Văn hóa

Sau những bức thư tình của nhà thơ Lưu Quang Vũ gửi nghệ sỹ Tố Uyên

NSUT.Tố Uyên – người nghệ sỹ lừng danh một thời trong các bộ phim: Con chim vành khuyên, Nổi gió, Vợ chồng anh Lực, Biển gọi, Cô giáo vùng cao v.v và trên sân khấu với vai chính trong các vở nhạc kịch: Cô Sao, Núi rừng hãy lên tiếng, Hòn Đất… là mối tình đầu, là người vợ đầu của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

 

                             

                                                         

Đến thăm NSUT Tố Uyên, chúng tôi được tiếp cận hàng chục bức thư tình của Nhà thơ Lưu Quang Vũ gửi  cho chị. Theo chị, đây là tư liệu độc quyền  -  lần đầu tiên được công bố.  Sau những bức thư này, chúng tôi khẳng định, mối tình  đầu đẹp tuyệt vời của họ là nguồn cảm hứng mãnh liệt để tâm hồn nhà thơ Lưu Quang Vũ  (LQV) thăng hoa, để lại những tác phẩm kiệt xuất.
 
“Con ong xanh có đôi mắt đen”
 
Trong căn phòng bộn bề sách báo ở phố Tô Hiến Thành, Tố Uyên mở cho tôi xem những tập tư liệu. Đó là bức ảnh Tố Uyên chụp với Bác Hồ, với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, với Lưu Quang Vũ, với con trai của họ (nhà báo Lưu Minh Vũ) … Đó là những bài báo viết về chị đăng trên các báo trong nước và nước ngoài; là những bài báo, bài thơ của chị đăng trên các báo. Trong số ảnh tư liệu ấy, có bức ảnh của Tố Uyên, đằng sau là dòng chữ của Lưu Quang Vũ: “Tặng Con ong xanh có đôi mắt đen”. Cách đây vài chục năm tôi đã sửng sốt khi đọc bài thơ “Bầy ong trong đêm sâu” của Lưu Quang Vũ từ bản chép tay của người bạn. Trong bài thơ này có câu “Con ong xanh có đôi mắt đen”.  Bây giờ, tôi mới biết, “con ong xanh” trong bài thơ chính là Tố Uyên. Tôi hỏi chị:
 
 
- Sao anh Vũ lại gọi chị là “Con ong xanh có đôi mắt đen”?
 
- Chuyện là thế này: Thời ấy anh Vũ là bộ đội, đóng quân trên Vĩnh Phúc. Một lần, tôi đạp xe lên thăm, được anh ấy đưa lên đồi chơi. Hai chúng tôi đang mải mê nói chuyện thì bất ngờ gặp tổ ong…
 
- Lần đầu, chị và anh Vũ quen nhau như thế nào? 
 
 - Tôi và anh Vũ quen nhau từ thuở nhỏ, cùng sinh hoạt trong đội ca múa Cung Thiếu nhi Hà Nội. Thời ấy, nhà tôi ở phố Bùi Thị Xuân, nhà anh Vũ ở Phố Huế. Chúng tôi gặp nhau luôn nhưng vẫn viết thư cho nhau. Lá thư đầu tiên Vũ viết cho tôi, đến nay vẫn còn nguyên. Có lần anh Vũ còn gửi cho tôi một bưu ảnh bông hồng đỏ thắm. Tên tôi được viết nắn nót rất đẹp ngay giữa nhụy hoa. Thời thiếu nhi, chúng tôi thường được chọn lồng tiếng trong khá nhiều phim của Xưởng phim hoạt hình. Bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam “Ngô, khoai, sắn” tôi được lồng tiếng vai Lúa, còn anh Vũ vai Khoai. Sau mỗi buổi lồng tiếng, Vũ đùa bảo tôi được đóng vai người giàu, chắc lớn lên sẽ sung sướng...
 
- Bây giờ chị thấy tiên đoán của anh Vũ về chị có đúng không?
 
- Cậu nhìn thì biết. Ngôi nhà đã nứt toác thế kia, dột tứ tung mà chưa sửa được. Trước đây, biết bao nhiêu người nhà cao cửa rộng từng muốn đón tôi về, nhưng bây giờ thì mỗi một mình… Tôi đã có cháu nội, cháu ngoại. Các con tôi đều thành đạt, có nhà cửa đàng hoàng, cuối tuần mẹ con bà cháu mới tụ tập lại nấu nướng, ăn uống.
 
- Được biết, năm 13 tuổi, chị  đã nổi tiếng trong và ngoài nước với vai bé Nga trong bộ phim "Con chim vành khuyên". Bộ phim đoạt giải Đặc biệt tại Liên hoan phim Quốc tế Carlovy Vary tại Tiệp Khắc; đánh dấu lần đầu tiên phim truyện Việt Nam được vinh danh trên trường quốc tế. Khi đó, anh Vũ đã sáng tác chưa?
 
- Khi đó anh Vũ đã sáng tác một số bài thơ nhưng chưa nổi tiếng đâu. Có lần, anh ấy viết thư nói “Mong ước được như Nga” (nhân vật chính trong phim “Con chim vành khuyên do tôi thủ vai)
 
- Chị có thể kể về kỷ niệm mối tình đầu của chị?
 
- Anh Vũ nhập ngũ năm 1966, tôi đã vào Trường múa Việt Nam. Mỗi lần nghỉ phép, anh ấy vào trường nội trú thăm tôi. Chúng tôi vẫn viết thư cho nhau. Vũ ngỏ lời yêu tôi trong thời gian này. Có lần anh ấy bảo: "Em như một con chim, anh cứ sợ chim bay đi mất". Tốt nghiệp Trường Múa, tôi về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam và được mời đóng một số bộ phim, sau đó chuyển sang Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, thành solite của Nhà hát với các vai diễn trong các vở nhạc kịch như Cô Sao, Núi rừng lên tiếng, Hòn Đất v.v. Hai lần tôi theo đoàn đi biểu diễn ở tuyến lửa. Những chuyến đi biểu diễn của tôi khiến Vũ lo lắng, sợ không còn được gặp nhau nữa.Trong những lá thư gửi cho tôi, ngoài tình cảm tha thiết, Vũ thường bày tỏ sự trăn trở về cuộc sống, về tương lai của hai đứa.
 
Cuối năm 1969, chúng tôi tổ chức lễ cưới ở số 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Hôm cưới  chú rể mặc complete của bố, đèo cô dâu bằng xe đạp, không có nhẫn cưới và son phấn màu mè, nhưng chúng tôi ngây ngất trong hạnh phúc. Thực ra, trước khi cưới, tôi đã về nhà anh Vũ ở rồi. Anh Vũ bảo, các em anh còn bé lắm, em sang em giúp đỡ. Thế là tôi sang, chăm sóc các em của anh Vũ. Lúc đó, cô Thơ (PGS-TS Lưu Khánh Thơ) còn bé, tôi sang đó tắm rửa cho cô Thơ. Ban ngày thì ở bên đó, tối có thể lại về Bùi Thị Xuân. Hai nhà ở cách nhau có 50m thôi mà.
 
"Không có em anh cũng chẳng là anh” 
 
Tôi không cùng thế hệ với chị Tố Uyên và chỉ được biết Lưu Quang Vũ qua tác phẩm nên không dám phán xét về sự đổ vỡ của gia đình họ. Nhưng đọc các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, dù là thơ, là truyện ngắn, hay kịch, hình ảnh Tố Uyên vẫn thấp thoáng, da diết, ám ảnh trong nhiều tác phẩm của ông. Trong bài  thơ “Gửi Tố Uyên”, Lưu Quang Vũ đã viết: "Không có em anh cũng chẳng là anh/ Biết ơn bàn tay chị sắc màu hạnh phúc/ Em là rễ nối liền anh với đất/ Lại là chồi nở búp đón sương mai"...
 
 
  Kể cả sau khi họ chia tay (năm 1972). Chính những ngày “Tâm hồn tôi rách nát/ Như một chiếc lá khô, như chồng gạch vụn… Mặt tôi âm u như khu rừng rậm” (thơ Lưu Quang Vũ), ông đã viết những bài thơ xuất thần trong tập “Cuốn sách xếp nhầm trang”. 
 
Trên sân khấu, hình ảnh cô gái đội mũ nồi xám (vở kịch cùng tên) cũng chính là Tố Uyên. Chị kể, thời trẻ, chị có cái mũ nồi, anh Vũ có chiếc mũ cát, hai người thường vẫn đổi mũ cho nhau… Cảnh bến sông trong vở kịch “Trái tim trong trắng” là bến sông Hồng, đoạn qua Phú Thượng, nơi chị thường tiễn anh Vũ lên đơn vị. Hình ảnh “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” trong vở kịch cùng tên của Lưu Quang Vũ cũng gắn với kỷ niệm của họ. NSUT. Tố Uyên kể: “Thời đóng phim “Vợ chồng anh Lực” ở Quảng Yên, tôi mang cả Kít (tên thân mật của MC Lưu Minh Vũ thời bé) đi cùng. Có lần, anh Vũ cùng anh Lâm Râu, bạn thân của anh Vũ, xuống thăm. Chiều chiều, cả nhà tôi cùng dạo quanh ao bèo tím. Anh Vũ cầm tay tôi rồi nghiêng người hái hoa tặng vợ. Tôi sợ, dặn anh cẩn thận kẻo sụt chân vào đám sình. Anh bảo, hai đứa phải nắm chặt tay kẻo trượt chân. Sau này, anh Vũ viết kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, có lẽ liên tưởng tới hình ảnh hoa bèo lấp lánh dưới ánh mặt trời hôm ấy”.
 
Dưới đây là một trong những bức thư của Lưu Quang Vũ gửi Tố Uyên:
 
Chiều 15/8/67
 
Chiều đã xuống rồi, Uyên chưa về. Một mình anh Vũ ngồi đây đợi Uyên. Ngoài kia mưa đã tạnh, gió ẩm ướt và buồn. Mùa thu ấy Uyên à, mùa thu, mùa thu của thơ, mùa khai trường những năm thơ dại, náo nức bao nhiêu là lá vàng và những trang vở mới. Nhớ không Uyên, một tối Trung thu năm nào ở đài phát thanh? Khi đó Uyên 15 tuổi và chúng mình e dè ngần ngại chẳng dám nói với nhau một lời nào, tuy rằng thương nhau nhiều lắm… Nhớ tuổi thơ biết mấy, nhớ Uyên, cô bé nghịch ngợm của anh. Uyên biết không, anh Vũ yêu Uyên từ lâu lắm, từ khi Uyên còn đội chiếc mũ lưỡi trai của anh Vũ, từ khi Uyên còn để tóc ngắn xoà vai… Mối tình đầu của anh, hạnh phúc và tâm hồn trong trắng của anh, nỗi buồn vui đau khổ của anh, thơ của anh, Tố Uyên Em yêu quí của anh! Sao chiều nay yêu Uyên nhiều thế? Yêu nhiều như tất cả niềm yêu nỗi nhớ tự ngày thơ dại dồn về cả chiều nay.
 
Chúng ta đã gặp nhau, như con sông đã về với biển, như đôi bạn trẻ trong chuyện Nữ chúa Tuyết của An đec xen?... (một đoạn không đọc được) nhau mãi đã tìm thấy nhau, như chàng Kim Trọng đã gặp lại nàng Kiều sau bấy năm trời lưu lạc. Và anh, anh đã gặp lại em, anh đã gặp lại em. Anh đã gặp lại tuổi thơ đã mất và cũng gặp lại tuổi trẻ hôm nay. Anh đã gặp lại mối tình đầu và anh cũng gặp cả mối tình của hôm nay, mối tình suốt đời. Anh đã gặp lại cô bé Uyên ngày xưa và anh gặp cả người yêu của đời anh.
 
Yêu Uyên nhiều quá mất rồi, lòng anh Vũ bao la quấn quýt bao nhiêu là Tố Uyên. Cách đây ba tuần, cũng buổi tối thứ ba này, chúng ta đã hứa với nhau, chúng ta đã nắm tay nhau, chúng ta đã nhìn vào mắt nhau. Sao cho lời hứa ấy là vĩnh viễn, là suốt đời. Xưa nay anh Vũ tưởng rằng đã mất Uyên, anh Vũ buồn mãi, đau khổ mãi, bây giờ anh Vũ đã tìm được Uyên, anh Vũ chẳng tin cứ nghĩ mình nằm mơ và lo rằng Uyên lại bay đi, anh Vũ lại mất Uyên lần nữa.
 
Trời ơi, nếu thế thì sẽ ra sao, cứ nghĩ đến điều đó là anh Vũ lại sợ… Mà đã tối rồi, sao Uyên mãi chưa về, anh nhìn ra cửa: lát nữa Uyên của anh sẽ đi trên từng bậc cầu thang đó, về nhà đi Uyên, cho anh Vũ nhìn thấy mái tóc Uyên, nụ cười của Uyên, màu áo xanh giản dị của Uyên, cho anh Vũ tin rằng anh Vũ có Uyên mãi mãi.
 
Uyên ơi, ngày mai cho đến suốt cuộc đời chúng ta sẽ có nhau, chúng ta sẽ nắm tay nhau đi trong suốt cuộc đời gian khổ, chúng ta yêu nhau và chúng ta sẽ làm việc tốt hơn, đất nước là của ta, nghệ thuật là phần việc mà ta phải làm cho đời, dành yêu đất nước, yêu sự sống, yêu con người, yêu nghệ thuật, yêu thơ… Anh yêu Em, Em là đất nước, em là thơ. Chiến tranh chưa chấm dứt, ngày mai còn nhiều bão táp phong ba, nhưng Uyên ơi! Em hãy nhìn vào đôi mắt của anh, chúng ta có nhau và chúng ta sẽ vượt qua tất cả. Anh không ngại điều gì, anh chỉ ngại tình yêu của Uyên chưa phải là vô hạn. Đừng Uyên nhé!
 
Uyên biết đấy: anh Vũ sống bằng tình cảm, yêu sự trung thực, dũng cảm, anh Vũ khác mọi người và tình yêu của đôi ta cũng khác mọi người.
 
Uyên ơi! Rồi chúng ta sẽ sống với nhau, anh nói cho em những điều tốt đẹp nhất của lòng anh, anh sẽ đưa em đi suốt cả thời gian, anh sẽ dành những câu thơ đẹp nhất nói về Uyên. Cảm ơn Uyên vì Uyên đã sống ở để trên đời. Và Uyên đã tới với anh. Sao chiều nay anh lại nhớ tới mẹ của Uyên, mẹ của Uyên mà anh chưa biết mặt. Thương Uyên nhiều quá, thương mẹ không còn đến hôm nay. Mẹ có biết chúng mình đã yêu nhau và mẹ có đồng ý không Uyên?
 
 
Cao Thâm
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo