Sau khi hoàn thành gói nâng cấp, tiêm kích tàng hình Su-57 có thể ra đòn ngoài tầm với của đối phương với bán kính chệch mục tiêu (CEP) chỉ 1m.
"Độ chính xác sẽ tăng thêm 30 - 40%. Đây là những chỉ số rất tốt về khả năng chiến đấu của tên lửa tự dẫn. Các loại tên lửa hiện đại tấn công mục tiêu với độ chính xác một mét. Các loại đạn tầm xa có độ chính xác tương tự như vậy. Ở đây hệ thống radar và bộ tìm kiếm ảnh nhiệt đóng một vai trò quan trọng", phi công quân sự danh dự của Nga Vladimir Popov cho biết.
Việc thu nhỏ các thiết bị điện tử của tên lửa hiện đại cho phép tăng sức công phá của đầu đạn bằng cách nhồi thuốc nổ mạnh hơn. Xác suất bắn trúng mục tiêu và tính hiệu quả của vũ khí sẽ tăng lên đáng kể. Su-57 sẽ có khả năng đối đầu hiệu quả với bất cứ vật thể nào trên không và trên mặt đất – tiêu diệt các mục tiêu siêu thanh và đạn đạo, cũng như các mục tiêu cỡ nhỏ.
Để hoàn thành nhiệm vụ trong môi trường tác chiến hiện đại, Su-57 được tích hợp trí thông minh nhân tạo đa chế độ đều kết hợp với máy tính mạnh trên khoang máy bay. Máy tính tự động nhận dạng và xác định các mục tiêu nguy hiểm nhất, xây dựng đường bay tối ưu, giúp phi công lưạ chọn loại vũ khí và thời điểm tấn công.
Su-57 có một số radar thế hệ mới. Ngoài radar với anten mảng pha chủ động ở phía trước máy bay, còn có hai radar phụ vuông góc hai bên hoạt động ở các dải khác nhau. Su-57 có thể dễ dàng phát hiện bất kỳ máy bay đang bay ở khoảng cách hàng trăm km, kể cả máy bay tiêm kích công nghệ tàng hình.
Để tiêu diệt chúng, Su-57 được trang bị loạt tên lửa đánh chặn cực mạnh, trong đó có RVV-BD được phát triển từ nguyên mẫu R-33. Tầm bắn của RVV-DB lên tới 200 km và có thể khai hỏa hỏa ở độ cao rất lớn so với nguyên mẫu vốn có phạm vi hoạt động là 120km.
RVV-BD cho phép Su-57 tấn công các mục tiêu bay quan trọng, kể cả máy bay siêu thanh mà không phải bay vào khu vực sát thương của phòng không đối phương, cũng như có lợi thế trong các tình huống không chiến. Để có được tầm hoạt động lên tới 200km, tên lửa RVV-BD được thiết kế với động cơ đẩy 2 tầng nhiên liệu rắn.
Tên lửa điều khiển bằng phương pháp quán tính trong giai đoạn đầu và sử dụng radar bán chủ động với góc quét ± 60 độ, có khả năng chống nhiễu tốt để tấn công mục tiêu trong giai đoạn cuối. Dù không tiết lộ cụ thể nhưng theo nhà sản xuất GosMKB Vympel, một khi dùng tên lửa RVV-BD, chiến đấu cơ Su-57 có thể dễ dàng bắn hạ mục tiêu kiểu như SR-71 Blackbird hay phiên bản mới SR-72 Mỹ đang phát triển. (Đan Nguyên)
Theo Đan Nguyên/Báo Đất Việt