Quốc tế

Sự thật về việc Việt Nam có MiG-23 và SA-6

DNVN - Máy bay tiêm kích MiG-23 và tên lửa phòng không SA-6 mặc dù được nước ngoài thống kê là có trong trang bị của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng thực tế có đúng như vậy?

X-49A SpeedHawk - Trực thăng siêu tốc kỳ lạ của Mỹ / Khó tin: Tiêm kích MiG-31 tối tân được bán thanh lý với giá chỉ... 5 USD

MiG-23 Flogger là tiêm kích siêu âm cánh cụp cánh xòe thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 10/6/1967, nó được coi là máy bay phản lực chiến đấu thế hệ thứ ba cùng với MiG-25 Foxbat.

Đây là chiếc tiêm kích đầu tiên của Liên Xô thoát ra khỏi khái niệm "đánh chặn" truyền thống khi được trang bị radar phát hiện, theo dõi, ngắm bắn và tiêu diệt mục tiêu ở ngoài tầm nhìn và đã có khả năng quần vòng tìm kiếm mục tiêu trên không.

Ảnh photoshop tiêm kích cánh cụp cánh xòe MiG-23 với logo Không quân Việt Nam trên cánh đuôi đứng. Ảnh: Defence.pk.

Ảnh photoshop tiêm kích cánh cụp cánh xòe MiG-23 với logo Không quân Việt Nam trên cánh đuôi đứng. Ảnh: Defence.pk.

Trong một thời gian khá dài, tranh cãi về việc Không quân Việt Nam có MiG-23 hay không luôn là một chủ đề nóng trên các diễn đàn quân sự trong và ngoài nước.

Thông tin đầu tiên cho rằng Việt Nam có MiG-23 xuất hiện trên Tạp chí quốc phòng Jane’s. Theo đó, trong 2 năm 1985 và 1986 Việt Nam đã được Liên Xô viện trợ 30 chiếc MiG-23ML để thay thế số MiG-19 (J-6) đã lạc hậu.

Ngoài ra trong khoảng thời gian 1987 - 1988, khi xung đột nổ ra giữa quân đội Lào và Thái Lan tại khu vực biên giới hai nước đã có một số máy bay quân sự của Thái Lan đã bị bắn rơi.

Đặc biệt sau khi một chiếc F-5E của Thái Lan bị bắn rơi vào ngày 4/2/1988, họ đã vu cáo rằng chiếc máy bay đó bị MiG-23 của Việt Nam bắn rơi nhằm mục đích xin Mỹ viện trợ F-16.

 

Có thể thấy những đồn đoán trên diễn ra trong hoàn cảnh Việt Nam vẫn thực thi chính sách khép kín với bên ngoài. Đặc biệt, lĩnh vực quân sự luôn được coi là “vùng cấm”.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, khi Việt Nam đã trở nên cởi mở và minh bạch hóa cả những thông tin về mua sắm vũ khí trang bị thì chúng ta đã có thể khẳng định rằng Việt Nam không hề có MiG-23 trong biên chế.

Vậy vì sao nước ngoài lại cho rằng Không quân Việt Nam được trang bị tiêm kích cánh cụp cánh xòe MiG-23?

Có lẽ là họ đã nhầm những chiếc MiG-23 của Liên Xô tại Cam Ranh là của Việt Nam do trong khoảng thời gian này Liên Xô luôn triển khai tại đây ít nhất một phi đội.

Hình ảnh những dãy dài máy bay tiêm kích MiG-23 đỗ trên sân bay Cam Ranh qua ảnh chụp vệ tinh bị nhầm lẫn là của Việt Nam xem chừng là lời giải thích hợp lý nhất.

 

Xe mang phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không SA-6. Ảnh: Wikipedia.

Xe mang phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không SA-6. Ảnh: Wikipedia.

Trong khi đó 2K12 Kub (SA-6 Gainful) là hệ thống phòng không di động tầm ngắn được đưa vào trang bị năm 1967 với mục đích tiêu diệt các mục tiêu bay thấp và trung bình có tầm bắn ngắn.

Được thiết kế với vai trò hệ thống phòng không chiến thuật chiến trường, chuyên đi theo bảo vệ đội hình tiến quân của các sư đoàn cơ giới nên radar LONG TRACK, xe tiếp đạn và xe bệ phóng của SA-6 đều đặt trên khung xe kéo pháo bánh xích hạng nặng AT-T có tính việt dã rất cao.

 

Tương tự như MiG-23, nước ngoài cũng đã đưa khá nhiều thông tin về việc lực lượng phòng không Việt Nam đã được trang bị hệ thống tên lửa phòng không di động SA-6, trong đó có thể kể đến Ausairpower, một trang tin quốc phòng rất có uy tín của Australia.

Tuy vậy, thông tin về SA-6 của Việt Nam thực sự là một ẩn số lớn, đến nay vẫn chưa có bất kỳ bức ảnh nào về SA-6 tại Việt Nam được công bố.

Nghi ngờ về việc Việt Nam đã có SA-6 càng lớn hơn khi những hình ảnh về hệ thống tên lửa phòng không tầm xa cực kỳ hiện đại S-300PMU-1 đã được công khai rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, việc Việt Nam cải tiến tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2TM, đưa vào trang bị tổ hợp tên lửa phòng không di động tối tân hơn nhiều như SPYDER-SR/MR cũng đã không còn là điều gì bí mật.

Do vậy, thật khó tin rằng Việt Nam lại phải thực thi chính sách “giấu hàng” đối với SA-6, một hệ thống phòng không bị đánh giá đã lạc hậu.

 

Có lẽ thông tin về việc Việt Nam có hệ thống tên lửa phòng không SA-6 trong biên chế cũng chỉ là một huyền thoại tương tự như trường hợp tiêm kích MiG-23 mà thôi.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm