Sao quan chức không thề trong lễ hội chống tham nhũng ?
Lễ hội Minh thệ độc đáo ở VN đã được khai mạc sáng 4.3, tại khu di tích đình - chùa thôn Hòa Liễu. Những lời tuyên thề không lấy của công dùng vào việc tư, không ăn trộm ăn cắp, chứa chấp của gian tà... được vang lên hào sảng trong tiếng kèn trống giữa sân chùa. Những chén rượu tiết gà được trao cho nhau cùng uống như một hành động khẳng định giữ đúng lời thề. Ông Phạm Đăng Khoa, người viết sử làng Hòa Liễu, cho biết hịch Minh thệ thực sự là viên ngọc quý báu của làng Hòa Liễu. Trong lễ hội ngày xưa, những người tuyên thề và uống rượu tiết gà phải là các vị chức sắc của làng như lý trưởng, trương tuần, chánh tổng..., còn người dân đứng ngoài quan sát và cùng hô vang lời “xin thề”.
Lễ hội này bị gián đoạn trong những năm chiến tranh và được phục dựng lại cách đây 13 năm, với mong muốn giữ gìn một nét đẹp văn hóa và kỷ cương làng xã. Tuy nhiên, theo ông Khoa, những người đứng ra uống rượu thề chỉ là trưởng làng, trưởng dòng họ và 12 cụ cao tuổi nhất làng. Còn lãnh đạo các cấp chính quyền ngồi ở phía dưới đàn tế theo dõi trong suốt thời gian diễn ra các nghi thức tuyên thề. Ông Khoa cho rằng lễ hội trước hết là nét văn hóa riêng của làng Hòa Liễu nên chỉ có người dân trong làng tuyên thề với nhau. “Tuy nhiên, chúng tôi rất mong các cán bộ, lãnh đạo cùng uống chén rượu thề với người dân vì như thế lễ hội sẽ ý nghĩa và hấp dẫn hơn rất nhiều”, ông Khoa bày tỏ.
“Đây thuộc vấn đề nhạy cảm”
Nhiều người kỳ vọng lễ hội này cần được nâng cấp thành lễ hội cấp quốc gia, nhân rộng ra nhiều địa phương. Có ý kiến cho rằng những người dân tuyên thề trong buổi lễ là không đúng đối tượng bởi họ không có cơ hội để tư túi cá nhân. Việc lãnh đạo các cấp chính quyền dự ngày hội thề chống tham nhũng chỉ dưới góc độ là người ngồi xem như hiện nay đã ít nhiều giảm đi sự thiêng liêng vốn có.
Ông Nguyễn Trọng Khải, Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên, cho biết hằng năm đại diện chính quyền và các đoàn thể từ xã đến huyện đều về tham dự lễ hội. Nói về nguyện vọng các cán bộ cấp xã, huyện cùng thề với người dân trong làng, ông Khải cho rằng bản thân các cán bộ, công chức cũng đã phải hứa trước cơ quan, đơn vị khi được giao nhiệm vụ nên việc cùng làm lễ thề trước thần linh như cán bộ của làng là không đúng như tập tục.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Quý, Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy, nhìn nhận đây là lễ hội độc đáo, góp phần giữ gìn bản sắc, tôn ti trật tự trong dòng họ, gia đình và có ý nghĩa giáo dục các thế hệ con cháu. Ông Quý nói có nghe một số ý kiến cho rằng lễ hội cần có lãnh đạo, cán bộ các cấp cùng thề. Tuy nhiên, đó là truyền thống của làng từ trước tới nay. “Ý tưởng đó rất tốt nhưng đây thuộc vấn đề nhạy cảm, ở chỗ đó là truyền thống của thôn. Bản thân cán bộ, đảng viên đứng trước lời thề của người dân như thế, dù chưa được thể hiện ra nhưng trong lòng cũng phải thề một cái gì đó trước thần linh, ông bà, nhân dân của mình làm điều ý nghĩa”, ông Quý nói và mong muốn lễ hội ngày càng làm tốt hơn, ban tổ chức có thể nâng cấp lên để các cán bộ cùng uống rượu thề với dân.
“Dân rất có trách nhiệm với đời sống cộng đồng”
Nói về hội Minh thệ, TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo, phân tích: “Hội Minh thệ ở Hải Phòng, với lời thề công tâm, không tư túi, tham nhũng của công, hiện duy trì ít nhất 4 chức năng. Một, nó dạy đạo đức, tức là chức năng giáo dục. Thứ hai, nó trao truyền văn hóa. Thứ ba, nó liên kết cộng đồng địa phương, nơi tổ chức hội. Thứ tư, nó góp phần làm ổn định môi trường xã hội rộng hơn”.
Trước băn khoăn nếu hội chỉ loanh quanh trong làng thì có phí không, khi chỉ toàn các cụ trong làng thề với nhau, sao các vị lãnh đạo cấp cao không về thề cùng với dân, ông Tuấn nêu quan điểm: “Nếu thấy ý nghĩa của việc chống tham nhũng mà hội đưa ra, mình cứ đưa những nét đẹp đó vào tuyên truyền. Còn cái việc các cộng đồng khác đến học hay tiếp thu thì tự họ với nhau. Nói đúng hơn, học hay không học là do cộng đồng khác muốn học hỏi điều đó quyết định. Chứ đừng bí thư thành ủy về, rồi ông chủ tịch về rồi lại bắt đầu đóng vai đóng kịch lung tung hết cả lên. Không nên. Tốt nhất là của cộng đồng thì để cộng đồng tự lo. Kẻo không lại hỏng một trao truyền văn hóa. Hội Minh thệ chỉ trong cộng đồng nhỏ cũng khiến có người nuối tiếc. Nhưng nuối tiếc cũng đành phải chịu thôi. Mình thấy hội có ích như thế, đưa ra lời thề như thế, chính là một sáng kiến của người dân. Và khi người ta còn duy trì tổ chức lễ hội được như thế thì chắc chắn cộng đồng đấy không thể để ai đó phá lời thề đó được”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo