Startup Singapore đến Việt Nam làm dịch vụ gọi xe dùng Blockchain
Tại châu Á, Grab đang phát triển mạnh mẽ sau sự ra đi của Uber, Go-Jek đang ở những bước chuẩn bị cuối cùng để tấn công thị trường. Trong bối cảnh đó, TechinAsia nhận định lĩnh vực gọi xe công nghệ của Singapore dường như không còn nhiều không gian để phát triển.
Tuy nhiên, điều này không ngăn được nỗ lực bước vào cuộc đua ứng dụng gọi xe của các công ty mới. Gần đây nhất, công ty MVL với ứng dụng công nghệ Blockchain cho biết sẽ triển khai dịch vụ gọi xe tại đảo quốc sư tử.
Singapore là thị trường đầu tiên công ty này hướng tới trước khi mở rộng sang Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản. Với tên gọi "Tada", có nghĩa là "lên đường" trong tiếng Hàn Quốc, ứng dụng được xây dựng trên hệ sinh thái Blockchain của MVL. Đây là hệ sinh thái được thiết kế riêng biệt để phục vụ ngành công nghiệp ôtô, các dịch vụ phụ trợ cũng như khách hàng.
Điểm độc đáo của Tada là không tính phí hoa hồng từ các lái xe. Điều này có nghĩa đội ngũ tài xế sẽ nhận được toàn bộ số tiền mà khách hàng thanh toán, hoặc trừ đi tiền phí giao dịch nếu người dùng chọn thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc các loại hình thanh toán điện tử khác.
Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành công ty cho biết hơn 2.000 tài xế đã đăng ký tham gia nền tảng. Toàn bộ dịch vụ sẽ được triển khai trong vòng tối đa 200 ngày tới. Công ty này cũng cho phép các tài xế đồng thời làm việc cho các công ty gọi xe công nghệ khác nếu họ muốn.
"Chúng tôi không hướng đến một thỏa thuận độc quyền với mỗi lái xe. Đó không phải là triết lý làm việc của công ty. Các tài xế có quyền được tự lựa chọn", Kay Woo nhấn mạnh.
Vị CEO cũng cho biết thêm, startup đang trong quá trình đàm phán với một số hãng taxi để tuyển thêm tài xế. Công ty cũng đã nộp đơn đến Cơ quan Giao thông Vận tải Singapore và hy vọng sẽ nhận được giấy phép trong vòng hai tháng tới.
Công ty xác định chiến lược hoạt động không đối đầu trực tiếp hay thay thế những nền tảng sẵn có tại Singapore bao gồm các công ty gọi xe công nghệ và các hãng taxi truyền thống. Thay vào đó, startup có thể hợp tác với các đối thủ trong tương lai bằng việc liên kết các ứng dụng gọi xe với hệ thống điểm thưởng xây dựng trên nền tảng blockchain của MVL.
Token MVL được trao cho các tài xế nhận nhiều đánh giá tích cực của khách hàng. Đổi lại, người dùng dịch vụ cũng được nhận tiền mã hóa khi gửi phản hồi. Kay Woo cho biết hệ sinh thái MVL sẽ bao gồm hàng loạt các lĩnh vực trong ngành công nghiệp ôtô như sản suất xe hơi, chuỗi trạm xăng và các nhà cung cấp bảo hiểm. Người giữ token có thể dùng đồng tiền mã hóa này để trả tiền khi sử dụng các dịch vụ. Mô hình kinh doanh này sẽ tạo doanh thu bằng cách dựa vào hoạt động liên kết dịch vụ với bảo hiểm, bán quảng cáo, dữ liệu...
Ứng dụng gọi xe MVL của startup MVLchain vừa có bước đi đầu tiên để tiếp cận thị trường Việt Nam. . Công ty cho biết đã bổ nhiệm trưởng đại diện tại Việt Nam.
MVLchain được hình thành năm 2012, bởi một nhóm nhà sáng lập chủ yếu là người Hàn Quốc tại New York (Mỹ). Tuy nhiên, công ty được đăng ký thành lập chính thức ở Singapore và đang hoạt động tại các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore thông qua nền tảng easi6, cung cấp dịch vụ đặt trước với hơn 25.000 phương tiện đang vận hành.
Ông Kay Woo - Nhà sáng lập kiêm CEO MVL cho biết đang nhắm đến Việt Nam như thị trường chính. MVL đang nộp hồ hơ thành lập pháp nhân ở Việt Nam với tư cách là một công ty công nghệ thông tin. Dự kiến, đợt tuyển mộ tài xế đầu tiên sẽ được tổ chức ngay trong tháng này. Nếu thủ tục pháp lý hoàn tất đúng tiến độ, ứng dụng sẽ chính thức "tham chiến" thị trường vào tháng 7 tới.
"Mô hình dịch vụ của chúng tôi tương tự với Uber và Grab nhưng công nghệ đằng sau thì khác biệt. Hai hãng này có giải pháp khá truyền thống. Đằng sau dịch vụ của họ là tập trung hóa cơ sở dữ liệu vào server. Tất cả dữ liệu được thu về đó và họ sử dụng cho riêng họ. Trong khi đó, dữ liệu của chúng tôi được lưu bằng công nghệ blockchain. Điều đó có nghĩa dữ liệu là sở hữu của tất cả người cung cấp, nên nó minh bạch và mọi người có thể sử dụng mang lại lợi ích cho mình"
Cũng vì khẳng định không có doanh thu từ hoạt động kết nối tài xế và người dùng nên nhà sáng lập cho biết sẽ không đổ tiền làm khuyến mại, mà thu hút hành khách bằng giá cước rẻ, nhờ không hoa hồng.
"Loại tiền này không được phép sử dụng như phương tiện thanh toán. Tài xế có thể giữ lại hoặc mang bán trên các sàn chấp nhận giao dịch chúng", ông Kay Woo nhấn mạnh token chỉ là một loại tài sản để đầu tư.
Giải thích thêm về nguồn thu để duy trì, nhà sáng lập cho biết công ty dựa vào hàng loạt hoạt động như liên kết dịch vụ với bảo hiểm, các đơn vị kinh doanh xe qua sử dụng, bán quảng cáo và bán dữ liệu cho các đơn vị bảo hiểm, các tổ chức nghiên cứu thị trường...
"Chúng tôi cần thêm thời gian để giới thiệu và tạo niềm tin của thị trường về công nghệ blockchain, tương tự như những gì điện toán đám mây đã phải trải qua", ông nói và cho biết mục tiêu dài hạn là thu hút được 25% tổng lượng xe con 4 bánh và xe hai bánh đang vận hành ở Việt Nam tham gia.
"Chúng tôi không có doanh thu về dịch vụ đặt xe nên không phải đóng thuế cho khoản này ở Việt Nam", bà Hoàng Song Biên - Trưởng đại diện tại Việt Nam của MVL cho biết. Tuy nhiên, bà khẳng định đang tìm hiểu các quy định và sẵn sàng nhận hướng dẫn của cơ quan chức năng để đóng các khoản thuế khác với chức năng một công ty IT theo pháp luật.
End of content
Không có tin nào tiếp theo