Sống giữa đồng chiêm trũng, kiếm tiền tỷ hàng năm
Dám nghĩ, dám làm, nhiệt tình giúp đỡ mọi người, “tỷ phú nông dân” Tạ Đình Căn thực sự là tấm gương tiêu biểu trong phong trào tăng gia sản xuất nông nghiệp.
Đó là cách gọi thân thuộc xen lẫn sự ngưỡng mộ của người dân xã Hồng Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) đối với ông Tạ Đình Căn, một trong những người mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế trang trại ở địa phương. Không chỉ tiên phong phát triển kinh tế gia đình, ông Căn còn mở ra hướng đi mới trong đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp dựa trên những điều kiện thuận lợi sẵn có.
Vươn lên trên đồng đất quê hương
Sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất đồng chiêm trũng thôn Duyên Trang, xã Hồng Thái, ngay từ bé ông Tạ Đình Căn đã sớm ấp ủ ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương vốn còn nhiều khó khăn.
Đến nay, sau bao mồ hôi, công sức cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ, khu trang trại rộng gần 50.000 m2 của gia đình ông đã được xây dựng quy mô, bài bản, tách hẳn khu tập trung dân cư của xã.
Nhớ lại năm 2001, ông và gia đình đã mạnh dạn đấu thầu diện tích đất trũng để phát triển mô hình kinh tế trang trại. Với tư duy dám nghĩ, dám làm; tích cực huy động các nguồn vốn của bạn bè, người thân cùng sự giúp đỡ của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (chi nhánh Phú Xuyên), đến nay, ông Tạ Đình Căn đã xây dựng được trên 6.000 m2 chuồng nuôi lợn theo quy trình khép kín, bảo đảm tốt về kỹ thuật.
Hướng đến mô hình chăn nuôi bền vững, hạn chế những rủi ro trong hoạt động sản xuất, ông đã chủ động tham gia thực hiện chuỗi liên kết sản xuất cùng Công ty cổ phần phát triển nông thôn (RTD). Được Công ty RTD cung ứng về giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và đầu ra cho sản phẩm, trang trại của ông thường xuyên duy trì 4.200 con lợn siêu nạc.
Cùng với đó, với mục tiêu đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của thị trường, từ năm 2012 đến nay, “tỷ phú nông dân” Tạ Đình Căn còn đầu tư xây dựng nhà xưởng và thực hiện mô hình trồng nấm các loại. Đến nay, với diện tích nhà trồng nấm lên tới 1.500 m2, bình quân mỗi năm ông sản xuất khoảng 10 vạn bịch nấm, cung cấp cho thị trường 20 tấn nấm các loại như nấm rơm, nấm sò, nấm hương, mọc nhĩ…
Gương mẫu trong phát triển kinh tế, ông Căn còn tích cực giúp đỡ các gia đình khó khăn xã mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu. Ngoài việc thường xuyên tạo việc làm cho 22 – 25 lao động trên địa bàn với thu nhập bình quân từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Ông còn đứng ra giúp đỡ về giống, vốn, kỹ thuật ... qua đó tạo điều kiện cho nhiều người cùng phát triển sản xuất.
Đôi điều trăn trở
Không ngừng tìm tòi, học hỏi, triệt để tận dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi lợn tập trung và các phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp như rơm, lõi ngô…, ông đã đầu tư sản xuất phân hữu cơ sinh học để phục vụ bà con trên địa bàn phát triển rau sạch, trồng cỏ nuôi bò sữa… Được biết, nhờ đa dạng hóa các hoạt động chăn nuôi, sản xuất, mô hình trang trại tổng hợp đã mạng lại cho gia đình ông thu nhập hàng năm lên tới trên 1 tỷ đồng.
Gặp chúng tôi sau khi Hợp tác xã Duyên Thái do ông làm Chủ nhiệm có quyết định thành lập, ông tâm sự: “Sản xuất nông nghiệp vốn vất vả và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tôi luôn cố gắng ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích”.
Thực hiện điều tâm niệm đó, ông đã gắng sức thành lập Hợp tác xã Duyên Thái với ngành nghề chính là chăn nuôi gia súc; nuôi trồng thủy sản nước ngọt; sản xuất phân hữu cơ; trồng cây ăn quả, trồng nấm và cây dược liệu…
Chia sẻ về những khó khăn của người nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp, “tỷ phú nông dân” Tạ Đình Căn cho biết, nếu như những ngày đầu khởi nghiệp, khó khăn lớn nhất ông gặp phải là cơ chế trong phê duyệt dự án, quy định cho thuê đất lâu năm… thì đến nay, khi đã bước đầu có được thành công thì điểm hạn chế lớn nhất của ông cũng như nhiều nông dân khác chính là điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất.
Theo ông, mong mỏi chung của những người sản xuất nông nghiệp hiện nay là được cơ quan chuyên môn, trực tiếp là đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến ngư để người dân có điều kiện tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất.
Theo Giáo dục Việt Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo