Quân sự thế giới hôm nay (5/6): Nga cảnh báo tên lửa tầm xa phương Tây sẽ thổi bùng căng thẳng ở Ukraine
Chuyên gia Mỹ 'mách nước' cách F-16 chế áp S-400 / Tiêm kích F-16 đối diện 3 vấn đề lớn nếu tới điểm nóng
* Nga cảnh báo việc phương Tây viện trợ tên lửa tầm xa cho Ukraine sẽ thổi bùng căng thẳng
Theo Reuters, ngày 4/6 (giờ địa phương), Moscow cảnh báo bất kỳ việc cung cấp tên lửa tầm xa nào cho Kiev từ Pháp và Đức sẽ dẫn đến một “vòng xoáy căng thẳng” gia tăng trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Tháng trước, Anh đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên cung cấp tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraine. Hiện Ukraine đã yêu cầu Đức cung cấp tên lửa hành trìnhTaurus, có tầm bắn 500km, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này cũng sẽ viện trợ tên lửa có tầm bắn đủ xa để Ukraine thực hiện cuộc phản công đã nhắc đến từ lâu.
Nga cảnh báo tên lửa tầm xa từ phương Tây sẽ thổi bùng căng thẳng ởUkraine. Ảnh: Defense Update |
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya-1, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Chúng tôi đã bắt đầu thấy có các cuộc thảo luận liên quan việc Pháp và Đức chuyển giao tên lửa có tầm bắn từ 500km trở lên cho Ukraine. Đây là lớp vũ khí hoàn toàn khác và nó sẽ dẫn đến một vòng xoáy căng thẳng khác”.
Nga đã nhiều lần chỉ trích các nước phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine và cảnh báo rằng các thành viên NATOđã trở thành bên trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột khi cung cấp các loại vũ khí tầm xa. Ông Peskov cũng nhắc lại rằng Nga sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự của mình ở Ukraine cho đến khi “công việc được hoàn thành... Không còn lựa chọn nào khác”, để bảo vệ an ninh của chính mình và đẩy lùi một phương Tây thù địch và hiếu chiến muốn hủy diệt Nga.
* Chưa có đột phá trong phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển
Tờ Bưu điện Jerusalem (Jerusalem Post) ngày 5-6 đưa tin các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan sẽ gặp nhau vào trung tuần tháng sáu (từ 12-6 trở đi) để thảo luận thêm về việc Thụy Điển xin gia nhập NATO. Những nỗ lực của quốc gia Bắc Âu này đã bị trì hoãn từ nhiều tháng nay do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Chưa có đột phá trong phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Ảnh: AP |
Thông báo nói trên được Tổng thư ký NATOJens Stoltenberg đưa ra ngày 4-6 sau cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Istanbul. Tại đây, ông Jens Stoltenberg cũng cho biết chưa đạt được bước đột phá nào trong đàm phán về tư cách thành viên của Thụy Điển với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và các quan chức của 2 nước sẽ phải gặp nhau thêm nữa để cố gắng khắc phục những khác biệt còn tồn tại giữa các bên.
Mong muốn của NATO là kết nạp Thụy Điển vào thời điểm các nhà lãnh đạo đồng minh NATO nhóm họp tại Litva từ ngày 11 đến 12-7 tới. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa tán thành động thái này. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển đã quá khoan dung với các tổ chức khủng bố và các mối đe dọa an ninh khác, bao gồm các nhóm chiến binh người Kurd và nhóm người liên quan đến âm mưu đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Về phía Hungary, người ta vẫn chưa biết rõ lý do nước này trì hoãn phê duyệt đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển.
* Quân đội Đức đặt hàng thêm 12 pháo tự hành PzH 2000 155mm
Theo thông báo mới nhất của nhà thầu quốc phòng Đức Krauss-Maffei Wegmann (KMW), quân đội Đức đã chính thức đặt hàng 12 pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 mới (PzH 2000 155mm). Đơn đặt hàng được ký theo thỏa thuận ban đầu đưa ra vào tháng 3 vừa qua giữa nhà thầu và quân đội Đức, bao gồm tùy chọn mua 18 hệ thống pháo binh uy lực mạnh, chia thành 3 lô, mỗi lô 6 khẩu.
Pháo tự hànhPzH 2000 155mm do Đức sản xuất. Ảnh:KMW |
Quân đội Đức hiện đang có trong biên chế 121 pháo tự hành PzH 2000 155mm. Hệ thống pháo tự hành này đã trở thành xương sống của lực lượng pháo binh Đức. PzH 2000 là lựu pháo tự hành cỡ đạn 155mm do KMW sản xuất, được biết đến với uy lực mạnh, khả năng dẫn đường chính xác, tầm bắn xa (40km với đạn tiêu chuẩn và 60km với đạn tăng tầm) và tính cơ động cao. Được lắp đặt động cơ MTU 881 Ka-500 công suất 1.000 mã lực, pháo tự hành bánh xích PzH 2000 được thiết kế để hỗ trợ hỏa lực pháo binh hạng nặng, có khả năng cơ động hiệu quả trên nhiều địa hình khác nhau và trong mọi điều kiện thời tiết.
Với tốc độ bắn nhanh nhờ sử dụng công nghệ điều khiển hỏa lực hiện đại (10-13 phát/phút), PzH 2000 có khả năng “bao trùm” hỏa lực pháo trên một khu vực rộng lớn, tạo bước ngoặt quyết định trong cả tác chiến tấn công và phòng thủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo