Rao bán tên miền giá triệu đô, ai mua?
Đủ chiêu PR
Tại góc đường Trương Định và Võ Văn Tần, quận 3 mấy ngày qua xuất hiện nhiều thanh niên cầm các tấm biển “cần tiền trả nợ”, “cần tiền cưới vợ”. Người chủ trò là Nguyễn Trọng Khoa, 38 tuổi ở TPHCM. “Một nhóm của chúng tôi đang rao bán tên miền”- Khoa nói khi được hỏi về hình thức kinh doanh này - “Việc các thành viên trong nhóm kinh doanh tên miền của tôi cầm tấm biển “cần tiền trả nợ” và “cần tiền cưới vợ” để rao bán các tên miền đẹp là chuyện chẳng có gì lạ”.
Ở một góc đường khác cũng tại quận 3, nhóm của Khoa rao mẫu tin “mua 2 tên miền tặng 1 ngôi nhà”. Khoa khẳng định: “Đó là món quà khuyến mãi của mình cho khách hàng chứ không hề điêu ngoa. Tôi rao bán hai tên miền giá 10 tỷ đồng, nếu ai mua sẽ tặng thêm căn nhà đang sống ở quận Phú Nhuận”.
Trong những ngày qua, Khoa và nhóm của mình rao bán những tên miền: “VietnamPublicbank.com, Nganhangdaichungvietnam.com, Vincomretail.com, Vietnamconstructionbank, nganhangxaydungvietnam.com với mức giá từ 10-20 tỷ đồng gây khá nhiều bất ngờ đối với người đi đường. Nhiều người còn cho rằng nhóm người rao bán tên miền “có vấn đề về thần kinh”.
Anh Trần Ngọc Long, ở quận 7 tỏ ra hoài nghi về cách bán sản phẩm của nhóm người này, nhưng Khoa cho rằng việc ra ngã tư đường bán hàng chỉ là chiêu quảng cáo bán hàng mới lạ. Thay vì quảng cáo trên các phương tiện truyền thông phải mất số tiền lớn, Khoa đã chọn giải pháp “thủ công” nhằm tiết kiệm chi phí.
“Mục đích cuối cùng nhằm bán được sản phẩm. Tôi đi theo chuyên ngành Marketing nên rất thích những ý tưởng, kế hoạch khác lạ. Suốt ngày đứng bám vỉa hè, nhóm nhận được rất nhiều câu hỏi, sự tò mò của người đi đường”- Khoa kể.
Tên miền V..Retail.com được rao giá 1 triệu USD. Hỏi tại sao có giá ngất ngưởng như vậy, Khoa cho biết mình dựa vào khối lượng tài sản khổng lồ của tập đoàn này và chỉ lấy 0,1% trên tổng tài sản này thì giá của nó đã là hơn 1 triệu USD.
Có phạm luật?
Một luật sư cho rằng việc Nguyễn Trọng Khoa mua các tên miền gần giống với tên các cá nhân, thương hiệu nổi tiếng rồi rao bán có thể gây nhầm lẫn, thiệt hại cho chủ sở hữu đích thực. Chiêu PR này của nhóm mua bán tên miền nhằm gây sức ép với các doanh nghiệp, cá nhân bị mạo danh.
Trao đổi về vấn đề đăng kí, mua bán tên miền ở Việt Nam hiện nay, luật sư Nguyễn Tri Đức- Công ty Luật LAW 360 thuộc Đoàn Luật sư TPHCM- cho biết đến nay, những qui định của pháp luật tại Việt Nam về vấn mua bán tên miền vẫn còn thông thoáng: “Ngoại trừ các tên miền bị cấm đăng ký theo qui định, còn lại mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” và tên miền quốc tế”.
Cũng theo luật sư Đức, dựa vào độ “thoáng” của hành lang pháp lý như vậy nên nhiều chủ thể đã đầu cơ các loại tên miền quốc tế, tên miền Việt Nam để kinh doanh, lách luật dưới các hình thức chuyển nhượng “ngầm” cho các chủ thể khác có nhu cầu.
Nguyễn Trọng Khoa khẳng định việc làm của mình không hề vi phạm pháp luật. Theo luật định, đăng kí sở hữu tên miền là sở hữu trí tuệ. “Tên miền do chủ sở hữu suy nghĩ ra chứ không hề “ăn cắp”- Khoa cho biết và phân tích thêm: “Người kinh doanh tên miền được xem là vi phạm pháp luật trong trường hợp sử dụng tên miền giống với tên các thương hiệu để cạnh tranh không lành mạnh”. Theo Khoa, anh chỉ đăng kí quyền sở hữu tên miền rồi cất giữ đó, không dùng tên miền đã sở hữu vào mục đích xấu?!
Đến thời điểm này, nhóm của Khoa chưa bán được một tên miền nào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo