Rợn người với tục làm “ma khô” của người Lô Lô ở Cao Bằng
Người Lô Lô quan niệm, con người có 2 phần: Linh hồn và thể xác. Khi đem đi chôn, đấy mới chỉ là tiễn đưa thể xác, phần hồn vẫn ở lại, lang thang đâu đó, chưa về được với thế giới tổ tiên. Chính vì thế mà người ta mới làm ma khô để triệu hồn về, tiễn đưa lần cuối. Lúc đó, người chết mới gia nhập được vào thế giới tổ tiên một cách trọn vẹn.
Theo họ nếu không tổ chức làm ma khô, hồn người chết sẽ không đi được về với tổ tiên, sống lang thang vất vưởng hoặc quay về quở phạt, quấy quả con cháu. Thậm chí làm cho súc vật ốm, mọi người trong gia đình bệnh tật... chưa làm ma khô là hồn người chết chưa được sạch sẽ, chưa thể đưa lên thờ cúng trên bàn thờ và như thế coi như chưa được về với tổ tiên. Chính vì thế làm ma khô là điều bắt buộc trong mỗi đám tang của người Lô Lô.
Tuy nhiên, nghi lễ làm ma khô vô vùng tốn kém. Nếu nhà nào có điều kiện kinh tế, họ sẽ tiến hành làm ma khô ngay sau khi đem chôn, còn không phải 2-3 năm, thậm chí cả chục năm mới có thể làm. Bởi khi làm lễ, người ta phải mổ bò, lợn, gà cúng ma, và phải chuẩn bị lương thực cho 3 ngày, 3 đêm tổ chức với sự tham gia của cả cộng đồng.
Khi tổ chức lễ "ma khô" thường sử dụng từ 5 đến 6 đôi trống. Tất cả trống đồng của dòng họ được tập trung lại, nếu ít thì phải mượn trống của dòng họ khác. Trống được treo lên từng đôi, mặt trống cái và mặt trống đực úp vào nhau cách nhau khoảng 20-30cm. Người ta sử dụng 2 thanh tre để gõ trống. Thanh to xiên qua một củ ráy cắt đôi bọc vải chàm để gõ hai mặt trống, thanh tre nhỏ đánh phách nhịp trên tai trống tạo thành âm thanh trầm, âm vang huyền bí. Đánh trống có 5 đến 6 bài đánh để tạo nhịp cho 12 điệu múa.
Mỗi một gia đình anh em họ hàng với người chết mang đến một cây nêu bằng tre hoặc trúc dài treo một miếng vải hoa đỏ hoặc xanh, kèm theo rượu, gạo và 1 con lợn nhỏ hoặc con gà. Con gái, con rể, cậu lớn, cậu bé thì mang con bê hoặc con nghé. Tất cả đàn ông đều mặc áo tang bằng vải màu đỏ hoặc xanh tự khâu dài quá đầu gối. Phụ nữ mặc quần áo mới truyền thống, trên đầu đội thêm từ 3-5 cái áo mới để cúng cho người chết.
Khi thầy cúng làm lễ chính, tiếng trống đồng được đánh lên, con cháu bắt đầu hát gọi là "chỏ chế". Thường đàn ông mới hát "chỏ chế” và hát liên tục cho hết buổi lễ. Nội dung tiếng hát nói lên nỗi thương tiếc người đã khuất, cầu mong cho người chết được về đoàn tụ với tổ tiên và phù hộ cho con cháu có cuộc sống bình yên. Tất cả các cây nêu được tập trung lại trong một cây to dưới nhà. Con cháu bắt đầu múa vòng quanh theo nhịp trống đồng. Có 2 phụ nữ cầm chai rượu và khay chén đứng ngoài vòng lần lượt đưa chén rượu mời mọi người uống.
Hết điệu múa thứ hai thì nghỉ, bắt đầu lễ chính. Tất cả gà, lợn, bê nghé được giết mổ ngay tại dưới dàn trống đồng. Sau khi chọc tiết xong, mỗi con vật được đặt trên một tấm liếp đan hình vuông có buộc một miếng vải đỏ đặt một bát gạo, một chén rượu, thầy cúng cầm một cành lá bưởi bắt đầu khấn.
Thầy cúng là con cháu, anh em mang vật tế đến phải khác tự giết mổ và khác cúng khấn cho con vật tế của mình. Nếu ai không biết khấn thì thuê người khác cúng khấn cho khi xong việc phải chia cho thầy một cái đầu lợn hoặc một cái đầu con gà. Có bao nhiêu con vật tế thì có bấy nhiêu thầy cúng. Tiếng cúng khấn như tiếng hát một nhịp đều đều lẫn vào tiếng ồn ào của đám lễ.Sau đó mỗi một con vật được thui trên một đống lửa riêng. 29 con vật là 29 đống lửa nghi ngút. Trong lễ “ma khô” của người Lô Lô, phảng phất âm vang của tiếng trống đồng cùng tiếng hát "chỏ chế".
Kết thúc buổi lễ, những người hàng xóm ra về với một phần lộc bao gồm: Thịt, rượu, cơm. Còn họ hàng thì ở lại để cùng ăn với gia đình. Các thầy mo thường ra về với những chiếc thủ lợn, tỏ rõ sự kính trọng của gia chủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo