phát triển lực lượng hạt nhân.

Nga qua tu tin ve nang luc vu khi moi
Tên lửa DF-41 của Trung Quốc trong cuộc duyệt binh ngày 1/10/2019

Chuyên gia Weitz nhận định cuộc diễu binh ở Bắc Kinh vào ngày 1/10/2019 nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho thấy rất có thể trong những năm tới, Trung Quốc sẽ triển khai nhiều loại vũ khí hạt nhân với danh mục tên lửa đa dạng hơn. Ông lấy ví dụ về các tên lửa đạn đạo liên lục địa Dong Feng (DF) -31AG và DF-41, tên lửa tầm trung và tầm ngắn DF-17 và DF-26, tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm Ju Lang-2 (JL-2), máy bay ném bom chiến lược H-6N cũng như tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-100.

Chuyên gia Weitz nói: "Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện kho vũ khí hạt nhân cả về số lượng lẫn chất lượng để đứng ngang hàng với Nga và Mỹ. Theo họ, Trung Quốc có thể xem xét khả năng tham gia đàm phán về hạn chế vũ khí chiến lược chỉ sau khi xây dựng kho vũ khí hạt nhân sánh được với Nga và Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, Trung Quốc vẫn sẽ nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận nào phải được áp dụng cho cả lực lượng hạt nhân lẫn lực lượng thông thường của tất cả các cường quốc quân sự châu Á".

 

Theo chuyên gia Weitz, nếu Bắc Kinh không kiềm chế xây dựng lực lượng của mình thông qua kiểm soát vũ khí hoặc các biện pháp khác, Mỹ và Nga cũng sẽ chống lại các hạn chế ràng buộc khả năng tấn công và phòng thủ tên lửa của hai nước này. Do đó, việc chính quyền Tổng thống Trump muốn rút khỏi thỏa thuận song phương với Nga và ký kết thỏa thuận ba bên về kiểm soát vũ khí hạt nhân với sự tham gia của Trung Quốc được ông Weitz coi là hợp lý.

Về phần Nga, ban lãnh đạo ở Moscow lại đang tỏ ra rất tự tin vào sự vượt trội trong lĩnh vực chế tạo vũ khí mới và ám chỉ khả năng không còn coi vũ khí hạt nhân là tấm bùa hộ mệnh. Điển hình như phát biểu hồi cuối năm ngoái của Đại tướng Sergei Karakaev - Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga. Tướng Karakaev tuyên bố Nga có thể ngừng sử dụng các vũ khí hạt nhân trong vai trò của một lực lượng răn đe trong tương lai.

Nga qua tu tin ve nang luc vu khi moi
Nga tự tin vào sự vượt trội trong lĩnh vực chế tạo vũ khí mới?

Theo ông, các vũ khí hạt nhân cũng có thể không còn đóng vai trò quan trọng nhất trong chiến lược bảo vệ Nga trước những mối đe dọa từ bên ngoài. Tuy vậy, các lực lượng tên lửa chiến lược của Nga sẽ vẫn là nhân tố đảm bảo an ninh cho Moscow cho tới khi các nhà khoa học sáng chế ra những loại hình vũ khí mới hoặc tới khi tình hình trên chính trường thay đổi.

Ông Karakaev trước đó cho hay, lực lượng tên lửa chiến lược Nga hiện có hơn 200 hệ thống di động và cố định, và quân đội Nga đang thay thế các hệ thống tên lửa cuối cùng được chế tạo dưới thời Liên Xô.

Trong thông điệp liên bang lần thứ 16 độc ngày 15/1, Tổng thống Nga Putin một lần nữa tỏ rõ sự tư tin trong lĩnh vực chế tạo vũ khí mới. Ông khẳng định nước Nga lần đầu tiên trong lịch sử có thể trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về các loại vũ khí tiên tiến. Ông Putin nhấn mạnh: "Các quốc gia hàng đầu khác trên thế giới sẽ vẫn phải phát triển các vũ khí mà Nga đang sở hữu".

 

Tổng thống Nga cũng yêu cầu nền khoa học Nga cần đạt được bước đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và những lĩnh vực công nghệ cao khác. Ông Putin nói: "Chúng ta đang nói về AI, các công nghệ số… Chúng ta có thể đạt được bước đột phá tương tự trong lĩnh vực quốc phòng".

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm