Hỗ trợ doanh nghiệp

Tái cấu trúc và nâng cao năng lực cho Lilama

Vừa qua, Bộ trưởng Xây dựng ban hành Quyết định số 26/QÐ-BXD ngày 9-1-2013 phê duyệt Ðề án Tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020 . Ðây là doanh nghiệp (DN) nhà nước đầu tiên được Bộ Xây dựng phê duyệt đề án tái cơ cấu sau khi xóa bỏ thí điểm hai mô hình tập đoàn của ngành xây dựng.
Vẫn còn nhiều điểm nghẽn
 
Thứ nhất là vấn đề vốn cho SXKD. Với tổng số vốn điều lệ 616 tỷ đồng, trong khi thực hiện nhiệm vụ SXKD hằng năm từ 8.000 đến 9.000 tỷ đồng, nên Tổng công ty đều phải nỗ lực tối đa. Năm 2012, Chính phủ  tập trung chỉ đạo kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư, do vậy nhiều dự án phải ngừng, hoãn, giãn tiến độ. Tổng số dự án Tổng công ty dự kiến thực hiện trong năm 2012 là 46, tuy nhiên triển khai trong năm chỉ là 32 dự án, 13 dự án tạm hoãn và một dự án ngừng đầu tư. Bên cạnh đó, tình hình huy động vốn cho các dự án gặp rất nhiều khó khăn, lãi suất vẫn duy trì ở mức cao, trong khi chính sách tài chính khống chế hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (không quá ba lần) và mặc dù những tháng gần đây tình hình lãi suất đã có dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Vì vậy, đầu tư xây dựng cơ bản năm 2012 toàn Tổng công ty chỉ đạt 38% so kế hoạch năm.
 
Thứ hai là vấn đề thu hồi công nợ. Năm 2012, Lilama đã trả nợ Trái phiếu doanh nghiệp 1.000 tỷ đồng, một số công trình đã thi công hoàn thành, bàn giao, nhưng chủ đầu tư chưa thu xếp thanh toán dẫn đến nợ đọng kéo dài với số tiền hơn 600 tỷ đồng. Ðặc biệt là khoản chi phí nhiên liệu phát sinh thêm của Lilama đã bỏ ra trong quá trình chạy thử và phát điện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng số tiền 501 tỷ đồng (hiện vẫn đang ghi nhận vào chi phí SXKD dở dang) chưa được Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) thanh toán.
 
Thứ ba là vấn đề tái cấu trúc, cổ phần hóa DN. Khó khăn hiện nay là nguồn vốn chủ sở hữu tại các công ty thành viên thấp nên khi cổ phần hóa tỷ lệ phần vốn nhà nước sẽ khó duy trì ở mức hợp lý. Ðồng thời tình hình thị trường chứng khoán vẫn chưa khởi sắc, thiếu vắng các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình thoái vốn tại các DN ngoài ngành. Trong năm 2012, Lilama đã thoái vốn 100% tại Công ty cổ phần và bất động sản Việt Nam thu về 20 tỷ đồng, thoái vốn tại xi-măng Thăng Long thu về 4 tỷ đồng. Tổng công ty đã làm việc với Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) về tái cơ cấu Công ty Tôn mạ mầu Việt Pháp (VIFA), tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được do chưa tìm kiếm được nhà đầu tư.
 
Năm 2012, đầy khó khăn đã tác động lớn tới hiệu quả SXKD của Tổng công ty, tuy nhiên kết quả đạt được cũng đáng được ghi nhận, trong đó tổng doanh thu đạt 16.649 tỷ đồng, tăng 14%, nộp ngân sách đạt 1.052 tỷ đồng, tăng 43% so kế hoạch.
 
Ðẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DN
 
Theo Ðề án tái cấu trúc đã được phê duyệt, Tổng công ty Lilama bảo đảm có cơ cấu hợp lý, tập trung vào các lĩnh vực tổng thầu EPC, gia công, chế tạo cơ khí, chế tạo thiết bị, tư vấn xây dựng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, tiến tới nhận thầu các công trình thi công xây lắp ở nước ngoài. Các ngành, nghề kinh doanh chính của Lilama gồm: Tổng thầu EPC (tư vấn, mua sắm thiết bị, xây dựng và lắp đặt các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi, bưu điện, hạ tầng kỹ thuật đô thị và KCN, các công trình đường dây trạm biến thế điện); ngành cơ khí, chế tạo; ngành tư vấn (bao gồm tư vấn thiết kế, giám sát và quản lý dự án). Ngoài ra, ngành, nghề kinh doanh liên quan là xuất nhập khẩu, cho thuê máy móc thiết bị và các ngành, nghề kinh doanh khác được Bộ Xây dựng chấp thuận.
 
Tổng Giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn cho biết, để nâng cao hiệu quả SXKD và đà tăng trưởng, Tổng công ty sẽ tập trung chỉ đạo thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án trọng điểm mà DN tham gia. Ðồng thời tiếp tục đẩy nhanh kết thúc thương thảo, đàm phán để ký hợp đồng một số dự án lớn trong và ngoài nước, nhất là những dự án Lilama có cơ hội và khả năng nhận thầu. Tích cực thu hồi công nợ, đặc biệt là những khoản công nợ khó đòi. Thực hiện tái cơ cấu và thoái vốn đầu tư tại các công ty ngoài ngành, nghề chính. Ðẩy nhanh thực hiện các công việc liên quan đến cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty và Chương trình tái cấu trúc và nâng cao quản trị doanh nghiệp theo Ðề án đã được Bộ Xây dựng phê duyệt. Tích cực làm việc với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để bảo đảm đủ nguồn vốn cho hoạt động SXKD và đầu tư phát triển, đồng thời tập trung chỉ đạo công tác ký xác nhận khối lượng hoàn thành để lập phiếu giá, bảo đảm công tác thanh quyết toán và thu hồi vốn, giảm chi phí lãi vay của Tổng công ty. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển của Tổng công ty sẽ tập trung hơn vào phần nhiệt điện và xi-măng vì đây là những loại dự án có chế độ "hậu kỳ" duy tu, bảo dưỡng kéo dài, có thể bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động.
 
Cũng theo Quyết định 67, việc cổ phần hóa Lilama sẽ được thực hiện chậm nhất trước năm 2016, trong đó Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Các đơn vị nằm trong cơ cấu Công ty mẹ giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động. Ðến năm 2015, Lilama sẽ thực hiện lộ trình thoái vốn tại 15 DN, đồng thời tập trung xây dựng, hoàn thiện Ðiều lệ Tổ chức và hoạt động, rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống nội quy, quy chế, quy định quản lý nội bộ, hoàn thiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2012 - 2015, tầm nhìn đến 2020. Các biện pháp ưu tiên là tập trung đầu tư phát triển chiều sâu, nâng cao năng lực thi công, máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa; áp dụng các nguyên tắc quản trị DN theo thông lệ quản trị DN quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện các giải pháp tăng năng lực sản xuất, năng suất lao động, tiết kiệm chi phí trong hoạt động SXKD...
 
 
 
 
Quyết Thắng (Theo NDO)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo