Rợn người với hủ tục “đám cưới ma” tại Trung Quốc
Việc tổ chức một đám cưới với người âm cũng phải tiến hành như với người đang sống, không được phép bỏ qua bất kỳ một tiểu tiết nào.
Bởi nhiều người quan niệm rằng, những hồn ma chưa được tổ chức hôn lễ sẽ rất "khó tính", nếu không "khéo chiều" thì người nhà sẽ bị họ "hành" đến hết đời.
Lịch sử ngàn năm của những "đám cưới ma" ở Trung Quốc
“Đám cưới ma” hay còn gọi là "minh hôn" (âm hôn), được cho là đã có từ thế kỷ 17 trước Công nguyên.
Theo sách “Tam Quốc chí - Ngụy chí - Bỉnh Nguyên chí”, năm Kiến An thứ 13, ghi lại điển tích Tào Xung, con trai Tào Tháo không may chết sớm.
Tào Tháo đau khổ, day dứt vì chưa cưới được vợ cho con khi còn sống nên muốn tìm một tiểu thư gia đình quyền quý đã chết để làm lễ cưới với Tào Xung.
Một thời gian sau, nghe nói nhà họ Chân có con gái chết yểu, Tào Tháo liền đến nói chuyện. Hai gia đình chọn ngày lành tháng tốt tổ chức "đám cưới ma" như thật, sau đó hợp táng cho "đôi vợ chồng mới cưới".
Âm hôn thực sự hưng thịnh trong thời nhà Tống.
Theo ghi chép trong "Tạc mộng lục", phàm là những nam nữ thanh niên chưa kết hôn không may chết sớm thì cha mẹ bắt buộc phải nhờ "quỷ mai mối" đi dạm hỏi cưới xin, sau đó tiến hành xem quẻ.
Nếu như xem quẻ đồng ý cho cưới thì hồn ma của đôi nam nữ sẽ được may áo cưới rồi cử hành hôn lễ và chôn cất hai người cùng một mộ.
Vào thời nhà Thanh, những cô gái được chôn cùng người chết đều được coi là trọng trinh tiết và trở thành tấm gương cho thiên hạ, mãi tới cuối đời Thanh, hủ tục này mới dần biến mất.
Ngoài ra, người xưa thường tin vào phong thủy mồ mả, họ cho rằng những ngôi mộ cô độc sẽ ảnh hưởng tới sự hưng thịnh của hậu duệ sau này.
Thời đó, cũng có những nhà phong thủy vì muốn kiếm tiền bất chính nên xúi giục nhiều gia đình cử hành âm hôn.
Bởi vậy, âm hôn thường diễn ra trong những gia đình giàu có thời xưa. Âm hôn xuất hiện khá nhiều từ những năm trước triều Hán.
Âm hôn và nạn buôn bán "cô dâu ma"
Bởi theo quan niệm tâm linh truyền thống, nhiều người vẫn tin rằng một chàng trai không may qua đời khi chưa lập gia đình là một điềm xấu.
Người đó sẽ cô đơn ở kiếp sau hoặc linh hồn không siêu thoát, ở lại "ám" vào những người còn sống trong gia đình.
Nếu muốn gia đình yên ổn phải cưới cho người đã chết một cô gái hoặc tổ chức "âm hôn", cho người đã chết một đám cưới nơi địa phủ.
Chính phủ Trung Quốc đã chính thức cấm hủ tục đám cưới ma năm 1949. Tuy nhiên hiện nay, truyền thống này lại tiếp tục thịnh hành trở lại.
Vì sự mê tín một cách mù quáng, ở nhiều nơi, chủ yếu là vùng nông thôn các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc và Quảng Đông vẫn thường diễn ra mua xác phụ nữ thậm chí là trộm xác, cướp xác để làm đám cưới ma.
Những "đám cưới ma" không hiếm ở Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, và giá cả tùy thuộc vào tình trạng của thi thể.
Một xác chết dùng cho hủ tục này thường có giá hàng chục nghìn nhân dân tệ, nhưng nếu thi thể nạn nhân được bảo quản tốt, giá có thể lên tới 100.000 nhân dân tệ (hơn 16.000 USD), Wei cho hay.
Nhiều vụ "đám cưới ma" đã bị phơi bày trong những năm gần đây ở miền bắc Trung Quốc, và thậm chí lợi nhuận cao còn thỉnh thoảng dẫn đến những vụ giết người để làm nguồn cung cấp xác chết.
Năm 2008, cảnh sát tỉnh Sơn Tây bắt giữ một nghi phạm tên Xue, kẻ cùng đồng phạm ăn cắp 11 nữ tử thi.
Hầu hết trong số đó được bán với giá hơn 20.000 nhân dân tệ (hơn 3.200 USD), thậm chí giá cao nhất là 50.000 nhân dân tệ (hơn 8.000 USD).
Cảnh sát ở huyện Nhuế Thành tỉnh Sơn Tây hôm 26/2/2016 còn cứu sống một cô gái tâm thần 18 tuổi suýt bị đem bán để làm "cô dâu ma".
"Nếu không có cảnh sát can thiệp, cô gái sẽ bị giết để phục vụ cho hôn lễ", Shanxi Evening News đưa tin và cho biết giá mà gia đình mua xác đề nghị là 70.000 nhân dân tệ (hơn 11.400 USD).
Mặc dù những vụ phạm tội nảy sinh từ "đám cưới ma" hết sức nghiêm trọng, nhưng những lỗ hổng trong luật pháp Trung Quốc khiến việc trừng phạt trở nên khó khăn.
Và phong tục này có thể sẽ vẫn hiện hữu nếu niềm tin truyền thống của người dân không thay đổi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo