Quốc tế

NI: Tàng hình không giúp F-22 chiếm lợi thế trước Su-35

Chuyên gia quân sự Mỹ Mark Episkopos vừa chỉ ra loạt thế mạnh của Su-35 trước F-22, những lợi thế khiến tính năng tàng hình của F-22 mất tác dụng.

Chuyên gia Knutov nói về danh sách những "siêu vũ khí" bất thành của Mỹ / Báo Trung Quốc nêu tên các loại vũ khí được ông Putin đánh giá cao

Nhận định được Mark Episkopos nói đến trong bài viết trên tờ National Interest (NI). Những lợi thế của Su-35 so với F-22 được chuyên gia Mỹ nêu tên bao gồm tải trọng chiến đấu khổng lồ, hệ thống vũ khí đa dạng cùng khả năng linh hoạt đáng kinh ngạc.

Tiêm kích Nga được trang bị pháo đối không GSh-30-1 30mm. Sáu tên lửa tầm ngắn không-đối-không R-74 cho phép tác chiến hiệu quả ở khoảng cách không xa, trong khi 12 tên lửa đối không R-77 có thể tấn công các mục tiêu ngoài phạm vi quan sát trực tiếp.

NI: Tang hinh khong giup F-22 chiem loi the truoc Su-35
Tiêm kích F-22.

Mặc dù mục đích chính của Su-35 là giành ưu thế trên không, nhưng nó có thể tấn công cả các mục tiêu mặt đất và đối hải rất mạnh, nhờ có nhiều lựa chọn dùng bom có điều khiển, cũng như tên lửa không-đối-đất và tên lửa hành trình, chẳng hạn như X-31, X-35, X-59, Kalibr...

Tổng trọng lượng vũ khí Su-35 có thể mang theo lên tới hơn 8 tấn, trong khi con số này ở F-22 khoảng 7 tấn.

Tiêm kích F-22 Raptor là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ năm được phát triển để chống lại máy bay đối phương, che chắn yểm trợ cho binh lính và các mục tiêu ở hậu phương tránh các cuộc không kích, chống lại máy bay trinh sát của đối phương cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết khó khăn hay thuận lợi.

Tuy nhiên, do thiết kế của F-22 quá tập trung vào không chiến nên chúng không thể đánh biển và rất yếu về đánh đất. F-22 không thể chỉ định mục tiêu cho vũ khí dẫn đường laser, vũ khí không đối đất thì bị giới hạn ở mức khoảng 910kg.

Radar APG-77 lại không có khả năng mở khẩu độ tổng hợp để lập bản đồ mặt đất nên F-22 không có khả năng chỉ định mục tiêu trên mặt đất cho các loại vũ khí có điều khiển. Khả năng tấn công mặt đất cực kỳ hạn chế của F-22 đã khiến nó gần như không thực hiện bất kỳ nhiệm vụ thực chiến nào kể từ khi được đưa vào trang bị.

 

Năm 2018, Lockheed Martin đã tiến hành gói nâng cấp Increment 3.1 để bổ sung chức năng mở khẩu độ tổng hợp cho radar để lập bản đồ mặt đất và cải thiện hệ thống điện tử để dẫn đường cho bom thông minh JDAM và bom hàng không đường kính nhỏ GBU-39. Tuy nhiên nhiệm vụ đối hải thì F-22 vẫn chưa thực hiện được.

"Tất cả những nhược điểm của F-22 cho thấy trong trường hợp phải đối đầu với Su-35, tính năng tàng hình của tiêm kích Mỹ không giúp chiếm lợi thế dù máy bay Nga chỉ thuộc thế hệ 4++", chuyên gia Mỹ viết.

Cùng quan điểm với chuyên gia hàng đầu của Mỹ, chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov cũng cho rằng, với khả năng của radar Irbis và vũ khí trên Su-35, tiêm kích tàng hình F-22 không thể tiếp cận để khai hỏa, trong khi vũ khí tầm xa không đủ mạnh.

Theo chuyên gia Nga, công nghệ tàng hình được sử dụng trên máy bay quân sự Mỹ B-2 Spirit, F-22 Raptor và F-35 Lightning II có những sai sót nghiêm trọng bởi công nghệ tàng hình không thể giúp chúng vô hình và tiêm kích Nga đủ khả năng phát hiện và tấn công chúng ở khoảng cách an toàn.

Ông Leonkov trích dẫn các chỉ số về tầm xa mà tiêm kích nội địa thế hệ 4++ Su-35 với trạm radar Irbis có thể phát hiện được tiêm kích thế hệ thứ năm F-22 Raptor của Mỹ. Hóa ra là máy bay F-22 Raptor có thể bị nhìn thấy ở khoảng cách 266 km, đó là lý do tại sao nó không thể lặng lẽ phóng tên lửa AIM-120D ở khoảng cách 180 km.

Công nghệ tàng hình của Mỹ dựa trên việc phân tán bức xạ của chúng theo hướng ngược lại với ăng ten radar, nên hiệu quả của hệ thống phụ thuộc vào tần số hoạt động của hệ thống phòng không đối phương.

 

"Về cơ bản, chúng được thiết kế cho dải tần X (bước sóng centimet). Nếu radar đối phương sử dụng dải L (sóng decimet) hoặc Ka (sóng milimet) thì máy bay Mỹ sẽ gặp nguy hiểm.

Và những radar hoạt động trong mọi phạm vi, cụ thể là các mảng ăng-ten hoạt động theo từng giai đoạn, khiến việc tàng hình trở thành công nghệ vô nghĩa", chuyên gia Nga nhấn mạnh.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm