Quốc tế

Sóng gió cuộc đời người phụ nữ quyền lực nhất Myanmar

(DNVN) - Bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) được người dân ca ngợi như "ngọn hải đăng của niềm hy vọng" cho Myanmar.

Aung San Suu Kyi sinh ngày 19/6/1945. Bà là con gái của vị anh hùng dân tộc Myanmar – tướng Aung San. Ông Aung bị ám sát vào tháng 7/1947, chỉ 6 tháng trước khi quốc gia Đông Nam Á này giành độc lập. Lúc ấy, bà Suu Kyi mới lên hai tuổi.

Bà Suu Kyi (giữa) cùng bố mẹ và hai anh năm 1947 tại Myanmar.

Năm 1960, Suu Kyi chuyển tới Ấn Độ cùng mẹ Khin Kyi sau khi bà được bổ nhiệm làm đại sứ Miến Điện (tên cũ của Myanmar) tại Ấn Độ và Nepal. 4 năm sau đó, Suu Kyi theo học ngành triết, chính trị và kinh tế tại Đại học Oxford (Anh). Trong thời gian này, bà gặp người đàn ông của đời mình là Michael Aris.

Suu Kyi và Aris sinh hai con trai là Alexander và Kim. Những đứa trẻ đã lớn lên ở Anh. Từ năm 1985 đến năm 1987, Suu Kyi tập trung nghiên cứu để lấy bằng thạc sĩ văn học Myanmar tại trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (SOAS), thuộc Đại học London.

Bà Suu Kyi thời bấy giờ là một người phụ nữ trẻ, tài sắc vẹn toàn.

Bà được bầu làm Ủy viên Danh dự của SOAS năm 1990. Trong hai năm, bà là ủy viên tại Viện nghiên cứu cao cấp của Ấn Độ (IIAS) ở Shimla. Bà cũng làm việc cho chính phủ liên bang Myanmar. Ảnh chụp bà Suu Kyi tại một cuộc phỏng vấn ở ​Yangon ngày 28/8/1988.

Bà Suu Kyi quay trở về ​Yangon vào năm 1988 để chăm sóc mẹ bị bệnh. Thời điểm bà quay về quê hương cũng là lúc Myanmar đang đứng giữa một cuộc chính biến. Bà sau đó trở thành lãnh đạo cuộc nổi dậy chống tướng Ne Win. Suu Kyi thành lập đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD). Quân đội đàn áp các cuộc biểu tình và tiến hành đảo chính vào ngày 18/9/1988. 

 Bà Suu Kyi phát biểu trước khoảng 5.000 người trước nhà riêng, ngày 25/5/1996.

Chủ trương của đảng NLD là tranh đấu bất bạo động. Mặc dù bị cấm, Suu Kyi vẫn đi khắp nơi để phát động phong trào vì tự do và dân chủ. Bà từng đi thẳng vào mũi súng đã lên đạn của binh sĩ chắn đường để tỏ thái độ phản kháng.

 

Tháng 12/1988, mẹ của Suu Kyi qua đời. “Mẹ dạy tôi một điều căn bản là bất công không bao giờ đứng vững vĩnh viễn”, bà từng chia sẻ.

Tháng 5/1990, dù Suu Kyi vẫn bị giam lỏng, đảng NLD của bà thắng lớn (82%) trong cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, Liên đoàn Khôi phục Trật tự và Pháp luật Quốc gia (SLORC) không công nhận kết quả này. Năm 1991, Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình vì những cống hiến của bà cho cuộc đấu tranh phi bạo lực vì dân chủ và nhân quyền.

 Bà Suu Kyi gặp con trai Kim Aris tại sân bay Yangon ngày 23/11/2010. Bà đã không nhìn thấy con trong suốt 10 năm.

Vào thời điểm đó, bà chịu hai năm quản thúc tại gia trước những cáo buộc gây chia rẽ quân đội. Giai đoạn từ năm 1989 tới 2010, bà bị giam lỏng gần 15 năm. Trước áp lực quốc tế, bà Suu Kyi được trả tự do năm 2010.

Sau 21 năm kể từ ngày được Hội đồng Nobel trao giải, ngày 16/6/2012, bà chính thức nhận giải thưởng danh giá trong buổi lễ tại thủ đô Oslo, Na Uy.

 

Bà Suu Kyi phát biểu nhận giải Nobel Hoà bình.

Trao đổi với CNN ngay trước buổi lễ về khái niệm “hòa bình”, bà nói: “Với tôi, hòa bình chính là dựa trên định nghĩa của Myanmar về hòa bình. Nó có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn những yếu tố tiêu cực đe dọa hòa bình thế giới. Cho nên, hòa bình không có nghĩa là kết thúc chiến tranh, mà còn là tất cả những yếu tố đe dọa đến hòa bình, như phân biệt đối xử, bất bình đẳng, đói nghèo”.

Bà Suu Kyi (giữa) và các nhà lập pháp của NLD tại một phiên họp thường kỳ của Hạ viện Myanmar vào tháng 2/2012. 

Hai năm sau khi được phóng thích, bà Suu Kyi chính thức trở thành thành viên Hạ viện Myanmar trong cuộc bầu cử ngày 1/4/2012. Bà tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội do quân đội hậu thuẫn. Bà từng được ví như "ngọn hải đăng của niềm hy vọng" cho người dân Myanmar trên con đường hướng tới nền dân chủ.

Bà Suu Kyi cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ngày 19/11/2012, nhân chuyến thăm Myanmar, Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp thủ lĩnh phe đối lập tại dinh thự của bà. Ông không ngần ngại ôm và hôn bà Suu Kyi tại cuối buổi họp báo chung. Trước đó, ngày 20/9/2012, Quốc hội Mỹ trao tặng huân chương vàng – phần thưởng dân sự cao quý nhất của Mỹ - để ghi nhận những cống hiến của bà cho cuộc đấu tranh vì dân chủ tại Myanmar.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay bà Aung Suu Kyi trong cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 11/6​.

Trưa 8/11, bà Suu Kyi đến điểm bỏ phiếu trong sự chào đón của người dân Myanmar. Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử dân chủ năm 2015 cho thấy đảng NLD của Suu Kyi đang đứng trước chiến thắng với 15 trong 16 ghế đầu tiên tại Quốc hội Myanmar. Chiến thắng của NLD là sự kiện mà thế giới mong đợi sẽ “thay đổi đáng kể” bối cảnh chính trị ở Myanmar. Đây cũng là chiến thắng dành cho người phụ nữ nhỏ bé nhưng có ý chí mạnh mẽ.

 Suu Kyi trong cuộc bầu cử dân chủ của Myanmar hôm 8/11.

Thu Phương (Theo The Telegraph)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo