Doanh nghiệp - Doanh nhân

Shark Lê Đăng Khoa: Chọn ê kíp là ưu tiên hàng đầu

Cấp tiến là chiến lược mà "soái ca khởi nghiệp" Lê Đăng Khoa - một doanh nhân Việt Nam trẻ đã áp dụng để xây dựng một loạt thương hiệu trong một thời gian ngắn.

Dù tuổi đời còn khá trẻ và cũng không quá nhiều tiền, Lê Đăng Khoa đã cùng lúc đầu tư, xây dựng được nhiều thương hiệu trong một số lĩnh vực kinh doanh. Khoa hiện là CEO công ty TNHH Phân bón Ba Lá Xanh, Chủ tịch công ty Bất động sản Lê Real, CEO Làng Du lịch sinh thái Tre Việt và đồng sáng lập 38 Degree Flower Market Tea House. Bí quyết của anh là dựa vào sức mạnh tổng hòa của cả đội ngũ.

Phong thái điềm đạm, bản lĩnh của một doanh nhân trẻ khi đưa ra quyết định đầu tư vào các dự án khởi nghiệp chính là "điểm cộng" để Lê Đăng Khoa gây được thiện cảm của khán giả sau khi tập 3 Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank lên sóng VTV3. Ngay sau đó, ông được nhiều bạn trẻ hâm mộ gọi là "Soái ca khởi nghiệp".

Doanh nhân trẻ - Shark Lê Đăng Khoa

Tốt nghiệp ngành tâm lý học ở Mỹ, về nước điều hành công ty CP Phân bón Ba Lá Xanh khi mới 22 tuổi, lại từng quen với môi trường sống hiện đại, vì vậy khi phải ngồi vào ghế tổng giám đốc công ty này thay cho người cha, với Khoa đó là những ngày đầu kinh doanh không hề có hứng thú. Nhưng ngộ ra triết lý muốn kinh doanh lĩnh vực gì thì phải hết lòng và thật sự yêu công việc mình đang làm, Khoa dần yêu nghề và đã đưa Ba Lá Xanh liên tục tăng trưởng ổn định.

Tiến thêm một bước nữa trong nhận thức, đó là kinh doanh không đơn thuần là lợi nhuận mà phải đem lại cho cộng đồng những giá trị thực, Lê Đăng Khoa tiếp tục đầu tư Khu Du lịch sinh thái Tre Việt bất chấp thử thách và rủi ro. Và một lần nữa, ông đã chứng minh là mình kinh doanh đúng hướng.

Theo Lê Đăng Khoa, với một người trẻ, điểm mạnh nhất là dám khám phá cái mới. Vì vậy, Khoa đã vượt qua rào cản của quan niệm kinh doanh "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", chỉ theo một ngành đã chọn và suốt đời gắn bó, để tiếp tục đột phá và tìm kiếm cơ hội trong những lĩnh vực kinh doanh mới.

* Nhưng tại sao ông lại đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh không mới và quy mô thị trường có vẻ không lớn, như mở shop hoa, sản xuất bánh hoặc sắp tới là mở tiệm làm nail?

- Tôi là người mê khởi nghiệp, thích đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh truyền thống nhưng làm theo cách mới. Ví dụ, với chuỗi 4 cửa hàng hoa, tôi muốn tạo cho 38 Degree Flower Market Tea House một mô hình kinh doanh hoàn toàn khác. Thường một cửa hàng chỉ đơn thuần bán hoa thì không đông khách, ngược lại, một cửa hàng chuyên trà, cà phê thì không có gì là đặc biệt.

 

Vì vậy, nếu chỉ mở shop bán hoa đơn thuần thì tôi không làm và nếu mở quán cà phê thì tôi không dám, vì vậy tôi kết hợp cả hai trong 38 Degree Flower Market Tea House để đem lại trải nghiệm mới cho người mua hoa, tạo một điểm đến để khách hàng không chỉ được thưởng hoa, mua hoa mà còn được thư giãn, chuyện trò trong không gian ngập tràn hoa, vừa thơ mộng, vừa hiện đại của quán cà phê, trà và thưởng thức bánh do công ty sản xuất.

Sắp tới, mô hình này sẽ có thêm chuỗi cửa hàng đáp ứng nhu cầu của phái nữ theo tiêu chí một điểm đến, nhiều dịch vụ, gồm 3 tầng: tầng shop hoa, tầng cà phê và tầng làm nail.

Riêng sản xuất bánh, đây là lĩnh vực không mới nhưng khác biệt của tôi là chất liệu chính làm ra các loại bánh là bột dừa - loại bột đang được các nước Âu Mỹ ưa chuộng vì có nhiều chất xơ và ưu thế về dinh dưỡng. Việt Nam là xứ trồng dừa, vì vậy, sau bước đi đầu tiên là sản xuất bánh từ bột dừa, lâu dài tôi sẽ xuất khẩu bột dừa ra thị trường các nước.
* Nhưng tại sao lại là hoa mà không phải là lĩnh vực nào khác?

- Xuất phát điểm của tôi là nông nghiệp nên những sản phẩm kinh doanh cũng được chọn trên nền tảng kết hợp nông nghiệp với dịch vụ để đưa sản phẩm nông nghiệp ra thị trường. Xét về tiềm năng, kinh doanh hoa có lợi nhuận không hề nhỏ.

Riêng ngành công nghiệp xuất khẩu hoa tươi, hiện nay thế giới có quy mô 100 tỷ USD/năm. Các nước xuất khẩu hoa lớn mỗi năm có doanh thu hàng tỷ đô và luôn giữ thị phần chi phối trên thế giới, như Hà Lan chiếm 55%, Ecuador chiếm 16%, đặc biệt, sự vươn lên cả về chủng loại lẫn giá trị xuất khẩu hoa tươi của Malaysia với kim ngạch đạt hơn 1 tỷ USD/năm.

 

Những năm gần đây Campuchia đã xuất khẩu khá nhiều loại hoa. Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành "nông trường hoa" trên bản đồ hoa tươi toàn cầu vì điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không hề thua kém các nước xuất khẩu hoa.

* Vậy ông đã có kế hoạch xuất khẩu loại hàng hóa tiềm năng này?

- Bên cạnh việc tập trung vào phát triển kênh phân phối hoa tươi và xây dựng thương hiệu cho 38 Degree Flower Market Tea House, bước đầu tôi đã đầu tư trồng 4 hécta hoa cẩm tú cầu và hướng dương tại Đà Lạt và vẫn đang trồng nhiều giống hoa khác phục vụ trong nước và đưa ra thế giới.

* Liệu có mâu thuẫn không khi ông nói muốn phát triển hoa Việt Nam nhưng tiêu chí kinh doanh của 38 Degree Flower Market Tea House lại là "Hoa nhập giá tốt".

- Qua tìm hiểu, người dùng đang cần nhưng thị trường chưa đáp ứng đủ, đó là hoa phải đẹp, giữ được độ tươi lâu, ngoài các giống hoa trong nước, cần có thêm nhiều giống hoa mới từ các nước. Tuy nhiên, do hoa nhập khẩu thường phải trải qua 5 - 6 khâu trung gian trước khi đến tay người dùng nên giá luôn cao và độ bền cũng không dài.

 

Để giải quyết vấn đề này, 38 Degree Flower Market Tea House đã nhập khẩu trực tiếp, đầu tư bảo quản hoa tươi lâu bằng phòng lạnh và các kỹ thuật mới. Với tiêu chí "Hoa nhập giá tốt", chúng tôi mong muốn có thêm nhiều người mua và chiêm ngưỡng những bông hoa vừa đẹp vừa lạ nhưng giá lại hợp lý. Vì vậy, slogan của 38 Degree Flower Market Tea House là "Hoa cho mọi người".

* Xem ra, kinh doanh hoa cũng không quá khó...

- Đã kinh doanh thì lĩnh vực nào cũng có tiềm năng, cơ hội và tiềm ẩn rủi ro. Nếu nói kinh doanh hoa không khó và ít rủi ro thì không đúng. Chỉ riêng việc làm sao giữ được hoa tươi lâu nhất có thể phải có quá trình học hỏi kỹ thuật, rồi đến việc nhập khẩu hoa cũng không ít rủi ro. Có những loại hoa tưởng bán được nhưng thị trường lại không chuộng, có lô hàng nhập về nhưng không dự báo được sức mua nên bị lỗ. Người ta hay nói sáng là hoa, chiều là rác là vì vậy.

* Sau thời gian đầu tư theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp đều cho rằng tập trung vào giá trị kinh doanh cốt lõi mới bền vững. Ông có đồng quan điểm này?

- Ông bà xưa có câu "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", nói vậy không có nghĩa cả đời làm kinh doanh mình cứ cứng nhắc đi theo một lĩnh vực. Tuy nhiên, để kinh doanh hiệu quả, trước khi đầu tư phải xác định được điểm yếu và điểm mạnh của bản thân.

 

Điểm mạnh của tôi là khả năng xây dựng hệ thống quản trị, tài chính, marketing và điểm yếu là vận hành nên các lĩnh vực tôi chọn đầu tư đều không khó để vận hành. Vì vậy, việc chọn ê kíp luôn được tôi đặt lên hàng đầu. Quan điểm của tôi là một sản phẩm bình thường nhưng đằng sau có một ê kíp tốt vẫn có giá trị hơn so với sản phẩm tốt nhưng đằng sau là một ê kíp bình thường.

* Xây dựng thương hiệu là việc không dễ và mất rất nhiều thời gian, nhưng ông lại cho mình có khả năng và làm trong một thời gian ngắn. Phải chăng nội lực để ông tự tin là tài chính?

- Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và những kỹ năng, kiến thức học được, cộng với quan sát thị trường và phân tích sâu lĩnh vực mình muốn đầu tư, tôi có thể tự tin để làm nên một thương hiệu. Tuy nhiên, muốn xây dựng thương hiệu thành công, điều quan trọng đầu tiên không phải là tiền mà là sản phẩm.

Phải có sản phẩm, dịch vụ tốt, phù hợp nhu cầu thị trường, phải xác định được sản phẩm đưa ra kinh doanh có phải là trào lưu hay không, sau đó mới từng bước xây dựng lộ trình thực hiện, trong đó lộ trình khó nhất là làm sao đưa sản phẩm, dịch vụ phát triển thành thương hiệu.
* Trong số các lĩnh vực đầu tư cũng có những lĩnh vực không thành công, ông rút ra bài học gì?

- Thất bại nào cũng đều đau đớn. Đối với khởi nghiệp thì thất bại sẽ đau đớn hơn nhiều lần. Nhưng qua thất bại sẽ rút được kinh nghiệm quý, mới biết mình non ở đâu, yếu chỗ nào. Nếu như thất bại đầu tiên khiến tôi phải vật vã, mất tự tin, mất niềm tin thì những lần thất bại sau, tôi thấy bình thường, thấy mình mạnh mẽ hơn để đứng lên, để tự mình học những bài học mà chỉ có đường trường kinh doanh mới dạy được.

 

* Công nghệ đang là một xu hướng phát triển nhưng trong số lĩnh vực đầu tư không thành, có lĩnh vực công nghệ mà ông đã rất kỳ vọng?

- Tôi đã rất tâm đắc khi đầu tư vào một công ty về công nghệ nhưng đây là lĩnh vực phải cần nhiều tiền mà rủi ro lại lớn, bởi rất khó để tìm được thế mạnh công nghệ riêng cũng như sự khác biệt, độc đáo.

* Tiếp xúc với các bạn trẻ khởi nghiệp trong chương trình truyền hình thực tế Shark Tank, ông có nhận xét gì về thế hệ khởi nghiệp sau mình?

- Dù là thế hệ 9X nhưng các bạn trẻ ấy đã có những ý tưởng rất táo bạo, rất tiềm năng. Tinh thần khởi nghiệp của các bạn rất nhiệt huyết, sáng tạo và năng động. Tôi cảm thấy khá là bất ngờ, nhiều lần phải thốt lên "wow" vì các bạn giỏi quá.

Tuy nhiên, kinh doanh đòi hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm quản lý và phải có nhiều kỹ năng khác, trong khi các bạn khởi nghiệp chỉ có thể biết và giỏi một vài lĩnh vực. Đa số các bạn đều vội vã khi khởi nghiệp, không ý thức được khởi nghiệp rất khó và không thể đi một mình. Đó cũng là bài học tôi ngộ ra: Trong kinh doanh, tôi không làm một mình. Cộng sự sẽ là người giải quyết những lĩnh vực mình không mạnh.
* Nhưng tìm được người đồng hành đã khó, tìm được cả ê kíp theo mình suốt hành trình dài càng khó hơn. Ông làm thế nào?

 

- Muốn hợp tác lâu dài và thành công, tôi tìm người giỏi trong lĩnh vực đó để cùng nhau làm, làm cho họ được tỏa sáng còn mình là người đứng phía sau, chứ không đi tìm lĩnh vực tiềm năng sau đó mới tìm người giỏi về làm cho mình.

* Nhiều lần được mời nói chuyện với sinh viên, ông thường gửi thông điệp gì đến các bạn trẻ?

- Tôi thường lắng nghe chia sẻ và rất thích nghe những chia sẻ về thất bại, sau đó trả lời các câu hỏi mà các bạn trẻ đặt ra. Thông điệp tôi gửi đến các bạn muốn khởi nghiệp là làm sao có được ý tưởng khác biệt. Thường, các bạn khi khởi nghiệp hay nghĩ đến những thứ lớn lao mà quên mất nhiều lĩnh vực rất truyền thống, rất gần gũi, nếu biết làm mới, khác biệt và biết chạm đến nhu cầu người dùng thì đó là cơ hội.

Quan trọng hơn, hãy bắt đầu khởi nghiệp từ người đi làm công để có kinh nghiệm. Mà kinh nghiệm thì phải có thời gian, đừng vội vã. Một bác sĩ phẫu thuật muốn giỏi phải trải qua hàng ngàn ca mổ. Các bạn khởi nghiệp cũng vậy.

* Tham gia Shark Tank, ông có nghĩ tên tuổi Lê Đăng Khoa sẽ được nhiều người biết đến? Và đằng sau sự nổi tiếng, thường hay bị điều tiếng thị phi, ông thấy thế nào?

 

- Khi tham gia Shark Tank, tôi chỉ nghĩ đây là chương trình về kinh doanh, hơi khô khan, lại phát sóng vào giờ trưa nên chỉ những ai làm kinh doanh mới quan tâm. Vậy nên tôi không mong đợi điều gì ngoài sự tỉnh táo để làm sao mọi quyết định phải nhạy bén, chính xác, vì chậm một bước sẽ mất cơ hội đầu tư, nhưng vội vã đưa ra quyết định thì sẽ khiến mình bị hớ, bị mất tiền.

Sau chương trình, tôi cũng rất bất ngờ và vui vì tình cảm khán giả dành cho mình. Dù không mong đợi để trở thành người hot hay nổi tiếng và cũng không muốn nhận được những thị phi, nhưng nếu thị phi mà nhìn ở góc độ tích cực thì cũng tốt vì càng có nhiều người quan tâm, dõi theo công việc mình làm thì mình càng phải hoàn thiện để tốt hơn cả trong công việc lẫn bản thân.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ cởi mở!

Nên đọc
Theo Doanh nhân Sài Gòn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo