Văn hóa

Sách cho trẻ đủ kiểu sạn, sốc

Ngôn từ phản cảm mới đây trong tập truyện cổ tích một lần nữa thức tỉnh những người làm xuất bản, người viết sách cho trẻ. Thậm chí, lãnh đạo ngành xuất bản đề cập giải pháp mạnh tay- giải tán NXB yếu kém, hay vi phạm.

Làm sách thiếu nhi ẩu sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm hồn và trí tuệ trẻ thơ (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Như Ý.

 

Đủ kiểu sạn

 
Vài tháng dư luận lại choáng trước một cuốn sách dành cho thiếu nhi phản cảm, sai phạm mà phần lớn những xuất bản phẩm này thuộc dạng liên kết, dễ làm ẩu. Tuy nhiên, mới đây điều đáng tiếc xảy ra cả với NXB Kim Đồng uy tín, thuộc top đầu những NXB mạnh, có nhiều đóng góp cho xã hội và có khả năng tự bươn chải trong tình hình ngành xuất bản khó khăn.
 
Truyện cổ tích Việt Nam tập 1 (NXB Kim Đồng) tái bản tháng 10/2014, trong câu chuyện Thạch Sanh có đoạn mẹ nhường chiếc quần cho con: “Nói rồi bà cởi chiếc quần độc nhất của mình trao cho con: -Con cũng đã lớn rồi đấy, cởi truồng mãi thế người ta cười cho, hãy giữ lấy cái quần này của mẹ mà mặc”. Đoạn khác lại đặc tả cảnh Thạch Sanh giết chết trăn tinh: “Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”.
 
Ngay sau khi dư luận nêu nội dung không phù hợp, Cục Xuất bản, In và Phát hành gửi công văn đề nghị NXB Kim Đồng làm rõ. Việc phát hành được ngưng tức thì. Tuy nhiên, điều đáng tiếc, cuốn sách này có lượng phát hành khá lớn, chỉ được phát hiện sau khi tái bản lần thứ 8. 
 
Với uy tín vốn có, những người biên tập có nghề tại sao vẫn lọt hạt sạn này? Ông Nguyễn Huy Thắng, Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng trả lời Tiền Phong: “Đây là sơ suất của NXB Kim Đồng, chúng tôi nhận trách nhiệm về mình và sẽ xử lý. Cuốn sách do tập thể biên soạn, là những người có chuyên môn, có cả cán bộ chuyên nghiên cứu văn học dân gian. Phương châm của nhóm biên soạn muốn tìm đến những văn bản có cái mới, có dấu ấn cá nhân. Đây là định hướng phù hợp với cách làm sách, nhưng trong trường hợp này sự nhạy cảm của người biên soạn, biên tập chưa đủ nhận ra có phần dung tục, thiếu tính nhã trong văn bản, nên đã bỏ qua”.
 
Ông Thắng nói thêm, sách của NXB Kim Đồng luôn qua các khâu biên tập rất kỹ. Đối với Truyện cổ tích Việt Nam, NXB có phần yên tâm vì tính chất văn bản và nhóm biên soạn này, đây cũng là sách tái bản. “Việc đọc duyệt có thể thiên về tính kế thừa, có yếu tố tâm lý yên tâm nữa. Đây là sơ suất đáng tiếc mà NXB Kim Đồng phải rút kinh nghiệm”, ông chia sẻ.
 
Hạt sạn này vẫn chưa đáng sợ bằng những cuốn sách đội lốt dành cho thiếu nhi, rơi vào loại sách liên kết với một số NXB chủ yếu sống bằng việc bán giấy phép. Hỏi đáp nhanh trí (NXB Văn hóa-Thông tin) đưa ra những nội dung gây sốc: “Một người sau khi bị chặt đầu sẽ như thế nào? Đáp: Biến đổi chiều cao”. “Anh A bị chặt đầu năm 40 tuổi, vậy con cái anh A bị làm sao? -Bị mồ côi”. Hay “Bố hỏi Cường làm thế nào khi gặp người sống? Cường đáp phải luộc chín”. Những câu hỏi kiểu này kèm minh họa không kém phần ghê rợn, ám ảnh. Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất gần đây được phát hiện đưa nhiều định nghĩa gây sốc không kém: Bồ bịch - bạn bè thân thích.
 
Làm sách thiếu nhi ẩu sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm hồn và trí tuệ trẻ thơ (ảnh chỉ mang tính minh họa).  Ảnh: Như Ý.
 
Không phạm luật cũng đáng ngại
 
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Văn Hòa nói rằng, chiếu theo điều 10 của Luật Xuất bản năm 2012, Truyện cổ tích Việt  Nam chưa đến mức độ vi phạm, cho nên cơ quan quản lý nhà nước không thể xử lý được. Cục gửi công văn yêu cầu NXB làm rõ, có hình thức xử lý rồi.
 
“Chi tiết Thạch Sanh chém phọt óc trong dân gian có nói, dù không vi phạm Luật Xuất bản nhưng phản cảm, vì nó hơi quá với mục đích giáo dục. Với tư cách bạn đọc, phụ huynh thì bản thân tôi cũng không đồng tình với việc dùng ngôn từ không chọn lọc, không phù hợp lứa tuổi. Không xử lý vi phạm ở góc độ vi phạm pháp luật, không có nghĩa là được xã hội đồng tình. Người làm ra sản phẩm văn hóa tinh thần phải chịu sự điều chỉnh của hai loại khung pháp lý và khung của cộng đồng”, ông Chu Văn Hòa nói.
 
Tại hội nghị cơ quan chủ quản các nhà xuất bản năm 2014 diễn ra cuối tháng 1/2015, Cục Xuất bản, In và Phát hành đưa con số 358 xuất bản phẩm vi phạm, xử lý 129 xuất bản phẩm vi phạm nội dung. Đối với những cuốn sách chưa đến mức vi phạm, nhưng tác động của nó khiến nhiều người lo ngại.
 
“Tác động đầu tiên là những người làm sách ẩu đẻ ra mạng lưới những người làm sách ẩu. Giờ ta ẩu ít, mai ta ẩu nhiều. Nay ẩu một phần, mai ẩu toàn diện. Thứ đến, sách ẩu dành cho trẻ ảnh hưởng đến tâm hồn, trí tuệ. Hỏng về mặt tâm hồn là đáng nói nhất, vì đọc những nội dung này trẻ lớn lên dễ bị nhiễm cái xấu, cái ác, thiên về cái nanh nọc”, nhà thơ Vũ Quần Phương nói.
 
Trong trường hợp truyện cổ tích soạn lại không phù hợp, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, viết lại truyện cổ tích tức là kể lại theo nội dung ngày xưa, đòi hỏi người viết phải có hiểu biết khá thấu đáo về truyền thống văn hóa, hiểu ngôn ngữ cho phù hợp, hiểu tinh thần của truyện. “Không phải ai biết đọc biết viết cũng có thể viết lại cổ tích được”, ông nhấn mạnh.
 
“Hiện văn hóa của ta quân hồi vô phèng. Lâu  nay cứ ai làm sai ta lại túm lấy, phê phán rộ lên một dạo, rồi người khác lại tiếp tục làm sai. Như thế không bao giờ bịt được lỗ hổng. Tôi đề nghị khi phổ biến những nội dung truyện cổ tích, dân gian này cần một hội đồng khoa học”, ông nói.
 
Xóa sổ NXB yếu kém
 
“Muốn nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, người xuất bản phải sống được bằng nghề, tránh việc bán khoán giấy phép, làm ẩu”, Cục trưởng Chu Văn Hòa nói. Nhiều NXB sống lay lắt, có nơi trả lương biên tập viên một triệu đồng/tháng, có nơi chỉ lo đủ tiền đóng bảo hiểm xã hội. Ông Hòa cho rằng, nhà nước nắm xuất bản nhưng không đầu tư đúng mức.
 
“Sắp tới trong khi đổi giấy phép, cơ quan chủ quản nào không đầu tư thỏa đáng cho NXB để họ có thể tự sống được và làm ăn nghiêm túc, Bộ sẽ không đổi giấy phép. Nghĩa là đi đến sáp nhập hoặc giải tán một số NXB không đủ năng lực. Cơ quan chủ quản đẻ con ra phải có trách nhiệm. Có đẻ có dưỡng và có dạy. Đẻ ra không dưỡng, không dạy, không quản lý là có tội”, ông Hòa nhấn mạnh.
 
Trước hồ nghi khó lòng giải tán những NXB này, Cục trưởng Hòa khẳng định, sẽ bỏ được. Theo Luật Xuất bản và các văn bản quy phạm hiện hành, những NXB yếu kém, liên tục cho ra đời những sản phẩm không đáp ứng yêu cầu xã hội, vi phạm luật thì hoàn toàn có thể bị dừng hoạt động. Bộ Thông tin và Truyền thông không có quyền giải tán, nhưng có thể thu hồi giấy phép hoặc không cấp phép đối với những NXB ấy. Thực tế, NXB Văn hóa-Thông tin, NXB Thời đại bị tạm dừng hoạt động. Một số NXB hay vi phạm khác có nguy cơ nằm trong danh sách này.
 
Một trong những giải pháp mà Cục hướng tới là nâng cao hơn nữa trách nhiệm của những người làm sách. Cục mở ba lớp cho khoảng 300 biên tập viên, tiến tới cấp chứng chỉ hành nghề cho biên tập viên. “Biên tập viên phải tự cải thiện trình độ, nếu vi phạm thì bị thu hồi chứng chỉ hành nghề. Ngoài trách nhiệm NXB, quy rõ trách nhiệm cá nhân. Biên tập viên cũng không để giám đốc tùy tiện bán giấy phép, không biên tập mà vẫn đề tên họ, đến khi vi phạm ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo, danh dự của họ”, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nói.      
 

Không nên sửa truyện cổ tích


Trước đây chúng ta từng sửa cái kết của truyện cổ tích Tấm Cám, điều này cũng gây tranh cãi. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng không nên sửa truyện cổ tích, dân gian. “Nước ta giờ chắc cũng đủ truyện, không đủ thì dịch để cung cấp cho trẻ đọc đúng lứa tuổi. Những gì phức tạp chỉ người lớn mới phân tích được thì đừng để trẻ con đọc vội. Khi nào trẻ lớn có đọc và có phê phán. Ví dụ trẻ con đọc Tấm Cám không hiểu, nhưng lên đại học có thể hiểu đó là lối tư duy trả thù chật hẹp của người làm kinh tế tiểu nông. Đấy là tư duy của thời đại ấy, không phải lấy đó làm mẫu mực”, ông nói. 

Theo Tiền Phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo