Sủi dìn - món ngon ấm lòng trời đông của Hải Phòng
Sủi dìn hay còn gọi là bánh trôi tàu, một món ăn phổ biến của thành phố Hoa Phượng Đỏ. Khác với bánh trôi tàu của người Hà Nội, nó có kích thước nhỏ hơn và gần như viên trôi nước truyền thống của người Việt Nam, bạn có thể bỏ cả viên vào miệng để ăn một cách dễ dàng mà không cần phải nhai “vật vã”.
Sủi dìn được dùng lúc nóng hổi. Người dùng sẽ bị mê hoặc bởi thứ nước sanh sánh ngọt lịm, khói lan tỏa nghi ngút thơm ngậy mùi gừng của nó khi vừa thưởng thức. Hãy tưởng tượng vào mùa đông lạnh giá, bạn cùng người thân quây quần bên nhau thưởng thức sủi dìn nghi ngút khói sẽ ấm áp đến mức nào.
Để tạo nên một bát sủi dìn ngon khó cưỡng, đúng vị Hải Phòng, ngay từ lúc chọn nguyên liệu đã rất kỹ lưỡng. Nguyên liệu chính để chế biến là bột nếp, gừng tươi, vừng đen, dừa nạo, mật mía hoặc đường thốt nốt.
Chúng ta phải chuẩn bị gạo trước một ngày. Lựa chọn chọn gạo nếp thơm, to tròn, đều hạt… đem ngâm với nước muối. Nên thay nước ngâm để gạo nếp không bị chua. Sau đó, vớt gạo ra xay, lặng nước, hút ẩm… cho đến khi gạo dẻo và mịn để nặn bánh.
Nhân bánh được làm từ vừng đen rang chín, giã mịn kết hợp với lạc rang và cùi dừa. Sau đó, đun hỗn hợp này với nước vừa phải để đảm bảo độ béo ngậy của nó.
Sau khi đã chuẩn bị xong phần nhân và vỏ bánh, chúng ta tiến hành nặn bánh. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ của người làm, những viên bánh đòi hỏi phải vừa miệng không to hay nhỏ quá, nhân bánh không lộ ra ngoài… Chuẩn bị sẵn một nồi nước sôi. Chia bột thành các phần nhỏ, vo tròn rồi ấn dẹt, cho nhân vào trong rồi vê cho tròn trịa. Thả các viên bột vào nồi nước. Đun khoảng 5 đến 7 phút cho bánh chín. Khi nhìn thấy bánh nổi lên và bột trong trong là có thể vớt lên được.
Công đoạn tiếp theo là chuẩn bị nước dùng. Nước dùng của sủi dìn thơm nồng mùi gừng giã nhỏ cùng với màu vàng cánh gián song sánh do đường thốt nốt hoặc mật mía tạo nên. Cuối cùng, vớt bánh ra bát, rắc ít vừng đen lên trên. Sau đó, cho nước dùng đã đun tưới lên lên bánh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo