Quốc tế

Việt Nam nâng cấp phòng không lục quân bằng S-300V Ukraine?

DNVN - S-300V là phiên bản S-300 dành cho phòng không lục quân, nó được coi là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo di động đúng nghĩa của Quân đội Nga.

Trung Quốc bất ngờ loại biên hàng loạt tàu tên lửa Type 022 / Tên lửa BrahMos trở thành "nỗi thất vọng lớn" của công nghiệp quốc phòng Ấn Độ

Trong quá trình đưa lục quân Việt Nam tiến lên hiện đại, ngoài việc tăng cường đầu tư cho vũ khí cá nhân, xe tăng - xe thiết giáp, trọng pháo, hay thậm chí cả trực thăng vũ trang... thì vẫn còn một chủng loại nữa không thể xem nhẹ chính là tên lửa phòng không.

Yêu cầu này càng trở nên cấp thiết khi chiến trường tương lai được dự báo là thời đại của các "xe tăng bay" có khả năng tung đòn tấn công từ rất xa, vượt khỏi tầm đánh chặn của các hệ thống phòng không lục quân thông thường.

Chính vì vậy, việc có trong biên chế một tổ hợp tên lửa phòng không lục quân tầm xa đặt trên khung gầm xe bánh xích để theo kịp đội hình hành quân của các đơn vị cơ giới nhằm đóng vai trò bảo vệ là điều vô cùng cấp thiết.

Hệ thống tên lửa phòng không lục quân S-300V. Ảnh: TASS.

Hệ thống tên lửa phòng không lục quân S-300V. Ảnh: TASS.

Hiện nay trên thế giới, tổ hợp phòng không lục quân duy nhất đáp ứng các yêu cầu trên chỉ có S-300V do Nga chế tạo, nó đồng thời còn là một lá chắn tên lửa đạo đạo đúng nghĩa, có năng lực đánh chặn cao hơn cả S-300PMU lẫn S-300F.

Toàn bộ hệ thống S-300V đặt trên khung gầm xe bánh xích có sức cơ động tốt, radar của nó phát hiện được các mục tiêu bay có diện tích phản xạ radar thấp hoạt động ở mọi dải độ cao.

Sức mạnh của S-300V nằm ở 2 loại đạn tên lửa 9M82 Giant cùng với 9M83 Gladiator. Trong đó đạn 9M83 Gladiator nhỏ hơn có tầm bắn 75 km, trần bay 25 km, vận tốc đối đa 1.700 m/s, được dùng để tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Còn đạn tên lửa 9M82 Giant to xác đạt tới tầm bắn 100 km, trần bay 30 km, tốc độ lớn nhất 2.100 m/s có nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa không đối đất siêu thanh, thậm chí cả máy bay tác chiến điện tử ở tầm xa.

 

Khả năng chịu quá tải của tên lửa 9M83 đạt 20G, lắp đầu đạn nặng 150 kg, xác suất tiêu diệt mục tiêu của nó vào khoảng 50% - 65% đối với tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 70% - 90% đối với máy bay. Thông số này của 9M82 Giant là 40% - 60% đối với tên lửa đạn đạo tầm trung, 50% - 70% đối với tên lửa tấn công phóng từ máy bay.

Hệ thống S-300VM Antey 2500 - Bản nâng cấp của S-300V. Ảnh: TASS.

Hệ thống S-300VM Antey 2500 - Bản nâng cấp của S-300V. Ảnh: TASS.

S-300V có tính năng rất ưu việt nhưng đi kèm theo đó là đơn giá cực cao, ít nhất cũng gấp rưỡi so với S-300PMU, đây là vấn đề nan giải đối với đất nước có ngân sách quốc phòng còn hạn hẹp như Việt Nam.

 

Phương án mua lại các tổ hợp S-300V dự trữ của Nga là không khả thì vì Moskva chưa đồng ý bán do lo ngại ảnh hưởng tới doanh số của các thế hệ đời sau như S-300VM hay S-300V4.

Nếu vậy, chúng ta vẫn còn phương án khác là tìm tới Ukraine, quốc gia thuộc Liên Xô cũ này được thừa hưởng một vài tổ hợp S-300V, chúng đã bị đưa vào diện niêm cất bảo quản từ năm 2010 vì thiếu kinh phí hoạt động. Nhưng nếu nhận được yêu cầu từ khách hàng thì với năng lực của mình, Ukraine có thể phục hồi lại trong thời gian rất ngắn để bàn giao.

Tuy rằng tính năng không bằng S-300VM hay S-300V4 nhưng S-300V vẫn là một hệ thống vũ khí cực kỳ lợi hại, tỏ ra rất hữu ích với Lục quân Việt Nam trên con đường tiến lên hiện đại. Ngoài ra nó còn là sự bổ sung rất tốt cho các hệ thống thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân như S-300PMU-1 hay tương lai là S-400 Triumf.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm