Quốc tế

‘Siêu khuyển’ robot của Mỹ được đưa vào trực chiến

Không quân Mỹ chuẩn bị đưa những “siêu khuyển” robot vào trực chiến đảm bảo an ninh tại các căn cứ để giảm thiểu binh lính tham gia vào những tình huống khó trong quá trình tuần tra.

Nga công bố siêu robot ngầm vượt trước đối thủ / 'Robot sát thủ nguy hiểm hơn vũ khí hạt nhân'

Theo Huanqiu, Không quân Mỹ gần đây đã bắt đầu đưa chó robot vào trực chiến bảo đảm an ninh tại các sân bay quân sự. Những chú “chó máy” đầu tiên sẽ sớm bắt đầu tuần tra tại Căn cứ Không quân Tyndall tại Florida.

‘Siêu khuyển’ robot của Mỹ được đưa vào trực chiến
Chó robot được thử nghiệm tại căn cứ không quân Tyndall. Nguồn: Sina.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, đơn vị bảo vệ an ninh tại Căn cứ Không quân Tyndall sẽ được trang bị một robot bốn chân "super dog" Vision 60 để đảm nhận nhiệm vụ tuần tra cùng các binh sĩ bảo đảm an ninh tại căn cứ này.

Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố trong một thông cáo báo chí rằng, Phi đội An ninh số 325 của Không quân Mỹ sẽ sớm bắt đầu sử dụng các robot bán tự động do Ghost Robotics phát triển để đảm bảo an toàn cho Căn cứ Không quân Tyndall. Ngày 10/11, đơn vị này đã sử dụng “siêu khuyển” trên để tiến hành diễn tập thực hiện nhiệm vụ.

Thiếu tá Jordan Chris, chỉ huy của Phi đội 325 cho biết, những chú chó robot này sẽ được sử dụng để tuần tra các khu vực khó tiếp cận bởi binh lính tuần tra và phương tiện trinh sát để đảm bảo an ninh toàn diện của căn cứ. Những chú “chó giả” này vẫn không thể thay thế được “chó thật” trong thực thi nhiệm vụ quân sự. Chó robot sẽ được đưa đến các tuyến đường tuần tra và sẽ được giám sát bởi hệ thống giám sát điện tử.

Các binh sĩ có thể điều khiển chúng thông qua thiết bị VR (thực tế ảo) gắn trên đầu tại trung tâm tác chiến phòng thủ của căn cứ. “Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ có thể xem những con chó robot đang phát hiện những gì bằng cách xoay camera và hệ thống cảm biến vào mục tiêu, đồng thời có thể ra lệnh bằng giọng nói thông qua thiết bị vô tuyến do con chó robot mang theo".

Chris nói thêm rằng, chó robot có thể giải phóng các nhân viên Không quân khỏi những nhiệm vụ này và giúp họ linh hoạt hơn để nhanh chóng phản ứng với các trường hợp khẩn cấp đột xuất. Dữ liệu được thu thập bởi những chú chó robot này tại Căn cứ Không quân Tyndall sẽ trở thành 'chìa khóa' bổ sung cho căn cứ. Chúng sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của chúng tôi."

 

Ngoài căn cứ Tyndall, không quân Mỹ còn sử dụng "chó robot" trong nhiệm vụ tuần tra bảo vệ tại căn cứ không quân Nellis, bang Nevada. Mẫu "chó robot", hay phương tiện không người lái 4 chân (Q-UGV), chuyên đảm nhận các nhiệm vụ kiểm tra hiện trường, thu thập thông tin tình báo, giám sát, trinh sát, lập bản đồ, điều phối liên lạc và đảm bảo an ninh thường xuyên.

Ghost Robotics cho biết Vision 60 gần như "không thể bị ngăn cản", đồng thời thiết kế dạng mô-đun cho phép robot có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ sau vài phút hoán đổi các cụm phụ kiện. Mẫu robot này được thiết kế với độ bền cao, chi phí triển khai và bảo dưỡng thấp.

‘Siêu khuyển’ robot của Mỹ được đưa vào trực chiến
Binh lính sẽ điều khiển chó robot bằng thiết bị thực tế ảo. Nguồn: Sina.

Các quân binh chủng của Mỹ từng thử nghiệm phương tiện mặt đất không người lái, song "chó robot" Vision 60 "đi trước một bước so với các loại xe bánh lốp hoặc bánh xích thường xuất hiện trong các cuộc diễn tập trước đây", biên tập viên Brett Tingley và Tyler Rogoway của Drive nhận định.

Vision 60 có thể đóng vai trò quan trọng trong tuần tra quanh căn cứ, trinh sát tiền tuyến, phát hiện các đối tượng có khả năng gây sát thương. Mẫu robot có thể mang cổng kết nối thông tin cùng hệ thống máy tính để liên lạc tốt hơn với các khí tài chỉ huy và kiểm soát ở xa, đồng thời cảnh báo liên tục cho người vận hành về các thay đổi không thể nhìn thấy hay những nguy cơ tiềm ẩn.

Will Roper, người phụ trách lĩnh vực thu nhận, công nghệ và hậu cần của Không quân Mỹ, cho biết trên chiến trường trong tương lai, các binh sĩ sẽ phải đối mặt và đánh giá hàng loạt thông tin và sẽ cần dựa vào sự tổng hợp dữ liệu được thực hiện trong nano giây để có phương án chiến đấu hiệu quả. “Phân tích dữ liệu là một nguồn tài nguyên chiến đấu quan trọng không kém gì nhiên liệu phản lực hoặc vệ tinh, là chìa khóa của chiến tranh thế hệ tiếp theo”, Roper nhận định.

 

Nguyên tắc thiết kế cốt lõi của những chú robot này là giảm độ phức tạp cơ học so với bất kỳ robot có chân nào khác, thậm chí là cả UGV có bánh xe truyền thống, theo trang web của nhà sản xuất. Với việc giảm độ phức tạp trong thiết kế, độ bền, sự nhanh nhẹn và sức chịu đựng của robot cũng tăng lên. “Không gì cản nổi những chiếc Q-UGV của chúng tôi”, Ghost Robotics cho biết.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm