Khi được hỏi về tiêu chí vận hành để Masso Group duy trì sự tồn tại và phát triển trong suốt 15 năm qua, hay khi nói về triết lý sống hằng ngày, ông Nguyễn Trung Thẳng đều nhấn mạnh về sự cân bằng. Đó là cân bằng giữa lợi ích của khách hàng, nhân viên, cổ đông và cân bằng cuộc sống trong một xã hội thực dụng bằng những giây phút lãng mạn.
Giải thưởng khu vực
Đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ khi bước lên nhận giải “Best Use of Content” (chiến dịch thực hiện xuất sắc nhất) của Giải thưởng PR Awards 2015 khu vực Đông Nam Á và toàn cầu được trao cho Masso Group, với chiến dịch E50 thực hiện cho Tổng cục Du lịch Singapore, nhưng niềm hân hoan vẫn tràn căng trên gương mặt ông Nguyễn Trung Thẳng khi nhớ về giây phút ấy. Niềm hân hoan đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi Masso Group là công ty PR đầu tiên của Việt Nam đoạt giải này.
Là “nhạc trưởng” của chiến dịch E50, nhưng khi nói về thành công của Masso Group, ông Thẳng luôn nhấn mạnh về “trí tuệ tập thể”. Chính tập thể đã hình thành ý tưởng chọn 50 câu chuyện kể về 50 sự khác biệt của Singapore thông qua 50 nhà báo, chuyên gia của tất cả các lĩnh vực trong truyền thông. Với ý tưởng này, Masso Group đã thắng các agency (đơn vị cung cấp dịch vụ tiếp thị, quảng cáo) của khu vực.
Theo ông Thẳng, sự gia tăng về lượng khách du lịch từ Việt Nam đến Singapore sau chiến dịch (tăng hơn 60%) và quan trọng hơn là sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về Singapore (từ một điểm đến chỉ có sự sạch sẽ, đơn điệu trở thành một địa chỉ tích hợp toàn bộ văn hóa, công nghệ của thế giới theo khuynh hướng Singapore là “công dân toàn cầu”) đã giúp E50 của Masso Group “qua mặt” hơn 30 chiến dịch của một loạt agency sừng sỏ trong khu vực để đoạt giải “Best Use of Content”.
Ngay chính những du học sinh Singapore, khi tiếp cận chiến dịch truyền thông E50, cũng không ngờ là Singapore có nhiều hình ảnh, tích hợp nhiều văn hóa và nhiều khác biệt như vậy. “Ý tưởng 50 câu chuyện không phải là ngẫu nhiên, vì chúng tôi muốn triển khai đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm hình thành đảo quốc sư tử. Nhưng tìm đủ đề tài để hình thành 50 câu chuyện mới là việc khó nhất và tìm được những chuyên gia ở Singapore để truyền tải câu chuyện cũng là điều không dễ dàng”, ông Thẳng nhớ lại.
Ông chia sẻ, thắng lợi không phải là điều ông tâm đắc nhất, mà điều quan trọng nhất sau khi triển khai chiến dịch này là ông học được rất nhiều về công nghệ xây dựng, triển khai, kiểm soát và duy trì hình ảnh của Singapore. Bên cạnh đó, cơ hội được tiếp cận những agency lớn của toàn cầu, được chia sẻ về thách thức họ phải đối diện, cách họ giải quyết, từ việc tạo dựng ý tưởng, xây dựng kế hoạch, triển khai, dự phòng và xử lý các phát sinh hoặc khủng hoảng là tài sản vô giá với ông và các cộng sự.
Một điều rất quan trọng ông rút ra trong quá trình xây dựng thương hiệu chính là ý tưởng thương hiệu phải được nhất quán và xuyên suốt trong mọi chiến dịch. Với Singapore, ý tưởng thương hiệu được đưa ra một cách rõ ràng, cụ thể rằng, đến Singapore là có tất cả, nơi hội tụ toàn bộ thế giới từ văn hóa, kinh tế, thể thao… Ngoài ra, khi đã thống nhất xây dựng hình ảnh là một “công dân toàn cầu”, thì Singapore có hẳn một bộ máy kiểm soát toàn bộ quá trình sử dụng hình ảnh này.
“Đơn giản như khi viết một bài PR thì sử dụng hình ảnh nào để đăng, đăng ở báo nào, họ cũng kiểm soát rất kỹ, có quy định rất rõ. Có thể nói, sau Hàn Quốc, Nhật Bản, thì Singapore hiện là quốc gia đứng đầu châu Á về công nghệ xây dựng hình ảnh. Họ biến từ không thành có và thực hiện một cách rất kiên định. Đây là bài học lớn cho xây dựng thương hiệu quốc gia và doanh nghiệp”, ông Thẳng chia sẻ.
Trăn trở với thương hiệu Việt
Từ câu chuyện về Singapore, ông Thẳng và cộng sự đang gấp rút hoàn thiện các ý tưởng để tiến tới hình thành một kế hoạch xây dựng hình ảnh quốc gia Việt Nam. Họ ý thức được rằng, từ ý tưởng đến thực tế là một khoảng cách rất xa, nhất là trong bối cảnh nguồn lực, ngân sách hạn chế của Việt Nam, nhưng điều này không có nghĩa là không thể.
“Việt Nam có nhiều lợi thế để xây dựng hình ảnh quốc gia thành công. Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất chính là cam kết của Chính phủ về sự ưu tiên, xem đây là một dự án đầu tư dài hạn, đo bằng nhiều thế hệ, quyết tâm thực thi và năng lực lãnh đạo”, ông Thẳng cho biết.
Bài học Singapore cho thấy, con đường tiến tới một thương hiệu toàn cầu cần nhiều thứ, nhiều cách khác nhau, với Samsung là năng lực sáng tạo, Huawei là sự hỗ trợ của chính phủ, Alibaba là tận dụng công nghệ số khai thác thị trường sân nhà… Tuy nhiên, theo ông Thẳng, mấu chốt quan trọng nhất của việc xây dựng thương hiệu quốc gia chính là tầm nhìn và năng lực lãnh đạo.
“Phần lớn các thương hiệu đều tốn rất nhiều thời gian để trở thành các thương hiệu toàn cầu. Thương hiệu mạnh Việt Nam vốn sinh sau đẻ muộn so với thế giới, vì thế cần những cách thức đột phá như xu hướng khai thác công nghệ số và M&A (mua bán và sáp nhập) như Alibaba và Levono đã làm. Một vài thương hiệu Việt như Vinamilk, Hoàng Anh Gia Lai cũng đang khai thác xu hướng này. Các thương hiệu mới khởi nghiệp nên tìm kiếm cho mình một đại dương xanh, đặc biệt là môi trường số và Internet để tiếp cận thị trường toàn cầu nhanh nhất”, ông Thẳng phân tích.
Nhìn nhận về thách thức trong quá trình xây dựng thương hiệu, ông bảo, hiện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thiếu tính kết nối và sự dẫn dắt. Các doanh nghiệp thay vì hợp lực để tạo sức mạnh cạnh tranh trước các đối thủ quốc tế, lại quay qua cạnh tranh lẫn nhau. Điều này có thể thấy ở ngành nông sản, cà phê, gạo, thủy sản… Và cái giá phải trả là họ không có lợi thế cạnh tranh về quy mô trên thị trường quốc tế, không đáp ứng được các đơn hàng toàn cầu số lượng lớn.
Không có sự tuyệt đối
Khi được hỏi đâu là nguyên tắc quản trị giúp ông duy trì sự tồn tại và phát triển của Masso Group trong suốt 15 năm, trong khi các doanh nghiệp cùng thời thì người bán, kẻ dẹp tiệm, ông Thẳng chia sẻ: “Thần tượng của tôi là Albert Einsten và thuyết tương đối của ông chính là phương châm sống cho mình”.
Masso Group được sáng lập từ niềm đam mê tiếp thị chuyên nghiệp của chính ông Thẳng. Định vị một chiến lược marketing dài hạn nhằm giúp khách hàng một giải pháp trọn gói từ ý tưởng, tổ chức, triển khai và đo lường kết quả, Masso Group hy vọng góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực truyền thông, tiếp thị của các công ty Việt Nam.
Với triết lý kinh doanh “Chia sẻ và làm tăng giá trị” cùng khẩu hiệu “Phát triển bằng tính chuyên nghiệp”, Masso Group đã nỗ lực không ngừng để triết lý ấy thấm vào từng thành viên và tạo nền móng văn hóa cho Công ty, chấp nhận đi từng bước chậm nhưng chắc chắn trong bối cảnh thị trường còn rất mới mẻ nhưng nhiều áp lực và khá manh mún như hiện nay.
Một trong 4 giá trị cốt lõi của Masso Group được định hướng ngay từ ngày đầu thành lập là “khác biệt bằng sáng tạo”. “Giá trị này cũng chính là một trong những tính cách của tôi, người sáng lập công ty. Có lẽ nhờ kiên trì theo đuổi những giá trị này mà Masso Group đã thực hiện được nhiều dự án mang tính tiên phong, quy mô và sáng tạo”, ông Thẳng cho biết.
Xác định sứ mệnh của mình là giải quyết mọi vấn đề marketing, ông Thẳng tự hào rằng, Masso Group chưa bao giờ không có câu trả lời cho bất kỳ một câu hỏi nào. Masso vận hành dựa trên ba tiêu chí. Thứ nhất là cân bằng, mọi quyết định đưa ra phải cân bằng lợi ích cho khách hàng, nhân viên và cổ đông. Masso Group không làm những gì quá nhiều lợi ích nhưng gây tổn hại đến nhân viên.
Thứ hai là bền vững. “Masso Group không theo ‘bạo phát, bạo tàn’. Chúng tôi theo tiêu chí ‘bizfun’, khi làm mọi người phải vui vẻ, chứ không chỉ có lãi”, ông Thẳng giải thích.
Thứ ba là phải tập trung những nhân sự giỏi để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến câu chuyện marketing, thương hiệu của tất cả các khách hàng có yêu cầu. Điều đó có nghĩa là mọi câu hỏi đều có câu trả lời, vấn đề là tìm câu trả lời ở đâu và như thế nào.
Trò chuyện với ông Nguyễn Trung Thẳng
Với kinh nghiệm 15 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, truyền thông, đã bao giờ ông đối diện với khủng hoảng?
Khủng hoảng thì chưa, nhưng vấn đề thì có. Tuy nhiên, ngoài tất cả các tác nghiệp chuyên môn để giảm thiểu rủi ro, kết quả giải quyết khủng hoảng cũng cần sự may mắn nữa.
Áp lực của một “thuyền trưởng” là không nhỏ, nhất là khi phải đối đầu trực diện với nhiều đại gia nước ngoài.
Ông đã duy trì cho bản thân sự cân bằng để tiếp tục sáng tạo như thế nào?
Đó là sự hiểu bản thân và giá trị cuộc sống. Cuộc sống luôn đầy bất ngờ và việc rèn luyện một tâm thế sẵn sàng đương đầu mọi thử thách sẽ giúp mình bình thường ngay cả lúc trên đầu ngọn sóng.
Trên mạng xã hội, ông luôn xuất hiện với hình ảnh rất lãng mạn, đây là hình tượng hướng tới hay phản ánh thực tế?
Cân bằng là triết lý sống của tôi, trong đó có cân bằng âm dương: ồn ào và tĩnh lặng, lý và tình, lãng mạn và thực dụng. Xã hội ngày nay khá thực dụng, bạn cần phải có giây phút lãng mạn để cân bằng.
Theo Đầu Tư