Quốc tế

Nhật Bản quay lại đường đua chất bán dẫn

Nhật Bản sẽ đầu tư hàng chục tỷ USD cho ngành sản xuất chất bán dẫn trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ngày càng trở nên căng thẳng.

Bệ phóng HIMARS phải hồi hương sau khi trúng đòn đau / Mỹ gian nan tìm trực thăng hạng nhẹ thay thế OH-58 Kiowa

Nhằm đối phó với cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung leo thang và lo ngại về an ninh chuỗi cung ứng chất bán dẫn,Nhật Bản đang đầu tư mạnh mẽ để hồi sinh ngành sản xuất chip của mình. Chính phủ của Thủ tướng Kishida đã phân bổ 4.000 tỷ Yen (26,7 tỷ USD) tài trợ trong 3 năm để củng cố năng lực sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản, với mục tiêu đạt 10.000 tỷ Yen sau khi huy động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp tư nhân. Khoản đầu tư này nhằm mục tiêu tăng gấp 3 doanh số bán của chip sản xuất nội địa, lên hơn 15.000 tỷ Yen vào năm 2030.

Chiến lược chất bán dẫn của Nhật Bản bao gồm hai trụ cột chính: thu hút các nhà sản xuất chip nước ngoài bằng cách ban hành các gói trợ cấp và triển khai các dự án đầy tham vọng để giành lại vị thế dẫn đầu trong công nghệ chip, giảm nguy cơ phụ thuộc vào nguồn cung không ổn định từ bên ngoài. Đơn cử như công ty Rapidus Corp., mới thành lập 18 tháng, đặt tại Hokkaido, có tham vọng sản xuất hàng loạt chip logic 2nm vào năm 2027.

Nhật Bản quay lại đường đua chất bán dẫn - Ảnh 1.

Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới của Đài Loan (Trung Quốc) đã khánh thành nhà máy đầu tiên tại Nhật Bản (Ảnh: AP)

Mới đây, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) đã khánh thành nhà máy đầu tiên tại Nhật Bản, mở đường cho việc bắt đầu sản xuất chip liên quan đến ô tô và điện thoại thông minh cho các khách hàng hàng đầu Nhật Bản là Sony và Renesas vào cuối năm nay. Nhà máy đầu tiên được xây dựng tại thị trấn Kikuyo ở Kumamoto, dự kiến vào quý IV năm nay bắt đầu sản xuất hàng loạt chất bán dẫn công nghệ, bao gồm cả chip 12 nanomet được sử dụng trong ôtô và thiết bị công nghiệp. Nhà máy thứ hai cũng sẽ được TSMC xây dựng trong năm nay. Hoạt động sản xuất ở nhà máy này sẽ bắt đầu vào cuối năm 2027.

Các ông lớn khác trong ngành như Micron Technology, ASML và Samsung Electronics cũng đang đầu tư vào các cơ sở sản xuất hoặc nghiên cứu tại Nhật Bản vì họ bị thu hút bởi lực lượng lao động lành nghề, dịch vụ đáng tin cậy và giá cả phải chăng của đất nước này.

Thủ tướng Nhật Bản - Fumio Kishida nhấn mạnh: "Chất bán dẫn là công nghệ thiết yếu cho quá trình số hóa và khử carbon. Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện những bước đi táo bạo và chưa từng có nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất trong nước cho chất bán dẫn tiên tiến".

Với lợi thế là nhà cung cấp chính trên toàn cầu của các hóa chất và thiết bị được sử dụng trong sản xuất chip, Nhật Bản càng nâng cao vị thế chiến lược của mình trong ngành công nghiệp bán dẫn. Các nhà cung cấp của Xứ sở Mặt Trời mọc đang tận dụng nhu cầu của Trung Quốc để kinh doanh trong bối cảnh lo ngại về an ninh kinh tế.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm