Doanh nghiệp - Doanh nhân

Sở hữu startup trị giá 5 tỷ USD khi mới 34 tuổi, chàng trai khẳng định muốn thành công phải có tư duy 'phản trực giác'

Chỉ trong 6 năm ngắn ngủi, Makarim đã ghi vào lịch sử như là nhà sáng lập của Kỳ lân (startup 1 tỷ USD trở lên) đầu tiên của Indoneisa. Và hiện nay, ở tuổi 34, anh là CEO của công ty có giá trị gần 5 tỷ USD.

Khi Nadiem Makarim cho ra đời ứng dụng gọi xe Go-Jek ở Indonesia vào năm 2010, anh ấy cũng không thể lường trước được mình có thể thành công đến vậy.

Với anh, đó chỉ đơn giản là cách cải thiện ngành công nghiệp xe ôm của nước nhà. Tuy nhiên, chỉ trong 6 năm ngắn ngủi, Makarim đã ghi vào lịch sử như là nhà sáng lập của Kỳ lân (startup có giá trị 1 tỷ USD trở lên) đầu tiên của Indoneisa. Và hiện nay, ở tuổi 34, anh là CEO của công ty có giá trị gần 5 tỷ USD.

Giống như nhiều nhà sáng lập thành công khác trên thế giới, Nadiem tốt nghiệp Harvard. Lớn lên tại Indonesia, Makarim chứng kiến tầm quan trọng của xe ôm – tên địa phương là ojek đối với nền kinh tế quê nhà. Nhưng dẫu vậy, thị trường lại cho thấy sự không hiệu quả trong việc tính giá và tạo ra độ tin tưởng.

Vì vậy, khi còn đang học MBA tại Harvard, Makarim đã quyết định làm một thứ gì đó, hợp tác cùng 2 đồng sáng lập Kevin Aluwi và Michaelangelo Moran.

"Tôi nghĩ nhiều người không tin rằng một ngày nào đó dịch vụ xe ôm có thể trở nên chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Điều này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều bởi bản thân tôi cũng biết những người làm nghề xe ôm. Khi còn ở Indonesia, tôi thường thuê họ giao đồ ăn hoặc đồ dùng cần thiết và bằng cách tìm hiểu xem nghề nghiệp của họ thế nào, tôi đã nhanh chóng nhận ra rằng lĩnh vực này có khả năng tạo ra ra lợi nhuận không tưởng".

Mọi chuyện bắt đầu với một tổng đài nhận cuộc gọi đơn giản và 20 tài xế rồi nhanh chóng biến thành một ứng dụng đa dịch vụ khổng lồ với lực lượng lên tới hơn 1 triệu người.

Dù có rất nhiều người cho rằng thành công mà Makarim đạt được là bởi tham gia đúng thời điểm, nắm bắt được làn sóng của nền kinh tế chia sẻ nhưng anh lại tin tưởng mình có được điều đó là nhờ cách tiếp cận "phản trực giác". 

"Khi chúng tôi bắt đầu, mọi người đều nói rằng anh phải thật tốt ở một thứ, bởi nếu anh không đủ tốt thì chẳng có ai dùng sản phẩm hoặc người khác sẽ đến và đánh bại anh với công nghệ tốt hơn, nhiều tiền hơn...", Makarim nhớ lại.

Nhưng đối lập với lời khuyên đó, Go-jek quyết định nhanh chóng chuyển từ ứng dụng gọi xe sang giao đồ ăn, đặt dịch vụ làm đẹp, giải trí và thanh toán điện tử với mục tiêu trở thành nền tảng dịch vụ có thể sửa chữa được mọi thứ. Điều đó là thứ mà Makarim cảm thấy đặc biệt cần tại châu Á – nơi di động đang phát triển và người tiêu dùng cũng tỏ ra thích thú với những nền tảng đa dạng.

"Ngay từ khi bắt đầu chúng tôi đã tư duy khách hàng không phải là khách hàng gọi xe mà họ còn là khách hàng giao đồ ăn, thanh toán điện tử...".

"Tất cả đều là con người với những vấn đề từ ngày này qua ngày khác và chúng tôi xây dựng một sản phẩm xung quanh những khó khăn đó – những trải nghiệm của một người trong cuộc sống hàng ngày của họ".

Đó là một chiến lược mà Makarim hy vọng sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả khi Go-jek mở rộng ra khắp Đông Nam Á trong nỗ lực cạnh tranh với những đối thủ ở khu vực.

Hiện tại, Go jek mới chỉ hoạt động tại Indonesia và đang có ý định tiến xa hơn nữa vào tháng tới tại Việt Nam và Thái Lan. Công ty cũng dự kiến có thể thâm nhập vào Singapore để lấp khoảng trống mà Uber để lại.

Bước đi này có thể khiến Go-jek đối đầu Grab mạnh mẽ hơn. Dù là bạn cùng lớp Cao học tại Harvard, nhưng theo lời kể của Makarim thì anh và CEO Grab từ khi trở thành đối thủ đã "ít trò chuyện hơn". 

"Tôi hy vọng rằng Go-jek sẽ vẫn được nói tới cho tới 10, 20 năm nữa khi công ty chứng minh rằng công nghệ là chìa khóa quan trọng để giải phóng nền kinh tế, đưa đến một cuộc cách mạng xã hội".

Nên đọc
Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo