Quốc tế

UAV tối tân của Nga bị hệ thống tác chiến điện tử hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ hạ gục?

Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc là 'tác giả' đã tiêu diệt chiếc máy bay không người lái trinh sát Orlan-10 của Nga tại khu vực lân cận thành phố Aleppo.

Radar tuyệt mật của Nga giúp Syria 'bắt sống' tiêm kích tàng hình Israel? / Ấn Độ trước lựa chọn khó khăn: Tên lửa S-400 Nga hay tiêm kích F-35 Mỹ?

Tại khu vực lân cận làng Marea, nằm ở phía Bắc thành phố Aleppo, một máy bay không người lái (UAV) trinh sát Orlan-10 của Nga đã bị rơi. Theo những tay súng của nhóm Jaysh Vatania Surya, chiếc UAV nói trên đã bị bắn hạ bởi hỏa lực mặt đất.

Tuy nhiên điều đáng chú ý là trên thân chiếc UAV này thiếu những dấu hiệu hư hại đặc trưng. Điều này cho thấy thực tế là máy bay không người lái đã bị bắn hạ bởi vũ khí phi sát thương, rất có thể là bởi hệ thống tác chiến điện tử (EW) của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó đã có thông báo về việc Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đưa tới miền Bắc Syria những tổ hợp EW Koral để chống lại hoạt động của Quân đội Nga và Syria, cũng như các nhóm vũ trang người Kurd thù địch.

Căn cứ vào những hình ảnh được công bố bởi các tay súng của nhóm Jaysh Vatania Surya thì dễ dàng nhận thấy máy bay không người lái chỉ bị hư hại do va chạm đất ở tốc độ cao, rõ ràng không có vết đạn nào cả.

Giới chuyên gia tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu cung cấp cho các tay súng đối lập sự hỗ trợ lớn hơn nữa, đảm bảo chỗ dựa cho lực lượng này trước những cuộc tấn công của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga và pháo binh Syria.

Với việc triển khai hệ thống tác chiến điện tử Koral để chế áp máy bay không người lái, giờ đây Nga sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc trinh sát trận địa nhằm tiến hành những đợt oanh kích trong tương lai.

Tổ hợp EW Koral do tập đoàn ASELSAN của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển và chế tạo, nó được cho là sở hữu các tính năng tương tự như hệ thống tác chiến điện tử mặt đất Krasukha-4 của Nga.

Tính năng ưu việt của Koral theo thiết kế khiến nó đủ sức chế áp các cụm radar, đài điều khiển tên lửa phòng không... để đảo bảo an toàn cho máy bay quân ta xuất kích làm nhiệm vụ.

Koral mới được chấp nhận đưa vào biên chế Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu năm 2016, cho nên việc đưa nó ra ngoài thực địa (như chiến trường Syria) để kiểm nghiệm mọi tính năng lý thuyết là điều đặc biệt cần thiết.

Cấu tạo của hệ thống EW Koral gồm cụm hai radar hỗ trợ điện tử (Radar Electronic Support) và radar tấn công điện tử (Radar Electronic Attack) đặt trên khung gầm xe tải đặc chủng MAN 8x8 của Đức nhằm tăng tính cơ động.

Trong đó hệ thống radar hỗ trợ điện tử của tổ hợp Koral được trang bị cụm hai tháp ăng ten cỡ lớn có khả năng thu gọn lại khi di chuyển.

Vai trò chính của nó là trinh sát vô tuyến, thu thập dữ liệu tình báo, nhận dạng và cảnh báo sớm các mối đe dọa trên chiến trường. Cụm hệ thống radar này có thiết kế theo dạng module hoạt động trên đa tần số và có tầm hoạt động lên đến 150 km.

Hệ thống radar thứ hai của Koral có nhiệm vụ chính là gây nhiễu và áp chế điện tử đối với các thiết bị quân sự của đối phương. Nó cũng có thể tự động phát hiện những mối đe dọa từ xa và tiến hành vô hiệu hóa chúng.

Cụm radar này của Koral cũng có thiết kế theo dạng module, được trang bị thiết bị thu phát kỹ thuật số có thể hoạt động trên nhiều dải tần số khác nhau với tầm xa trên 100 km.

Toàn bộ hệ thống tác chiến điện tử Koral được vận hành bởi tổ hợp điều khiển trung tâm và một hệ thống giám sát, tất cả đều được đặt trên khung gầm của xe radar hỗ trợ điện tử.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm