Sự tình Ukraine trao vũ khí hạt nhân cho Nga sau khi Liên Xô sụp đổ
Tàu tàng hình Zumwalt tối tân của Mỹ không thể thắng nổi tàu chiến thời Liên Xô / Tại sao Mỹ lại ràng buộc Liên Xô với Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo?
Vũ khí hạt nhân
Theo Hiệp hội kiểm soát vũ khí Hoa Kỳ, quy mô kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô vào cuối năm 1990, lên tới hơn 10.200 đầu đạn hạt nhân. Sau sự tan rã của Liên Xô, số lượng các cường quốc hạt nhân trong Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) chính thức có 4 - ngoài Nga, còn có Ukraine, Belarus và Kazakhstan. Trên lãnh thổ các nước cộng hòa mới độc lập này vũ khí chiến lược vẫn được bố trí. Trong tay Kiev có 1.240 đầu đạn dẫn đường riêng lẻ - đứng thứ 3 thế giới, bao gồm 176 tên lửa đạn đạo liên lục địa và máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Alma-Ata có kho vũ khí nhỏ hơn nhưng cũng rất ấn tượng với 1.040 đầu đạn hạt nhân - nhiều hơn cả số lượng vũ khí hạt nhân của Pháp, Trung Quốc và Anh cộng lại.
Quan điểm của Nga
Ban đầu, Liên bang Nga không có ý định một mình kiểm soát tất cả vũ khí chiến lược của Liên Xô. Vì vậy, vào ngày 21/12/1991, tại Alma-Ata, 4 quốc gia nói trên đã ký một thỏa thuận về các biện pháp chung kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ngày 30/12/1991, tại Minsk, các quốc gia thành viên CIS đã ký kết thỏa thuận về sự cần thiết thành lập Bộ Tư lệnh Lực lượng Chiến lược Thống nhất về vũ khí hạt nhân Liên Xô. Tuy nhiên, trước đó, ngày 25/12/1991, Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã nhận được cái gọi là "vali hạt nhân" từ Mikhail Gorbachev. Nhà lãnh đạo Nga trở thành chủ sở hữu duy nhất của chìa khóa biểu tượng kho vũ khí chiến lược của Liên Xô.
Liên Xô từng sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Ảnh: russian7.ru |
Theo điều khoản thứ tư của các thỏa thuận được ký kết tại Minsk, từ nay, quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân phải được đưa ra bởi Tổng thống Nga, nhưng bắt buộc phải có thỏa thuận với người đứng đầu Ukraine, Belarus và Kazakhstan, cũng như tham khảo ý kiến với các thành viên CIS khác. Trong khi đó, trong số các thành viên của CIS và ở các nước phương Tây, ngày càng có niềm tin rằng, hậu Xô viết, không có nước cộng hòa nào có thể đảm bảo việc bảo quản và mức an toàn cần thiết cho các đầu đạn hạt nhân, ngoại trừ Nga. Vấn đề thiếu kiểm soát một cách thống nhất vũ khí chiến lược của Liên Xô cũng đã gây ra mối quan ngại lớn ở Mỹ và Châu Âu.
Moscow thừa kế
Kết quả là, Bộ chỉ huy thống nhất các lực lượng chiến lược đã không bao giờ được thành lập. Nửa đầu năm 1992 là thời gian mâu thuẫn gay gắt giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Pavel Grachev và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cuối cùng của Liên Xô Yevgeny Shaposhnikov - người đồng thời giữ chức vụ Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang CIS. Chẳng mấy chốc, cơ quan này đã bị cho ra lề, Bộ Quốc phòng Nga nhận về mình quyền kiểm soát vũ khí chiến lược của Liên Xô. Và đến cuối năm 1992, việc kiểm soát lực lượng hạt nhân chiến lược trong thực tế đã được Moscow độc quyền, không có sự tham gia của Kiev, Minsk và Alma-Ata.
Kiev từng có cơ hội thừa kế 1.240 đầu đạn hạt nhân từ Liên Xô. Ảnh: srrb.ru |
Tháng 6/1992, các quốc gia thành viên CIS ủng hộ ý định của Nga ký Hiệp ước về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Ngoài ra, họ bày tỏ mong muốn tham gia thỏa thuận với tư cách là các quốc gia phi hạt nhân. Như vậy, Kiev, Minsk và Alma-Ata tái khẳng định họ sẵn sàng tự nguyện từ bỏ kho vũ khí chiến lược của mình. Moscow phải mất thêm vài năm sau đó để chuyển toàn bộ vũ khí hạt nhân về Nga. Đến năm 1996, không có kho vũ khí chiến lược nào ở Belarus và Kazakhstan, riêng với Ukraine, mọi thứ diễn ra phức tạp hơn.
Ukraine phi hạt nhân
Tại nước cộng hòa 50 triệu dân mới độc lập Ukraine, có một mong muốn mạnh mẽ biến nước này thành một cường quốc sở hữu một lực lượng Hải quân và Lực lượng hạt nhân chiến lược mạnh. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nezalezhnoy Sergei Golovaty khi đó tuyên bố thẳng thừng rằng, Kiev cần vũ khí hạt nhân để “ngăn chặn nước Nga”. Về phần mình, Tổng thống Ukraine lúc đó Leonid Kravchuk bày tỏ nghi ngờ năng lực nước Nga trong việc phá hủy vũ khí hạt nhân được chuyển giao. Tuy nhiên, với sự hòa giải của Washington, Kiev đã được thuyết phục về sự cần thiết phải chuyển kho vũ khí chiến lược sang Moscow. Tháng 1/1994, trong một tuyên bố ba bên của các nhà lãnh đạo Mỹ, Nga và Ukraine, Kiev đã xác nhận tình trạng phi hạt nhân của mình.
Vì nhiều lý do, Nga may mắn tiếp quản toàn bộ vũ khí hạt nhân Liên Xô. Ảnh: znaj.ua |
Việc từ chối vũ khí hạt nhân của Kiev được ghi nhận trong Bản ghi nhớ Budapest ngày 5/12/1994, theo đó, Ukraine, cùng với Belarus, đã tham gia Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân và cam kết có nghĩa vụ tạo điều kiện cho việc đưa tất cả vũ khí chiến lược đó ra khỏi lãnh thổ của mình. Đổi lại, Mỹ, Anh và Nga hứa sẽ không gây áp lực kinh tế đối với Ukraine, cũng như tìm kiếm hành động của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốcngay lập tức trong trường hợp Kiev trở thành nạn nhân của cuộc xâm lược vũ trang. Như vậy, Nga lặng lẽ và không mất mát gì, mặc dù có những khó khăn nhất định, trở thành chủ sở hữu duy nhất kho vũ khí hạt nhân chiến lược do Liên Xô để lại.
Trong thực tế, theo cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk trong một cuộc phỏng vấn cách đây không lâu, hầu như không có cơ hội để làm khác, mặc dù vũ khí hạt nhân sẽ thực sự giúp kiềm chế thế lực xâm lược từ phương bắc, và bây giờ, nếu bị gây hấn, nước này không có gì để đáp trả. Thời hạn tồn tại về mặt kỹ thuật của các đầu đạn hạt nhân kết thúc vào năm 1997 và phải thay đầu đạn mới. Ukraine không sản xuất đầu đạn hạt nhân, (chúng được chế tạo tại Nga) và không thể mua chúng, trong khi Yeltsin bắn tin rằng, sau năm 1997, Nga sẽ không nhận về lãnh thổ của mình các đầu đạn nguy hiểm. Ukraine không thể vừa mới được độc lập ngay lập tức trở thành mối đe dọa đối với châu Âu và thế giới vì tiềm năng hạt nhân không thể kiểm soát.
End of content
Không có tin nào tiếp theo