Văn hóa

Sự thật về bức ảnh được nhiều người xem nhất thế giới

Không ít người cho rằng màn hình nền mặc định của Windows XP là một sản phẩm của Photoshop, dù nó được chụp ở một nơi hoàn toàn có thật.

Ước tính có hơn một tỷ người đã thấy bức ảnh Bliss của nhiếp ảnh gia Charles O'Rear kể từ năm 2001. Có thể nhiều người còn nhìn nó mỗi ngày khi bật máy tính lên, bởi Bliss chính là hình nền mặc định của Windows XP, theo PC World.

Màn hình mặc định của Windows XP đã được thêm các hiệu ứng. Ảnh: Charles O'Rear.

Charles chụp bức Bliss vào năm 1996, trên đường tới hạt Sonoma (California, Mỹ) để gặp cô bạn gái Daphne, nay là vợ ông. Khi đi qua vùng làm rượu vang ở thung lũng Napa, Charles dừng xe để chụp đồi cỏ xanh mướt sau mưa, phía trên là bầu trời xanh trong, gợn mây trắng.

Sau đó, Charles tải một tấm lên Corbis, tình cờ đây cũng là kho ảnh trực tuyến do Bill Gates sở hữu. Tới năm 2000, Microsoft mới tìm ra tác phẩm của Charles và ngỏ ý muốn dùng nó làm hình nền cho Windows XP.

Charles hồi tưởng lại ngày nhận email từ Microsoft về tấm ảnh của ông: "Chúng tôi đang tổ chức một cuộc thi ảnh. Hầu hết mọi người nghĩ bức ảnh này được photoshop. Vài người cho rằng nó được chụp phía đâu đó ở vùng Palouse ở phía đông Washington. Hãy cho chúng tôi thêm thông tin". 

Charles trả lời rằng: "Xin lỗi, tất cả đều có thực. Những đám mây lơ lửng trên bầu trời, thảm cỏ xanh... đều là thật". Một tuần sau, ông nhận mail yêu cầu ký tên lên ảnh và gửi cho họ.

Vì Bliss ban đầu là ảnh máy film mà dịch vụ chuyển phát nhanh FedEx không trả mức bảo hiểm đủ cao, Microsoft đã gửi vé máy bay mời Charles tới trụ sở để lấy ảnh gốc. Charles không nói rõ Microsoft đã trả bao nhiêu tiền cho bức ảnh nhưng tiết lộ đó là một khoản "rất lớn".

 

Charles và đứa con tinh thần của mình. Ảnh: Profimedia.

Charles giữ một bản sao nhỏ của Bliss tại nhà riêng. Ông cũng rất bất ngờ khi nhìn thấy "đứa con tinh thần" của mình xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có màn hình máy tính hiện trên bản tin thời sự ghi tại Nhà Trắng hay điện Kremlin.

Charles nhớ lại chuyến du lịch năm 2010: "Chúng tôi đến Thái Lan vài năm trước, lang thang qua một ngôi làng nhỏ để tìm quán ăn và thấy màn hình Windows. Tôi nghĩ rằng mỗi góc trên địa cầu, mỗi nền văn hóa, mỗi quốc gia, đều biết đến nó".

Thậm chí sau khi hệ điều hành XP ra đời khá lâu, nguồn gốc của bức hình nền vẫn chưa được biết đến rộng rãi. Một số đoán nó được chụp ở Pháp, Anh, Thụy Sĩ, vùng Bắc Otago của New Zealand hay đông nam Washington, Mỹ. 

Người dùng tại Hà Lan còn nghĩ rằng khung cảnh họ đang thấy là ở Ireland, vì Bliss được đặt là "Ierland" trong phiên bản phát hành tại xứ sở cối xay gió. Tương tự, nhiều người dùng ở Bồ Đào Nha thì cho rằng đây là bức ảnh chụp ở vùng đồng bằng Bồ Đào Nha, bởi nó có tên là "Alentejo" trong phiên bản tại quốc gia này.

Khung cảnh ngọn đồi ngày nay có nhiều thay đổi so với 21 năm trước khi nơi đây đổi chủ nhiều lần và trở thành đồi trồng nho. Đây là bức ảnh được chụp vào ngày 3/7/2017. Ảnh: Exoplanetary Science.

Ngày nay, không ít du khách và nhiếp ảnh gia tò mò tìm đến nơi Bliss ra đời khi biết câu chuyện về màn hình nền huyền thoại của Windows. Nếu để ý khi lái xe từ Napa tới Sonoma, bạn sẽ thấy bóng dáng quen thuộc của ngọn đồi "màn hình nền" nằm cách Domene Carneros hơn 1,6 km.

 

Nhưng để đảm bảo an toàn, bạn có thể tìm nơi đỗ xe trong thị trấn và đi bộ ngược lại. Hoặc tiện hơn là tìm nơi quay đầu, đỗ xe cạnh một bốt điện thoại khi lái về phía đông Sonoma. Sau đó, bạn đi bộ ngược lại khoảng 400 m, thận trọng qua đường và đến gần quả đồi. Lưu ý, chỉ nên băng qua cao tốc khi không thấy xe, đây cũng là tuyến đường nhiều xe cộ qua lại.

Khi đứng dưới chân đồi, bạn cần di chuyển để tìm chính xác nơi Charles đã đứng chụp ảnh, bắt được góc như màn hình nền XP.

Về phần Charles, bản thân ông cũng từng hỗ trợ đồng nghiệp ở National Geographic thực hiện nhiều ảnh bìa tạp chí. Ông chụp nhiều hình cho các ấn phẩm công nghệ, sách ảnh đặt trên bàn cà phê ở Thung lũng Silicon. Nhưng có lẽ Bliss mãi mãi là tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của nhiếp ảnh gia này.

Nên đọc
Theo VnExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo