Quốc tế

Vũ khí Pháp đối đầu hai 'quả núi'

Mặc dù đứng thứ ba với hàng loạt thương vụ lớn, Pháp vẫn thua xa hai nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất là Mỹ (36%) và Nga (21%).

SIPRI: Mỹ, Nga vẫn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới / Nga 'ám ảnh' với vũ khí siêu thanh?

Miếng bánh nhỏ cho Pháp

Số liệu mới nhất do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 9/3 cho thấy trong giai đoạn 2015-2019, xuất khẩu vũ khí của Pháp chiếm 7,9% thị trường thế giới, mức kỷ lục tính từ năm 1990 đến nay.

Thị phần mở rộng đã đưa Pháp lên vị trí thứ ba trong số các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Mặc dù đứng thứ ba, Pháp vẫn thua xa hai nước dẫn đầu là Mỹ (36%) và Nga (21%).

Trong giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu của Pháp đạt mức tăng trưởng 72% so với 5 năm trước (2010-2014), chủ yếu bắt nguồn từ những thành công của các thương vụ lớn mà các tập đoàn vũ khí hàng đầu thực hiện.

Vu khi Phap doi dau hai 'qua nui'
Tiêm kích đa năng Rafale là một trong những mẫu vũ khí "bán chạy" của Pháp

Các thương vụ điển hình như Dassault Aviation bán 2 lô máy bay chiến đấu Rafale cho Ai Cập và Ấn Độ, tập đoàn Naval Group bán trang thiết bị, tàu hộ tống, tàu ngầm cho Brazil, Ấn Độ, Ai Cập, Malaysia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Giới phân tích Pháp đánh giá, các hợp đồng xuất khẩu vũ khí góp phần giảm bớt thâm hụt thương mại của nước này, đồng thời đóng vai trò an ninh rất quan trọng.

Tờ Le Monde dẫn lời ông Herve Guillou, Chủ tịch-Tổng giám đốc tập đoàn Naval Group, nhận định không có nước châu Âu nào đủ sức duy trì khả năng cạnh tranh của nền công nghiệp quốc phòng chỉ bằng chính thị trường nội địa.

Điều đó có nghĩa là, nếu không có các thương vụ bán vũ khí cho Ai Cập, Qatar hay nhiều nước khác, Pháp sẽ không đủ khả năng tự sản xuất và cung cấp cho quân đội các loại trang bị tiên tiến, hiện đại nhất, trừ bỏ tiền ra mua từ nước khác, chủ yếu là của Mỹ.

Pháp đã phải chờ được Quốc hội Mỹ chấp thuận khi muốn mua máy bay không người lái (UAV) Reaper của Mỹ hồi năm 2007. Điều này được nhìn nhận như sự giới hạn chủ quyền quốc gia dưới con mắt của người Pháp.

 

Giới phân tích Pháp đặc biệt chú ý thực tế là thị trường vũ khí thế giới vẫn tăng trưởng 5,5% trong giai đoạn 2015-2019.

Một phần lớn của mức tăng trưởng này xuất phát từ Trung Đông (tăng 61%), khu vực chiếm tới 35% nhập khẩu vũ khí của thế giới. Chỉ riêng Saudi Arabia, nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, đã mạnh tay tăng chi phí cho lĩnh vực này lên 130%.

Vu khi Phap doi dau hai 'qua nui'
Pháp từng "lật kèo" Nga để chuyển 2 chiếc tàu đổ bộ Mistral bán cho Ai Cập

Bất chấp những tranh cãi về hoạt động quân sự của Saudi Arabia ở Yemen, năm 2019, Riyadh tiếp tục mua thêm rất nhiều vũ khí, trong đó có 30 máy bay tiêm kích và một số lượng lớn tên lửa của Mỹ, nhiều xe bọc thép của Canada và Pháp, tàu tuần tra Pháp, tên lửa và máy bay huấn luyện của Anh.

Trong giai đoạn 2015-2019, Mỹ tiếp tục củng cố vị thế thống trị ở thị trường “chịu chi” khi 73% lượng vũ khí Saudi Arabia nhập khẩu đến từ Mỹ, 13% từ Anh và 4,3% từ Pháp. Trong khi không thể chiếm thêm “miếng bánh” lớn hơn ở Saudi Arabia nhưng Pháp đã cải thiện vị trí đáng kể ở các thị trường khác.

Điển hình là trường hợp của Qatar, nước đã tiếp nhận lô máy bay Rafale đầu tiên năm 2019 sau khi đặt hàng 36 chiếc năm 2015 và 2017, đã gia nhập tốp 3 khách hàng lớn nhất của công nghiệp quốc phòng Pháp. Trong giai đoạn 2015-2019, bộ ba này bao gồm Ai Cập, Qatar và Ấn Độ.

 

Cạnh tranh khốc liệt

Tờ Le Monde dẫn dự báo của SIPRI cho biết, tính tất cả các đơn đặt hàng đã ký, xuất khẩu vũ khí Pháp sẽ tiếp tục duy trì mức cao trong ít nhất 5 năm tới. Tuy nhiên, người Pháp cũng bày tỏ lo ngại khi cạnh tranh gia tăng từ các nhà cung cấp khác sẽ làm cho cuộc đua sít sao hơn. Trong số các đối thủ, cái tên Trung Quốc được tờ báo Pháp nhắc tới.

Theo đó, Trung Quốc là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới, là nhà cung cấp cho 40 nước trong giai đoạn 2010-2014, nay đã tăng lên 53 nước. Le Monde dẫn lời ông Guillou cho biết đã gặp các đại diện doanh nghiệp sản xuất vũ khí Trung Quốc khắp nơi trên thế giới, từ Pakistan cho tới châu Phi.

Vu khi Phap doi dau hai 'qua nui'
Pháp "quảng cáo" vũ khí trên đại lộ Champs Elysees nhân ngày quốc khánh 14/7/2018

Ông Guillou nói: “Xuất khẩu vũ khí là một trong những thành tố trong chiến lược quốc gia hùng cường của Trung Quốc. Nếu như nơi đâu Trung Quốc không có mặt, như tại Ấn Độ hay Philippines, thì lại có các đối thủ cạnh tranh như Nga thế chỗ”.

Bên cạnh đó, giới phân tích Pháp cũng không khỏi lo lắng trước sự thay đổi của các khách hàng như Saudi Arabia hay Ai Cập. Trong giai đoạn 2015-2019, Pháp đã cung cấp tới 35% trang bị quân sự cho Ai Cập song giờ đây Cairo đang hướng tới việc đa dạng hóa nguồn cung.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly mới đây có chuyến thăm tới Ai Cập và đích thân Tổng thống Ai Cập el-Sisi kêu gọi tăng cường hợp tác Pháp-Ai Cập nhưng ông vẫn muốn đặt mua tàu chiến của tập đoàn Italy Fincantieri và của tập đoàn Đức ThyssenKrupp Marine Systems. Trong khi đó, Paris vẫn tiếp tục phải chờ đợi quyết định của Cairo về đơn hàng bổ sung 12 chiếc Rafale.

Vu khi Phap doi dau hai 'qua nui'
2 chiếc Mirage-2000N bay cùng 1 chiếc Rafale phía trên Khải Hoàn Môn ở Paris

Ngoài khu vực Trung Đông, Pháp cũng đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ. Theo SIPRI, Ấn Độ chiếm 9,2% tổng lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2015-2019, trong khi Saudi Arabia chiếm 12%.

Các vụ không kích của Ấn Độ ở Balakot (Pakistan) và việc Pakistan đáp trả hồi tháng 2 năm ngoái đã cho thấy sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu vũ khí tại khu vực.

Trong cuộc đối đầu này, Ấn Độ triển khai các máy bay chiến đấu của Pháp (Mirage-2000) và Nga (Su-30MKI và MiG-21), cùng với bom dẫn đường chính xác của Israel (Spice-2000) và pháo của Thụy Điển (Bofors).

Phía bên kia, Pakistan sử dụng các tiêm kích Mỹ (F-16) và Trung Quốc (JF-17) cùng hệ thống cảnh báo sớm trên không AWACS của Thụy Điển.

 

Cũng theo SIPRI, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ trong giai đoạn 2010-2014 và 2015-2019, nhưng lượng giao hàng đã giảm 47% và thị phần của Moscow trong kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ đã giảm từ 76% xuống 56%.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm