Tàu ngầm lớp Scorpène trong “tầm ngắm” của nhiều nước
Châu Âu nỗ lực chế tạo tên lửa đánh chặn vũ khí siêu thanh Nga / Belarus kích hoạt hệ thống phòng không S-400 thứ hai
Tàu ngầm lớp Scorpène do Công ty Naval Group của Pháp thiết kế dành cho thị trường xuất khẩu. Tàu có chiều dài từ 60m đến 82m, lượng giãn nước khi nổi từ 1.600 đến 1.800 tấn. Tàu Scorpène có 4 phiên bản, bao gồm loại chạy bằng điện-diesel thông thường CM-2000, loại động cơ đẩy không phụ thuộc vào không khí ngoài (AIP) AM-2000, tàu ngầm ven biển CA-2000 cỡ nhỏ và tàu ngầm không trang bị AIP cho Hải quân Brazil. Tàu ngầm lớp Scorpène có 2 động cơ diesel công suất 1.250kW, có thể mang 18 ngư lôi và tên lửa chống hạm SM39 Exocet...
Hiện nay, có 14 tàu ngầm lớp Scorpène đang hoạt động hoặc đang được Naval Group đóng mới cho hải quân 4 nước. Cụ thể, Hải quân Chile đã đưa 2 tàu ngầm lớp Scorpène vào sử dụng năm 2005 và 2006; Hải quân Malaysia có 2 tàu từ năm 2009; Hải quân Ấn Độ có 6 tàu hoạt động từ năm 2017 và Hải quân Brazil mua của Pháp 4 tàu, trong đó chiếc đầu tiên được đưa vào sử dụng vào năm 2022 và 3 chiếc còn lại sẽ khai thác sử dụng từ năm 2025.
Sở dĩ tàu ngầm lớp Scorpène được Hải quân các nước trên quan tâm vì nhiều lý do, trong đó có năng lực của tàu ngầm thuộc hàng tốp đầu thế giới. Quan trọng hơn cả là Naval Group luôn sẵn sàng tiến hành chuyển giao công nghệ. Theo ông Alain Guillou, Phó chủ tịch Naval Group phụ trách phát triển quốc tế, Naval Group “là nhà cung cấp duy nhất có sẵn kinh nghiệm trong việc giúp một quốc gia phát triển lực lượng tàu ngầm từ số 0”. Với sự hợp tác và chuyển giao công nghệ từ Naval Group, Hải quân Ấn Độ có hai chương trình đóng tàu ngầm lớp Scorpène, có thể điều chỉnh một phần cho phù hợp với yêu cầu và điều kiện hoạt động của Hải quân Ấn Độ.
Tàu ngầm lớp Scorpène thứ sáu sản xuất tại Ấn Độ theo thiết kế của Naval Group được hạ thủy vào tháng 4-2022. Ảnh: meta-defense.fr |
>> Xem thêm: Lính Ukraine kinh hoàng trước phương tiện chiến đấu của Nga
Theo meta-defense.fr, hiện nay có nhiều nước mong muốn sở hữu tàu ngầm lớp Scorpène. Trước hết là Romania. Tháng 4-2022, Bộ Quốc phòng Romania đề nghị Quốc hội bổ sung hơn 100 triệu USD cho ngân sách quốc phòng năm 2023, qua đó có thể khởi động chương trình đóng 2 hoặc 3 tàu ngầm lớp Scorpène nhằm thay thế tàu ngầm duy nhất Delfinul. Đây là mẫu tàu Kilo của Liên Xô được đưa vào sử dụng năm 1985 nhưng ngày nay không còn phù hợp và chỉ được sử dụng cho mục đích huấn luyện. Hiện nay, quá trình đàm phán mua tàu ngầm lớp Scorpène diễn ra khá khả quan.
Indonesia và Philippines, hai quốc gia Đông Nam Á cũng mong muốn sở hữu tàu ngầm lớp Scorpène. Cách đây hơn một năm, Jakarta đã ký thỏa thuận mua 42 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Bản thỏa thuận trên cũng đề cập tới các cuộc đàm phán xung quanh việc Indonesia mua từ 2 đến 6 tàu ngầm lớp Scorpène của Naval Group.
Quốc gia có khả năng sớm ký kết đơn đặt hàng tàu ngầm lớp Scorpène là Argentina. Trang web infodefensa.com dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Argentina cho biết, một thỏa thuận sẽ được ký kết trong những tuần tới, theo đó Pháp sẽ cung cấp cho Hải quân Argentina một đội tàu ngầm, thay thế hai tàu ngầm Santa Cruz và Type 209 được cho nghỉ hưu từ năm 2020 sau nhiều năm hoạt động.
>> Xem thêm: Nhà báo người Mỹ nói về thất bại trong cuộc phản công của LLVT Ukraine
Mặc dù đã sở hữu tàu ngầm lớp Scorpène nhưng Ấn Độ và Malaysia vẫn mong muốn bổ sung thêm loại tàu này. Theo meta-defense.fr, Malaysia mong muốn bổ sung hai tàu ngầm mới để tăng cường khả năng của lực lượng hải quân. Trong khi đó, Ấn Độ có thể đặt mua thêm tàu ngầm lớp Scorpène để có thể duy trì chương trình hợp tác với Pháp, trong đó Naval Group tiếp tục hỗ trợ ngành công nghiệp địa phương cho lĩnh vực đóng tàu.
Nếu các cuộc đàm phán thuận lợi và tiến tới ký được hợp đồng, tàu ngầm lớp Scorpène có thể đổ xô kỷ lục xuất khẩu mà tàu ngầm lớp Daphné cũng của Naval Group lập được trước đó. Trong lịch sử của Naval Group, tập đoàn này đã lập kỷ lục khi xuất khẩu thành công 15 tàu ngầm lớp Daphné từ năm 1967 đến 1975 cho Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pakistan và Nam Phi.
>> Xem thêm: 'Lỗ hổng' về phòng không của châu Âu
End of content
Không có tin nào tiếp theo