Quốc tế

Nga tập trận hạt nhân, cảnh báo phương Tây dừng can thiệp vào Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga hôm qua thông báo bắt đầu tập trận hạt nhân chiến thuật nhằm đáp lại những động thái khiêu khích của phương Tây. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đã đẩy mối quan hệ giữa Nga và phương Tây xuống thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Iran sẽ biến động ra sao sau cái chết của Tổng thống Ebrahim Raisi / Kharkov nóng rực, phương Tây có cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa?

Theo Bộ Quốc phòng Nga, giai đoạn đầu tiên của cuộc tập trận huy động các tên lửa đạn đạo Iskandervà Kinzhal, cũng như lực lượng tên lửa tại Quân khu miền Nam của Nga, nằm tiếp giáp với Ukraine. Mục đích là nhằm đáp lại những tuyên bố mà nước này cho là khiêu khích của các quan chức phương Tây, duy trì sự sẵn sàng ứng phó và đảm bảo chủ quyền quốc gia.

Nga tập trận hạt nhân. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Nga tập trận hạt nhân. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Đây được xem như cảnh báo mạnh mẽ của Nga nhằm ngăn chặn phương Tây can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến ở Ukraine. Kể từ 2/2022, phương Tây đã không ngừng đổ vũ khí, tài chính và cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine, song vẫn kiềm chế khả năng gửi quân. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã nêu khả năng gửi quân đội châu Âu đến Ukraine. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh David Cameron cho rằng, Ukraine có quyền sử dụng vũ khí do nước này cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga. Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích mạnh mẽ các tuyên bố, cho rằng điều này đã thúc đẩy các cuộc tập trận hạt nhân và dẫn đến “vòng leo thang mới”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh: "Những tuyên bố về quyền của Ukraine sử dụng vũ khí do Anh cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga hoàn toàn điên rồ. Chúng không chỉ là những tuyên bố bài Nga nhằm mục đích châm ngòi cho một cuộc xung đột ở châu Âu và trên toàn cầu, mà còn chống lại nhân loại”.

Tờ Vedomosti của Nga mới đây lưu ý, những cuộc tập trận kiểu này hiếm khi xảy ra kể từ khi Liên Xô tan rã, nhưng từng được tổ chức hàng năm trong thời Xô Viết. Học thuyết hạt nhân của Nga chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp sự tồn tại của quốc gia gặp nguy hiểm hoặc có nỗ lực nhằm quét sạch lực lượng hạt nhân của Nga.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật, còn được gọi là vũ khí hạt nhân phi chiến lược, bao gồm các đầu đạn hạt nhân nhỏ. Tuy nhiên, không giống như vũ khí hạt nhân chiến lược, chúng được thiết kế để sử dụng trên chiến trường hoặc cho một cuộc tấn công hạn chế. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, các cường quốc hạt nhân đã tăng cường triển khai đầu đạn hạt nhân với số lượng nhiều hơn. Nga và Mỹ sở hữu gần 90% tổng số vũ khí hạt nhân toàn cầu.

 

Trong một diễn biến liên quan cho thấy mối quan hệ ngày một xấu đi giữa Nga và phương Tây, Liên minh châu Âu hôm qua đã cho phép sử dụng các khoản lợi nhuận thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine và dự kiến mở các cuộc đàm phán chính thức về việc gia nhập khối của Ukraine sớm nhất là ngay từ tháng 6 tới.
Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm