Quốc tế

Những “ông già gân” của các lực lượng không quân trên thế giới

Với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ hàng không, đa số máy bay quân sự trở nên lỗi thời rất nhanh, sớm bị thay thế bởi những mẫu mới hơn. Tuy nhiên, một số dòng máy bay vẫn đang phục vụ trong không quân nhiều quốc gia hàng thập kỷ qua.

Binh lính Nga - Mỹ tiếp tục đụng độ tại miền Bắc Syria / Mỹ - Hàn Quốc xem xét giảm quy mô tập trận chung

Nhiều máy bay đã trở thành các biểu tượng trên bầu trời và dự kiến sẽ tiếp tục bay trong nhiều năm tới.

Trực thăng UH-1

Sau khi ra mắt vào năm 1959, mẫu trực thăng đa dụng UH-1 nhanh chóng được Lục quân Mỹ khen ngợi hết lời nhờ nhiều đột phá trong thiết kế. UH-1 là mẫu trực thăng quân sự đầu tiên sử dụng động cơ turbine, cho tốc độ cao và cơ lực nâng lớn các mẫu tương đương thời đó. UH-1 có sức tải gần 1,5 tấn, có thể chở hàng hóa, binh sĩ, thương binh hoặc vũ khí tùy yêu cầu nhiệm vụ.

Kể từ những năm 1960 đến nay, UH-1 hiện diện trong mọi cuộc xung đột có sự tham dự của Mỹ, là tiền đề cho hàng loạt những bước tiến mới về tác chiến hiện đại của quân đội Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung. Mẫu trực thăng này đưa những đơn vị lính dù trở thành “kỵ binh bay” với độ cơ động cao hơn nhiều phương thức nhảy dù truyền thống. Khái niệm “trực thăng vũ trang” cũng bắt nguồn từ việc đưa vũ khí lên UH-1 cho nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực.

Mặc dù về sau, các dòng trực thăng mới hơn, có vai trò tương tự được giới thiệu, UH-1 vẫn được ưa chuộng bởi quân đội Mỹ cũng như hàng chục quốc gia khác nhờ sự bền bỉ, chi phí vận hành thấp. Các bản nâng cấp liên tục ra đời, giúp thiết kế 61 năm tuổi này có tốc độ, trần bay, sức tải và các hệ thống điều khiển ngày càng tốt hơn. Năm 1970, phiên bản UH-1N với 2 động cơ giúp tăng sức tải lên hơn 2 tấn. Phiên bản này sau đó được phát triển thành UH-1Y với động cơ, cánh quạt, hệ thống điện tử mới và bọc giáp tốt hơn.

Trực thăng đa dụng UH-1A (Ảnh: Wikimedia Commons).


Trực thăng UH-1Y, phiên bản hiện đại nhất của dòng trực thăng UH-1 (Ảnh: U.S Marine Corps).

Tổng cộng, hơn 16.000 chiếc UH-1 các phiên bản đã xuất xưởng tính đến thời điểm hiện tại. Phiên bản UH-1Y vẫn đang được sản xuất mới hoặc nâng cấp trên thân UH-1N cũ. UH-1Y hiện đang là trực thăng đa dụng tiêu chuẩn của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ và sẽ tiếp tục phục vụ thêm một thời gian dài nữa.

“Máy bay trăm tuổi” B-52

Được thai nghén khi chiến tranh Triều Tiên diễn ra ác liệt và đi vào biên chế năm 1955, máy bay ném bom chiến lược B-52 là vũ khí quan trọng trong “bộ ba hạt nhân” của Mỹ thời chiến tranh Lạnh. Khi không mang vũ khí hạt nhân, B-52 với tải trọng bom lên tới gần 30 tấn là máy bay ném bom rải thảm hàng đầu, thể hiện sức mạnh quân sự Mỹ.

Điểm chứng tỏ sự bền bỉ của mẫu máy bay này nằm ở chỗ, trong số 75 chiếc B-52 hiện trong biên chế Không quân Mỹ, chiếc mới nhất xuất xưởng năm 1962. Mặc dù B-21, phương án thay thế B-52 đang được hoàn thiện và dự kiến đi vào trang bị sau vài năm nữa, Không quân Mỹ tuyên bố sẽ duy trì hoạt động phi đội B-52 tới năm 2050, gần 100 năm kể từ ngày nguyên mẫu đầu tiên bay thử.

 

Máy bay ném bom B-52 (Ảnh: U.S Air Force).

Không có tốc độ siêu âm hay tính “tàng hình” như những máy bay ném bom đời mới hơn, B-52 dường như khó có thể sống sót trước các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến hiện nay cũng như trong tương lai. Trên thực tế, năm 1972, hơn 30 chiếc B-52 làm nhiệm vụ ném bom rải thảm đã bị bắn rơi bởi các hệ thống S-75 “Dvina” tại Việt Nam. Nhưng tầm bay xa, tải trọng vũ khí lớn và chi phí vận hành thấp hơn các loại máy bay ném bom khác trong biên chế lại chính là những ưu điểm giúp B-52 duy trì chỗ đứng của mình. Thay vì mang bom, B-52 có thể trở thành phương tiện chuyên chở tên lửa hành trình tầm xa, tấn công ngoài tầm với của các loại tên lửa phòng không.

Hiện tại, một chiếc B-52 có thể mang 20 tên lửa hành trình AGM-86B mang đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn tối đa hơn 2400km, hoặc 20 tên lửa AGM-158 đầu đạn thông thường, tầm bắn hơn 900km. Trong tương lai, B-52 được dự tính sẽ mang các loại tên lửa hành trình cận âm mới và sẽ là phương tiện chuyên chở chính của tên lửa siêu thanh AGM-183, đang được Mỹ gấp rút phát triển để bắt kịp với Nga và Trung Quốc.

Một chiếc B-52 mang tên lửa siêu thanh AGM-183 bay thử nghiệm (Ảnh: Edward AFB).

“Kỷ lục gia” siêu âm MiG-21

 

Khi nhắc tới tiêm kích phản lực, khó có thể bỏ qua đôi cánh tam giác đặc trưng của MiG-21, do phòng thiết kế Mikoyan-Gurevich (Liên Xô) tạo ra. Không chỉ là tiêm kích phản lực được chế tạo nhiều nhất với gần 14.000 chiếc các phiên bản, MiG-21 còn là tiêm kích có thời gian phục vụ lâu nhất. Nhiều quốc gia hiện vẫn duy trì hàng trăm chiếc MiG-21 trong biên chế, nâng cấp chúng để kéo dài thời gian phục vụ.

Mặc dù đi vào hoạt động từ năm 1959, MiG-21 có tốc độ tối đa gấp 2 lần vận tốc âm thanh, tốc độ leo cao đạt hơn 200m/s, không hề thua kém các tiêm kích ra đời sau này. Thiết kế MiG-21 đạt được những thông số trên cho dù được chế tạo bằng các vật liệu cơ bản, dễ kiếm, sử dụng máy móc đơn giản, không cần trình độ kỹ thuật cao.

Trong chiến đấu, MiG-21 có thể hoạt động tốt ở sân bay dã chiến thô sơ, thực hiện nhiều phi vụ mỗi ngày mà chỉ cần bảo dưỡng tối thiểu. Số lượng sản xuất lớn, chế tạo đơn giản cũng khiến việc kiếm phụ tùng thay thế dễ dàng hơn, đảm bảo tính sẵn sàng chiến đấu cao. Đây là những ưu điểm hấp dẫn đối với các nước có ngân sách quốc phòng hạn chế.

Từ năm 1959 đến 1985, hơn 11.000 MiG-21 đã được sản xuất tại Liên Xô, Tiệp Khắc và Ấn Độ. Trung Quốc cũng cho ra đời 2.400 chiếc J-7, phiên bản MiG-21 sản xuất theo giấy phép và sau này tự cải tiến. MiG-21 vẫn được các nước Nga, Ukraine, Israel nâng cấp. Còn tại Trung Quốc, chiếc J-7 cuối cùng xuất xưởng năm 2013.

Tiêm kích MiG-21-2000, phiên bản nâng cấp sâu của MiG-21 do tập đoàn Israel Aerospace Industries (Israel) thực hiện (Ảnh: Wikipedia).

 

Các phiên bản MiG-21 và J-7 sau này có tính năng vượt trội hơn nhưng vẫn giữ các ưu điểm của thiết kế 60 năm về trước. Mặc dù có tầm hoạt động ngắn, thiếu thể tích bên trong để mang radar lớn và các thiết bị điện tử phức tạp như tiêm kích hiện đại, nhưng MiG-21 vẫn là tiêm kích đáng gờm nếu có chiến thuật sử dụng hợp lý.

Trong suốt thời gian phục vụ và các cuộc xung đột có mặt MiG-21, máy bay có nhiệm vụ chính để phòng không điểm dưới sự dẫn đường của radar cảnh giới. Do đó, MiG-21 vẫn có thể làm tốt nhiệm vụ của mình trong điều kiện chiến tranh hiện đại nhờ sự phát triển của các loại radar trên bộ hoặc trên không. Xét về số lượng đang hoạt động trên thế giới, MiG-21 nhiều khả năng sẽ chỉ “nghỉ hưu” sau khi vươn tới con số 70 năm phục vụ, thậm chí còn lâu hơn thế.

Sự trường tồn của “đồ cổ” An-2

Máy bay hai tầng cánh An-2 ra đời năm 1947 theo yêu cầu của Bộ Lâm nghiệp Liên Xô về một máy bay rẻ, bền bỉ, đa dụng, nhằm phục vụ nông nghiệp và các mục đích dân sự khác. Thiết kế của viện nghiên cứu Antonov thành công tới mức hơn 18.000 chiếc An-2 đã được chế tạo tại Nga, Ukraine, Ba Lan và Trung Quốc tính tới năm 1991. Việc sản xuất hạn chế từ các chi tiết tồn kéo dài tới năm 2001.

Cấu tạo đơn giản, dễ tùy biến giúp máy bay có thể đảm nhiệm nhiều chức năng như chở hàng, phun thuốc trừ sâu, nghiên cứu khoa học, cứu thương và phổ biến nhất là vận tải hành khách. Máy bay rất dễ điều khiển, có thể cất hạ cánh trên đường đất hoặc mặt nước, mặt băng sau khi thay bánh đáp bằng phao hay ván trượt.

 

Những ưu điểm đó cũng tỏ ra đặc biệt hữu dụng trong quân sự. Sự ổn định, khả năng bay chậm và thấp khiến An-2 rất thích hợp để triển khai lính hay hàng hóa bằng dù. Trong một số trường hợp, An-2 đã từng được sử dụng làm máy bay cường kích hạng nhẹ, trang bị bom, rocket và súng máy.

Không những thế, khả năng bay thấp, chậm, bám địa hình còn giúp máy bay tránh bị radar phát hiện, yếu tố rất cần thiết cho lực lượng đặc nhiệm khi phải bí mật thâm nhập sau phòng tuyến đối phương. Độ bền bỉ, dễ bảo dưỡng của An-2 cho phép nó hoạt động tốt trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp. Hàng nghìn chiếc An-2 đã đi vào trang bị trong quân đội của khối Warsaw, cùng gần 50 quốc gia khác.

Một chiếc An-2 của Không quân Estonia (Ảnh: Wikimedia Commons).


Máy bay hai tầng cánh TVS-2DTS (Ảnh: SibNIA)

 

73 năm tính từ khi ra đời đến nay, An-2 vẫn đang phục vụ trong nhiều lực lượng vũ trang và các hãng hàng không ở khắp nơi trên thế giới. Một số công ty đã và đang nâng cấp An-2 cũ hoặc chế tạo máy bay mới trên cở sở thiết kế “cao tuổi” nhưng hiệu quả này. Mới đây, Viện nghiên cứu hàng không Siberia (SibNIA) đã hoàn thiện mẫu máy bay TVS-2DTS, “hậu duệ” của An-2 với động cơ mới và kết cấu làm bằng vật liệu composite. Dự kiến 200 máy bay sẽ được chế tạo từ năm 2021, tiếp nối di sản của dòng máy bay hai tầng cánh này.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm