Quốc tế

Việt Nam sẽ sản xuất tên lửa phòng không Akash của Ấn Độ?

DNVN - Báo chí Ấn Độ vừa đưa tin, quân đội nước này sẽ nhận tới 6 sư đoàn tên lửa phòng không Akash để lập lá chắn thép bao quanh đường biên giới giáp Trung Quốc và Pakistan.

Đài Loan nâng cấp pháo chính cho hàng loạt xe tăng chiến đấu chủ lực / Xe tăng M60 Patton "lột xác" sánh ngang T-72B3 nhờ gói nâng cấp cực mạnh

Điều đáng chú ý nhất chính là những quả tên lửa Akash này đã được lắp đầu dò do Ấn Độ tự sản xuất 100%. Đây được coi là một cuộc cách mạng mới đối với dòng tên lửa đất đối không xương sống, dự định trang bị cho cả Lục quân lẫn Không quân Ấn Độ và là niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng quốc gia Nam Á này.

Bên cạnh đó, việc tự chủ được bộ phận khó nhất chính là đầu dò của tên lửa còn mở đường cho phép New Delhi tự do xuất khẩu vũ khí trên tới các quốc gia đồng minh mà không cần phải tham vấn ý kiến của nhà cung cấp như trước nữa.

Cần nói thêm rằng trong quá khứ, sau khi tuyên bố sẵn sàng bán cho Việt Nam tên lửa hành trình chống hạm siêu âm PJ-10 BrahMos thì Ấn Độ còn tỏ ý muốn chúng ta hãy đặt mua tên lửa Akash và sẵn sàng hộ trợ công nghệ giúp sản xuất tại chỗ.

Tên lửa Akash phiên bản dành cho Không quân Ấn Độ trong một lần bắn thử nghiệm. Ảnh: Defence Blog.

Tên lửa Akash phiên bản dành cho Không quân Ấn Độ trong một lần bắn thử nghiệm. Ảnh: Defence Blog.

Vậy với diễn biến trên, khi cánh cửa đã rộng mở thì liệu tên lửa Akash có được Việt Nam đặt mua? Có lẽ triển vọng để Akash tới Dải đất hình chữ S là không hề bằng phẳng khi tính năng kỹ chiến thuật của nó chưa có gì nổi bật nếu đặt cạnh Pechora 2TM hay SPYDER-MR mà chúng ta đã có trong biên chế.

Đạn tên lửa phòng không Akash có chiều dài 5,8 m; đường kính 0,72 m; trọng lượng 580 kg với đầu đạn nặng 50 kg; tầm bắn tối đa 30 km; trần bay 18 km. Hệ thống được tích hợp sẵn radar cảnh báo sớm và radar điều khiển hỏa lực do Ấn Độ chế tạo trong nước.

So sánh với một tổ hợp tương đương như SPYDER-MR thì tầm bắn của nó lên tới 35 km, trần bay thấp hơn một chút khi đạt 16 km.

Tuy nhiên SPYDER-MR với đạn tên lửa Python-5 và Derby có chế độ “khóa mục tiêu sau khi phóng” cực kỳ hiện đại, độ cơ động rất cao, chống nhiễu tốt, cung cấp các lựa chọn khác nhau cho việc tiêu diệt đối tượng bay, đồng thời cơ số đạn trên một xe mang phóng cũng nhiều hơn.

 

Ngoài ra thuật phóng của Akash rất lạc hậu khi nó vẫn dùng nhiên liệu lỏng, yêu cầu thời gian chuẩn bị rất lâu. Hơn nữa khi cơ động thì lại đòi hỏi phải rút nhiên liệu khỏi thân tên lửa để tránh cháy nổ trong quá trình vận chuyển, đây là nhược điểm lớn so với đạn tên lửa dùng nhiên liệu rắn hiện đại.

Tên lửa Akash phiên bản dành cho Lục quân Ấn Độ đặt trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72. Ảnh: Defence Blog.

Tên lửa Akash phiên bản dành cho Lục quân Ấn Độ đặt trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72. Ảnh: Defence Blog.

Ưu điểm đáng kể nhất khi so sánh giữa Akash với SPYDER-MR gần như chỉ là đạn tên lửa của Akash có giá thành rẻ hơn rất nhiều, cho phép bắn với số lượng lớn mà không gây “xót ruột” cho người sử dụng.

 

Việc Ấn Độ tỏ ý sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất cho Việt Nam (nhất là khi nước này đã tự chủ việc chế tạo đầu dò) là một yếu tố đáng quan tâm khác, nhưng lợi thế này không vững bền khi Israel cũng thực thi chính sách tương tự nhằm thúc đẩy doanh số bán vũ khí của mình.

Mặc dù bị bất lợi trên nhiều phương diện, nhưng không loại trừ khả năng với chính sách đa dạng hóa vũ khí trang bị và để thắt chặt quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai đối tác chiến lược thì Việt Nam vẫn mua một số lượng nhất định để tiến tới sản xuất tên lửa phòng không Akash của Ấn Độ.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm