Văn hóa

Sắp có thêm ngành học mới, ngành Gia đình học

Vừa qua, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Thực tại và tương lai của gia đình trong thế giới hội nhập”.

Đã có hơn 70 tham luận của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu xã hội học, văn hóa học, các chuyên viên cao cấp và các nhà quản lý đến từ nhiều Viện, Cục, Bảo tàng và nhiều trường đại học trong nước và nước ngoài. Các tham luận tại hội thảo đã thực sự góp thêm một tiếng nói và hành động thiết thực vì sự bền vững của gia đình VN. Đồng thời cũng cho thấy việc giảng dạy môn Gia đình học đối với VN là vô cùng cần thiết.

Các nhà khoa học VN và nước ngoài đã cùng bày tỏ quan điểm về những vấn đề cốt lõi của gia đình VN trong hiện tại và tương lai. Hội thảo đã tập trung vào 3 vấn đề chính: Nhóm Nghiên cứu và đào tạo gia đình học gồm những tham luận về những vấn đề đặt ra cho việc nghiên cứu lý luận về gia đình trong xu thế hội nhập và phát triển; một số phương pháp tiếp cận khi nghiên cứu gia đình; cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng ngành Gia đình học tại VN; giới thiệu chương trình đào tạo ngành Gia đình học ở Hàn Quốc...

Nhóm Thực tại của gia đình gồm các vấn đề về các lĩnh vực và chiều cạnh của gia đình như vai trò của các thành viên trong gia đình; việc thực hiện chức năng giáo dục của gia đình; hiện tượng ly hôn và tác động tiêu cực của nó tới con cái; động cơ tiến tới hôn nhân, mâu thuẫn thế hệ, bạo lực gia đình...

Nhóm Sự biến động và tương lai của gia đình tập trung nghiên cứu những biến đổi của gia đình trong điều kiện đô thị hóa và toàn cầu hóa như biến đổi trong đời sống văn hóa gia đình, biến đổi của hệ giá trị gia đình truyền thống... Nhiều tham luận phân tích nguy cơ và thách thức mà gia đình đang phải đối mặt trong điều kiện toàn cầu hóa, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm xây dựng và phát triển.

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là trường đại học đầu tiên triển khai nghiên cứu và đưa giảng dạy môn học Văn hóa gia đình vào trong các khoa chuyên ngành như: Khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số. Hiện trường đang xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý nhà nước về Gia đình, tiến tới hình thành ngành Gia đình học. Đây cũng là một trong những lý do mà trường tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Thực tại và tương lai của gia đình trong thế giới hội nhập”.

Theo lộ trình dự kiến, từ năm 2015 - 2020, Trường ĐH Văn hóa HN sẽ đào tạo thí điểm chuyên ngành gia đình học. Tuy nhiên, chính vì mới nên đặt ra cho trường rất nhiều công việc phải làm. Chắc chắn giai đoạn đầu, ngay từ khâu tuyển sinh cũng sẽ gặp khó khăn để thu hút sự chú ý của học viên và phụ huynh học sinh trước một ngành nghề mới.

PGS.TS Nguyễn Thị Vân Chi, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa HN cho biết hiện nay trường là một trong những trung tâm đào tạo có số lượng đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị cao trong khối đào tạo đại học của cả nước, với 10 PGS, 31 tiến sĩ. Nguồn giảng viên chính vẫn sẽ là những thầy cô giáo có chuyên ngành gần với Gia đình học, chưa có chuyên ngành chính thức nhưng rất nhiều người đã có công trình nghiên cứu khoa học về lĩnh vực gia đình. Quá trình tự nghiên cứu cũng như tìm hiểu sẽ giúp các giảng viên trưởng thành và trở thành chuyên gia về gia đình học.

Một nguồn giảng viên vô cùng quan trọng đó là các đối tác giảng dạy ở nước ngoài, trường sẽ chú trọng mời các giảng viên là chuyên gia trong lĩnh vực gia đình ở nước ngoài sang phối hợp đào tạo. Hiện tại trong lộ trình 2011 - 2014, trường sẽ đào tạo chuyên ngành quản lý gia đình và văn hóa học gia đình.

Công tác đào tạo về chuyên ngành gia đình được triển khai sẽ giúp chúng ta có được một lực lượng cán bộ có chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực này để tham gia bổ sung vào đội ngũ cán bộ chuyên trách đang rất thiếu của ngành VHTTDL. Chắc chắn sự kết hợp công tác đào tạo sẽ giúp chức năng quản lý nhà nước về gia đình của Bộ VHTTDL ngày càng được hiệu quả hơn.

 

 

Hồng Lĩnh

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo