Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tại sao Warren Buffett không thích EBITDA?

Warren Buffett nổi tiếng là một người không thích sử dụng các chỉ số liên quan tới EBITDA trong việc đánh giá hoạt động tài chính doanh nghiệp. Nhưng nhiều doanh nghiệp, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư vẫn hay sử dụng các chỉ số liên quan tới EBITDA cho mục đích đánh giá và định giá doanh nghiệp.Tại sao có sự mâu thuẫn ở đây?

Đầu tiên EBITDA là gì?

EBITDA là viết tắt của cụm từ “Earning before interest, taxes, depreciation and amortization” tức là “Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và các khoản khấu hao”. Trong đó Depreciation là các khoản khấu hao của Tài sản hữu hình (thiết bị, dụng cụ, nhà xưởng, máy móc…) còn Amortization là khấu hao cho các khoản Tài sản vô hình (bản quyền, thương hiệu, bằng sáng chế…). EBITDA là một trong nhiều chỉ báo về kết quả hoạt động tài chính của một công ty; chỉ số này loại bỏ các khoản khấu hao dựa trên cơ sở chúng là những khoản chi phí không dính tới tiền mặt (non-cash items).

Nguồn: Storyblocks.

EBITDA hiện vẫn được nhiều doanh nghiệp, công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư sử dụng. Một số chỉ số tài chính khác có liên quan đến EBITDA thường được sử dụng với mục đích định giá, so sánh như: EBITDA margin, EV/EBITDA, Nợ/EBITDA, EBITDA/Chi phí lãi vay…

Warren Buffet chia sẻ một số quan điểm của ông về EBITDA như sau:

“Nó làm tôi ngạc nhiên về mức độ phổ biến của việc sử dụng EBITDA. Mọi người cố gắng làm đẹp báo cáo tài chính với chỉ số này” (“It amazes me how widespread the use of EBITDA has become. People try to dress up financial statements with it”).

“Chúng tôi sẽ không mua những công ty mà ở đó họ nói nhiều về EBITDA. Nếu bạn lập ra một danh sách các công ty và chia ra hai nhóm, một nhóm sử dụng EBITDA như một thước đo hoạt động và nhóm kia thì không, tôi nghĩ bạn sẽ tìm thấy nhiều dấu hiệu gian lận ở nhóm đầu tiên. Hãy nhìn Wal-mart, GE và Microsoft xem, họ không bao giờ dùng EBITDA trong những báo cáo thường niên”. (“We won’t buy into companies where someone’s talking about EBITDA. If you look at all companies, and split them into companies that use EBITDA as a metric and those that don’t, I suspect you’ll find a lot more fraud in the former group. Look at companies like Wal-Mart, GE and Microsoft — they’ll never use EBITDA in their annual report”).

Nguồn: Azquotes.

“Các khoản chi phí vốn đầu tư ban đầu từ trên trời rơi xuống?”

 

EBITDA vốn được sử dụng để phân tích và so sánh khả năng sinh lời giữa các công ty khác nhau trong cùng một ngành vì nó loại bỏ ảnh hưởng từ các yếu tố tài chính (cấu trúc vốn, chi phí lãi vay…) và loại bỏ ảnh hưởng của phương pháp hạch toán kế toán (phương pháp trích khấu hao). Tuy vậy, một công ty có thể thao túng các khoản mục trong việc tính toán EBITDA trong báo cáo tài chính, chuyển đổi các khoản mục từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Vì thế, Warren Buffett không nghĩ rằng EBITDA thực sự đại diện cho tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Warren Buffett đặt câu hỏi: “Liệu các nhà quản lý nghĩ rằng các khoản chi phí vốn đầu tư ban đầu từ trên trời rơi xuống ư?”. Ông cho rằng những tài sản, thiết bị hay các bằng sáng chế, phát minh, bản quyền… đều hình thành từ một nguồn vốn nào đó và nó cần được hiểu như một chi phí bỏ ra ban đầu. Chỉ có điều nó sẽ được trừ hao dần theo thời gian chứ không ghi nhận một lần duy nhất.

Warren Buffett chỉ ra sai lầm của việc sử dụng EBITDA khi nó loại bỏ đi các khoản khấu khao trong khi đó là những nhân tố cấu tạo nên giá trị doanh nghiệp. Mặc dù chi phí khấu hao không thực sự là một khoản chi phí phải trả bằng tiền (non-cash outflow) nhưng thực tế, nó làm giảm đi tổng giá trị tài sản của công ty. Sự sụt giảm giá trị này nên được tính vào để phản ánh bản chất và giá trị của tài sản trên thực tế.

Không chỉ Warren Buffett mà nhiều nhà đầu tư khác cũng phản đối việc sử dụng chỉ số EBITDA. Charlie Munger – bạn thân của Buffett và cũng là một nhà đầu tư nổi tiếng khác còn gọi EBITDA là một thứ vớ vẩn.Lấy một ví dụ: Giả sử một công ty có các tài sản được ghi nhận trong khoản mục Tài sản, nhà xưởng và thiết bị. Theo bản chất tự nhiên, qua thời gian hoạt động những tài sản này sẽ mất dần giá trị khi được đem vào sử dụng. Với việc sử dụng EBITDA như là một phương pháp định giá doanh nghiệp sẽ là thiếu sót vì nó bỏ qua những khoản hao hụt giá trị của những máy móc thiết bị đó. Sử dụng EBITDA trong trường hợp này sẽ phóng đại lợi nhuận của công ty và qua đó phóng đại giá trị doanh nghiệp.

Nên đọc
Theo VietNamBiz
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo