Quốc tế

Tiếng nói “diều hâu” đứng sau chiến lược cứng rắn của Mỹ tại hàng loạt điểm nóng

Với hàng chục năm kinh nghiệm trong chính trường Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump được cho là nhân vật đứng sau hàng loạt chiến dịch căng thẳng với Triều Tiên, Venezuela và Iran gần đây.

Venezuela tuyên bố sẵn sàng bắt đầu đối thoại với Mỹ / Mỹ, Canada nhất trí dỡ bỏ thuế quan đánh vào nhôm, thép

Tiếng nói “diều hâu” đứng sau chiến lược cứng rắn của Mỹ tại hàng loạt điểm nóng - 1

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Mỹ đang vướng vào 3 cuộc đối đầu lớn trên toàn thế giới và đều có nguy cơ bùng nổ thành xung đột quân sự. Người đứng ở vị trí cầm trịch trên cả 3 "mặt trận" này là John Bolton, một trong những quan chức có niềm tin lớn nhất vào sức mạnh quân sự của Mỹ làm việc tại Nhà Trắng.

Cố vấn an ninh quốc gia 70 tuổi của Tổng thống Donald Trump là người đã “hiện hữu” trong chính sách đối ngoại của Mỹ hơn 40 năm qua. John Bolton dành phần lớn khoảng thời gian này, dù ở trong hay ngoài chính phủ, để bày tỏ lập trường “diều hâu” nhất trong bất kỳ vấn đề nào mà ông tiếp cận.

“Ông ấy thực sự tin rằng khi Mỹ lãnh đạo, thế giới sẽ trở thành một nơi an toàn và tốt đẹp hơn, không chỉ cho riêng chúng ta, mà cho cả thế giới”, Mark Groombridge, người làm việc cho ông Bolton hơn 10 năm, nhận xét.

Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama, hình ảnh John Bolton với bộ ria mép đặc trưng thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, phần lớn là kênh Fox News, nơi ông thường công kích và trút bỏ sự hằn học lên chính quyền Dân chủ.

Những ngày gần đây, John Bolton dường như hứng khởi hơn nhiều khi đạt đến đỉnh cao của quá trình hoạch định chính sách mà trước đây nằm ngoài tầm với của ông.

 

Theo cây bút Julian Borger của báo Guardian (Anh), John Bolton dường như là nhân vật đóng vai trò chủ chốt dẫn tới sự thất bại của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai hồi tháng 2. Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng được cho là đã soạn thảo một danh sách tối đa hóa các yêu cầu của Mỹ, đòi Triều Tiên phải giải giáp hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Kết quả là, một năm theo đuổi chính sách ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên bỗng nhiên dừng lại. Tiếp đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người đang kỳ vọng cách tiếp cận theo từng bước với Mỹ, bắt đầu thể hiện sự bất mãn với Washington bằng việc quay trở lại các vụ thử tên lửa.

Trong cuộc khủng hoảng tại Venezuela, ông Bolton một lần nữa chiếm vị trí trung tâm. Cố vấn an ninh Nhà Trắng tự đặt mình trở thành tiếng nói hàng đầu trong chính quyền Mỹ nhằm tìm cách thay đổi chính quyền tại Venezuela hồi cuối tháng 4.

John Bolton còn tự sản xuất một video cá nhân và kêu gọi các trợ lý hàng đầu của Tổng thống Nicolas Maduro đào tẩu, dù kế hoạch này không thực sự thành công. Ở phía sau hậu trường, John Bolton kêu gọi Bộ Tư lệnh Phía Nam Mỹ đưa ra các giải pháp cứng rắn hơn cho kế hoạch nắm giữ quyền lực của ông Maduro.

Điểm nóng Iran

 

Tiếng nói “diều hâu” đứng sau chiến lược cứng rắn của Mỹ tại hàng loạt điểm nóng - 2

Cựu Tổng thống George W. Bush bắt tay cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton năm 2006 (Ảnh: Getty)

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày càng tăng nhiệt, chính John Bolton là người đã nắm lấy cơ hội, đề xuất triển khai quân sự tới vùng Vịnh, từng bước leo thang căng thẳng với Tehran. Cố vấn An ninh Nhà Trắng được cho là đã kích động một số quan chức tại Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo bằng cách đưa ra những thông tin tình báo giật gân về các động thái quân sự của Iran.

Ông Bolton được cho là đã triệu tập một cuộc họp bất thường về Iran vào ngày 29/4, không phải tại Nhà Trắng, mà tại trụ sở của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Điều này gợi nhớ lại cuộc chiến Iraq trước đây khi Dick Cheney, cấp phó của cựu Tổng thống George W Bush, cũng hành động tương tự.

Chỉ một tháng sau khi trở thành cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của Tổng thống Trump, John Bolton đã tạo động lực để ông chủ Nhà Trắng quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Thỏa thuận này là rào cản lớn nhất trong tham vọng của John Bolton nhằm phát động cuộc chiến lật đổ chính quyền Iran.

Ngay sau khi rút khỏi thỏa thuận, chính quyền Trump đã thể hiện rằng bằng chiến dịch “gây sức ép tối đa” nhằm vào Iran, Washington có thể đạt được “thỏa thuận tốt hơn”, biến Iran thành một nền dân chủ phục tùng theo mọi mong muốn của Mỹ. John Bolton cũng không ngại việc can thiệp hay phớt lờ thẳng thừng các thông tin tình báo để có thể thúc đẩy chương trình nghị sự của ông với Iran.

 

Trong tuyên bố phát từ Nhà Trắng, 10 ngày trước khi thông báo triển khai tàu sân bay và máy bay ném bom tới Trung Đông, John Bolton đã lấy lý do có nhiều dấu hiệu leo thang căng thẳng và hỗn loạn cũng như những cảnh báo từ Iran để biện minh cho việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực này.

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin từng tiếp cận các thông tin tình báo cho biết John Bolton và chính quyền Trump đã nghiêm trọng hóa vấn đề và thổi phồng quá mức mối đe dọa từ Iran, thậm chí ngay cả một vị tướng của quân đội Anh đang hoạt động tại Trung Đông cũng khẳng định ông không nhận thấy có bằng chứng về mối đe dọa gia tăng từ Iran.

Người khác biệt

Tiếng nói “diều hâu” đứng sau chiến lược cứng rắn của Mỹ tại hàng loạt điểm nóng - 3

John Bolton (ngoài cùng bên trái) tháp tùng Tổng thống Trump trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Việt Nam hồi tháng 2. (Ảnh: AP)

Ngoài khoảng thời gian làm việc cho chính quyền Mỹ, John Bolton từng đảm trách những công việc được trả lương cao tại Viện nghiên cứu American Enterprise Institute, một trung tâm nghiên cứu theo đường lối bảo thủ tại Washington, làm chuyên gia cho kênh Fox News và đáng chú ý nhất là diễn giả cho Tổ chức Nhân dân Mojahedin (MeK), một nhóm đối lập Iran từng bị chính quyền Mỹ và EU coi là nhóm khủng bố. John Bolton là một trong số các chính khách lên tiếng bênh vực MeK, cho rằng nhóm này bị xếp oan vào danh sách khủng bố.

 

Jose Bustani, một nhà ngoại giao Brazil, nhận xét John Bolton là một người khác biệt.

“Người đàn ông này khác với bất kỳ ai mà tôi từng gặp trong cuộc đời. Ông ấy không cho phép đối thoại. Bạn không thể thảo luận bất kỳ điều gì với ông ấy. Với ông ấy chỉ có vũ lực mạnh mẽ, vậy là đủ”, Bustani nói.

Khi làm việc cho chính quyền Bush, John Bolton từng tìm cách để phá vỡ các nỗ lực ngoại giao của Mỹ, bao gồm việc cản trở thỏa thuận khung năm 1994 ký với Triều Tiên. Thỏa thuận này rốt cuộc cũng bị xé bỏ, tuy nhiên ít nhất cũng đã kiểm soát hoạt động sản xuất plutonium, nhiên liệu sản xuất bom hạt nhân, trong suốt 7 năm.

Liên quan tới tình hình tại Trung Đông hiện nay, nhiều nhà phân tích đã quy trách nhiệm chính cho John Bolton trong việc đẩy sự căng thẳng lên cao trào.

“Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton của ông Trump muốn Mỹ gây chiến với Iran. Chúng tôi nhận định như vậy vì ông ấy đã nói đến điều này gần 20 năm qua. Tất cả những gì chính quyền Trump đã làm liên quan tới chính sách về Iran, đặc biệt từ khi Bolton trở thành cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Trump từ tháng 4/2018, đều được soi chiếu qua lăng kính đó”, Ben Armbruster, giám đốc truyền thông của Tổ chức Win Without War và là cựu biên tập viên an ninh quốc gia của tờ ThinkProgress, nhận định.

 

“Điều đáng lo ngại hơn cả là John Bolton biết rõ ông ấy đang làm gì. Ông ấy là người gây rối quan liêu dày dạn kinh nghiệm, có kỹ năng gây sức ép để bảo vệ quan điểm của mình. Ông ấy từ lâu đã sử dụng những kỹ năng này để phá hoại chính sách ngoại giao của Mỹ và tìm cách xóa bỏ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí”, chuyên gia Ben Armbruster nói.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm