Các thông số chính của tiêm kích MiG-41 được giữ tuyệt mật với tương đối ít chi tiết liên quan được tiết lộ, nhưng tiêm kích đánh chặn này sẽ là sự kết hợp tinh hoa và kinh nghiệm 30 năm sử dụng của tiền nhiệm MiG-31.
Và theo giới chức Nga, đây sẽ là một chiếc máy bay “hoàn toàn mới", không phải là một phiên bản nâng cấp sâu của MiG-31, mà là một sự thay thế; có thể sử dụng động cơ Izdeliye 30 hiện đang được phát triển cho Su-57, để tạo ra siêu phẩm đánh chặn tích hợp các vũ khí tiên tiến cùng các loại phương tiện hàng không hiện đại, có thể hoạt động ở Bắc Cực và là một mắt xích tin cậy trong hệ thống vũ khí bảo vệ biên giới nước Nga.
Được phát triển để thay thế MiG-31 Foxhound và không giống như Su-57, MiG-41 dự kiến sẽ không được xuất khẩu. MiG-41 là máy bay siêu thanh, có khả năng hoạt động trong không gian gần, và sẽ tập trung nhiều hơn vào chiến tranh không gian.
Điều này thể hiện một phần của xu hướng ngày càng tăng đối với việc đầu tư nhiều hơn vào các khả năng không gian của các cường quốc quân sự và việc Nga triển khai một máy bay phản lực chiến đấu có độ bền cao được thiết kế đặc biệt để vô hiệu hóa vệ tinh của đối phương - yếu tố tiềm năng thay đổi cuộc chơi về khả năng thống trị không gian thông tin bằng cách làm mù mắt đối phương và thông tin liên lạc.
MiG-41 sẽ sở hữu nhiều tính năng kỹ chiến thuật cực kỳ ưu việt như khả năng tán xạ sóng radar cao, khiến nó "tàng hình" hơn cả Su-57, có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng không của đối phương và có khả năng đánh chặn mục tiêu siêu thanh, đi kèm việc tích hợp trí thông minh nhân tạo, tự vận hành mà không cần phi công.
MiG-41 sẽ có phạm vi tác chiến 1.500 km, có tốc độ đạt Mach 4 (4.500 km/h) ở độ cao hơn 25 km, có thể vươn đến các phần lớn lãnh thổ rộng lớn của Nga trong thời gian ngắn nhất.
MiG-41 dự kiến sẽ được trang bị một radar kết nối mạng siêu mạnh và chia sẻ thông tin với hệ thống phòng không trên mặt đất để có thể nhắm mục tiêu các máy bay ném bom tàng hình ở tầm xa vài trăm km.
Giới chuyên môn cho rằng, MiG-41 sẽ được trang bị tên lửa không đối không tầm cực xa mới và có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách trên 500 km.
Trang Avia. Pro đưa tin, MiG-41 mới sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2023, và vào cuối thập kỷ này, nó sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt và sẽ bắt đầu phục vụ cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga trước năm 2030.
Không loại trừ khả năng tương tự Su-57, MiG-41 cũng sẽ được dần hoàn thiện theo từng bước chứ chưa có ngay đẩy đủ năng lực tác chiến khi bắt đầu bước vào sản xuất hàng loạt.
Tính năng “vô đối”
Yếu tố làm nên sức mạnh của MiG-41 là khả năng thực hiện cả các nhiệm vụ trong không gian vũ trụ, hoạt động ở độ cao giữa tầng bình lưu (45.000m) và tầng đối lưu (12.000m) - nơi có mật độ không khí tương đối thấp.
Ngoài cấu tạo đặc biệt, các loại vũ khí trang bị cũng như các hệ thống tác chiến, liên lạc được trang bị cho máy bay này phải đặc biệt và chịu được điều kiện thời tiết trong không gian, cũng như sự rung lắc cực mạnh ở độ cao lớn.
MiG-41 sẽ có khả năng mang tên lửa chống vệ tinh và Nga cũng có kế hoạch để phóng các vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo thấp từ máy bay này.
MiG-41 dự kiến sẽ triển khai thế hệ vũ khí không đối không mới, và trong khi R-37 được sử dụng bởi các máy bay đánh chặn Foxhound hiện có tầm bắn 400 km và gắn đầu đạn nặng 60 kg.
Phiên bản hiện đại hóa R-37M (còn được gọi là RVV-BD hay "Sản phẩm 620"; định danh NATO là “Arrow” - Mũi tên) được phát triển bởi Cục Thiết kế Chế tạo Máy Nhà nước Vympel, được đặt theo tên của II Toropov (một thành viên của Tập đoàn Vũ khí-Tên lửa chiến thuật), có chiều dài 4,06 m, trọng lượng phóng 510 kg, đầu đạn phân mảnh nặng 60 kg, độ cao đánh trúng mục tiêu từ 15 m đến 25 km.
Tên lửa có động cơ đẩy chất rắn chế độ kép và hệ thống dẫn đường kết hợp quán tính thông qua hiệu chỉnh vô tuyến và radar chủ động với chức năng di chuyển trong giai đoạn cuối của chuyến bay, cho phép phi công khai hỏa theo nguyên tắc "phóng và quên".
Tên lửa R-37 và tên lửa tương lai R-37M sẽ cho phép máy bay chiến đấu này tấn công mục tiêu ở khoảng cách trên 300 km.
Có thông tin, tên lửa của máy bay đánh chặn mới có thể sẽ nhanh hơn đáng kể và có tầm bắn gần 600 km; nhiều khả năng vũ khí MiG-41 tầm bắn ước tính từ 700-1.300 km sẽ được giấu bên trong thân máy bay.
Mặc dù tốc độ Mach 6 của R-37 có thể không đủ để đe dọa các máy bay siêu thanh ở tầm xa hơn như SR-72 sắp ra mắt của Mỹ, nếu tên lửa không đối không mới dùng cho MiG-41 có thể vượt quá tốc độ Mach 14, nó có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các mục tiêu siêu thanh.
Hãng tin Riafan tiết lộ, tiêm kích MiG-41 sẽ có khả năng tác chiến vô song nhờ hệ thống phòng vệ laser mới, có thể vô hiệu hóa các tên lửa đang bay đến bằng cách đốt cháy và phá hủy trước khi chúng tiếp cận máy bay.
Theo một số nguồn tin, chiến đấu cơ MiG-41 sẽ không tập trung quá nhiều vào khả năng tàng hình vì hệ thống phòng vệ laser sẽ bù đắp cho tính năng này. Thay vào đó, thiết kế của máy bay sẽ chú trọng đến tính cơ động, tải trọng vũ khí nhằm tạo thế áp đảo về hỏa lực trước đối phương.
Gần đây, xuất hiện nhiều thông tin rằng Nga đang phát triển một loại vũ khí năng lượng định hướng có khả năng được tích hợp vào máy bay chiến đấu mới, kể cả MiG-41.
Tháng 7/2020, các phương tiện truyền thông Nga đã đề cập đến việc thử nghiệm pháo xung điện từ (“Electro-Magnetic Pulse cannon” - “pháo EMP”). Phương tiện chính để tạo ra các xung như vậy là vụ nổ vũ khí hạt nhân, mặc dù vũ khí EMP phi hạt nhân đã được một số quốc gia triển khai sử dụng.
Những EMP loại này có tầm tác động bé hơn nhiều so với EMP hạt nhân, nhưng có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các vật liệu từ tính và khiến các thiết bị điện từ máy tính đến máy bay chiến đấu không thể hoạt động. Nếu đủ mạnh, chúng có thể gây sát thương trực tiếp cây cối, tòa nhà và các mục tiêu phi từ tính khác.
Việc phát triển một loại vũ khí hướng sóng năng lượng tương tự như của EMP theo một hướng - pháo EMP - sẽ cung cấp cho Nga một vũ khí mang tính cách mạng tiềm năng, có thể được sử dụng để chống lại một loạt mục tiêu từ máy bay đến các trạm radar.
Những vũ khí như vậy sẽ đặc biệt lợi hại nếu được vận hành trong không gian bởi máy bay như MiG-41, được thiết kế để bay bên ngoài bầu khí quyển, vì không giống như pháo hoặc tên lửa, vũ khí năng lượng không giật, nghĩa là dễ bắn hơn trong môi trường chân không so với tên lửa hoặc súng.
Một mẫu pháo EMP công suất bé hơn có thể được sử dụng làm vũ khí chống drone, với các cuộc tấn công điện từ rất hiệu quả để vô hiệu hóa máy bay không người lái.
Điều này đặc biệt có giá trị khi các cường quốc phương Tây tìm cách phát triển một thế hệ máy bay chiến đấu không người lái mới và chuyển sang phụ thuộc nhiều hơn vào các phương tiện không người lái, từ tàu chiến tác chiến mặt nước đến máy bay phản lực trinh sát.
Tùy thuộc vào mức độ hiệu quả về chi phí, Nga có thể chế tạo vũ khí năng lượng định hướng tích hợp trên nhiều nền tảng, từ hệ thống phòng không tầm ngắn đến máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư cũ hơn.
Theo Lê Ngọc/VOV